Ba lý do
Mỹ đang thúc đẩy một gói trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Triều Tiên, trong đó có cấm vận dầu mỏ, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân hôm 3/9 vừa qua. Tuy nhiên, trong bài viết mới đăng tải trên Sputnik, chuyên gia phân tích chính trị Nga Dmitry Verkhoturov cho rằng, phương án này sẽ không hiệu quả.
Theo ông Verkhoturov, có ít nhất 3 lý do giải thích vì sao kế hoạch này thất bại.
Thứ nhất, theo tính toán của Bộ Ngoại thương Triều Tiên, dự trữ dầu của nước này đang ở vào khoảng 60-90 tỷ thùng. Mặc dù thường được nhìn với ánh mắt hoài nghi nhưng ông Verkhoturov cho rằng các số liệu này vẫn dựa trên những cơ sở nhất định.
Kể từ năm 1992, nhiều công ty đã tiến hành thăm dò địa vật lý ở Triều Tiên, ví dụ như: Beach Petroleum NL, Taurus Petroleum AB, và Puspita Emas Sdn. Bhd. Các cuộc khảo nghiệm đã xác nhận rằng, có trữ lượng dầu khí ở Triều Tiên.
Giàn khoan cũ của Romania được công ty SOCO sử dụng để khoan giếng dầu tại Triều Tiên năm 1998. Ảnh: SOCO
Năm 1998, công ty SOCO International PLC của Anh đã khoan một giếng sâu 4.300m tại một trong những mỏ dầu tiềm năng của Triều Tiên.
Năm 2004, sau khi khảo sát một khu vực ở biển Nhật Bản, công ty Aminex PLC của Anh khẳng định, khu vực đó có sản lượng xấp xỉ 4-5 tỷ thùng dầu thô.
Cùng lúc đó, công ty HBOil của Mông Cổ tiến hành các hoạt động thăm dò ở khu vực phía Nam Bình Nhưỡng và khoan 22 giếng. Phần lớn các giếng này đều chứa dầu thô, cho phép Triều Tiên khai thác trung bình 75 thùng/giếng/ngày.
Thứ hai, lãnh đạo Triều Tiên đã để các công ty xăng dầu nước ngoài thực hiện phần việc khó khăn nhất trong quá trình thăm dò dầu khí. Khi trữ lượng hydrocarbon được xác nhận và dầu, khí bắt đầu được khai thác, Bình Nhưỡng sẽ tự mình tiếp tục công tác khảo sát.
Thứ ba, lâu nay vẫn tồn tại một quan niệm nhầm lẫn khá phổ biến. Nhiều người cho rằng Triều Tiên không sở hữu thiết bị khoan. Ông Verkhoturov chỉ ra rằng, Bình Nhưỡng đã có được nhiều giàn khoan của Liên Xô hoặc Romania từ trước năm 1991.
Những thiết bị này có khả năng khoan được các giếng dầu sâu 4.000-4.500m. Các cuộc thăm dò của SOCO International PLC năm 1998 tại Triều Tiên đã được thực hiện bằng những thiết bị này. Theo chuyên gia Nga, kể cả khi thiết bị trở nên cũ kỹ thì Triều Tiên vẫn có thể tự sản xuất các giàn khoan của riêng mình, dựa trên các máy móc nước này có.
"Nhìn vào ngành công nghiệp kỹ thuật phát triển của Triều Tiên, có thể thấy, không khó để nước này sao chép và hiện đại hóa các giàn khoan của Romania, tăng khả năng khai thác. Họ có thể sản xuất phụ tùng cũng như các bộ phận của giàn khoan", ông Verkhoturov nói.
Cấm vận thiếu lực cản
Chuyên gia Nga nhận định: Chắc chắn Bình Nhưỡng phải chú trọng tới vấn đề năng lượng để phục vụ cho quá trình sản xuất tên lửa và vũ khí hạt nhân mới. Ông cho rằng, Triều Tiên đã bắt đầu khai thác dầu từ các giếng dầu của mình, kể cả các giếng mà công ty Mông Cổ đã khoan hồi năm 2001-2002.
"Một giếng dầu với sản lượng 75 thùng/ngày có thể mang lại hơn 27.000 thùng mỗi năm. Mười giếng thì sẽ có 270.000 thùng mỗi năm", ông Verkhoturov ước tính, "Đây là mức tối thiểu, nhiều khả năng Triều Tiên còn sở hữu nhiều dầu hơn".
Như vậy, cấm vận dầu mỏ chỉ khiến Triều Tiên nỗ lực hơn nữa trong công cuộc tự khai thác dầu thô và điều đó có nghĩa là kế hoạch ngăn cản Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân của Seoul và Washington sẽ thất bại, nhà phân tích kết luận.
Ngày 6/9, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã công bố rằng, Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu cho nghị quyết mới về Triều Tiên do Mỹ soạn thảo vào ngày 11/9 tới.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley phát biểu trong cuộc học của Liên Hợp Quốc hôm 6/9. Ảnh: AP
Dự thảo nghị quyết đã chấp thuận đề xuất áp cấm vận dầu mỏ nhằm vào Triều Tiên và tính tới khả năng phong tỏa tài sản của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đồng thời chặn tất cả các khoản tiền mà người Triều Tiên gửi về từ nước ngoài.
Bình luận về văn kiện này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow sẽ xem xét tài liệu một cách kỹ lưỡng. Về phần mình, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới rằng, vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận hay đánh giá nào về các biện pháp mới nhằm vào Triều Tiên.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố: Moscow không công nhận tình trạng hạt nhân của Triều Tiên và nhận định rằng, cấm vận kinh tế không thể khống chế hoàn toàn chương trình tên lửa đầy tham vọng của Bình Nhưỡng.
Theo ông Putin, giải quyết xung đột thông qua đối thoại là lựa chọn sáng suốt nhất bởi bước đi kế tiếp sau cấm vận sẽ là "thư mời tới nghĩa địa".