SCMP: Ông Tập Cận Bình đã có lựa chọn đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên

Thủy Thu |

Trong bối cảnh căng thẳng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho đang đứng trước hai lựa chọn khó khăn về vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Sau khi Triều Tiên tiến hành cuộc thử hạt nhân lần thứ 6 thành công, Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 7/9 cho biết, Trung Quốc tán đồng với Liên hợp quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Đồng thời, ông Vương Nghị đánh giá, lệnh trừng phạt chỉ là một nửa chiếc chìa khóa để giải quyết vấn đề mà nửa chiếc chìa khóa còn lại là đàm phán đối thoại.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc là yếu tố quan trọng trong việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ kế hoạch hạt nhân.

Ngày 6/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump để bàn về tình hình bán đảo Triều Tiên.

"Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ làm gì đó. Chúng ta chờ xem ông ấy có thể làm được không. Nhưng chúng ta sẽ không chịu đựng thêm những gì đang diễn ra ở Triều Tiên. Dù là ông ấy hay là lãnh đạo Trung Quốc khác đều sẽ không nhẫn nhịn hành vi khiêu khích của Triều Tiên", Tổng thống Mỹ phát biểu trong buổi họp báo sau đó.

"Về điểm này, tôi tin ông Tập nhất trí quan điểm với tôi 100%", ông chủ Nhà Trắng cho biết thêm và khẳng định, tấn công quân sự không phải là lựa chọn hàng đầu của Washington nhưng sẽ theo dõi thêm.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP -Hồng Kông) dẫn lời chuyên gia Trung Quốc bình luận cho rằng, "dù chỉ là cảnh cáo thì Bắc Kinh cũng nên áp đặt lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu khí của Triều Tiên". Tờ này chỉ ra, Bắc Kinh có khả năng sẽ đồng ý chấm dứt nguồn cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng.

Sau cuộc thử nghiệm hạt nhân ngày 3/9 của Triều Tiên, sáng sớm 5/9, Trung Quốc đã tổ chức cuộc diễn tập đánh chặn tên lửa tại biển Bột Hải - tiếp giáp với bán đảo Triều Tiên.

Trước động thái bất thường - được cho là lời cảnh báo tới Triều Tiên của Bắc Kinh, một số ý kiến cho rằng, tại cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hôm 11/9 tới đây, Trung Quốc có thể đồng ý hạn chế cung cấp dầu cho Triều Tiên.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu liên Triều thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), ông Trịnh Kế Vĩnh nhận định, chấm dứt cung cấp dầu sẽ là cú đánh mạnh vào Triều Tiên. Hiện nay, phần lớn lượng dầu khí được Bắc Kinh chuyển tới Bình Nhưỡng thông qua hệ thống đường ống dẫn dầu ở Đan Đông.

Sau khi trải qua quá trình xử lý ở nhà máy lọc dầu Ponghwa, lượng dầu này sẽ được dẫn tới các đường ống cung cấp cho Bình Nhưỡng và các thành phố lớn khác ở Triều Tiên.

Trước đó, ngày 6/9, The New York Times cho biết, Mỹ đã lần đầu tiên yêu cầu Trung Quốc lựa chọn một trong hai phương án: hành động quân sự hoặc ngừng cung cấp dầu nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân mới đây của Bình Nhưỡng.

NYT cho rằng, điều này đã khiến Chủ tịch Tập Cận Bình đối mặt với tình huống vô cùng khó khăn. Trong bối cảnh Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19 sắp khai mạc vào tháng 9 tới, ông Tập không muốn thất thế trước áp lực của Washington nhưng ông cũng không muốn bán đảo Triều Tiên bùng nổ một cuộc chiến tranh phá hoại an ninh khu vực.

"Nếu Hàn Quốc, Mỹ nhất trí với yêu cầu như dừng các cuộc tập trận chung để giữ thể diện cho Trung Quốc, ông Tập Cận Bình có thể sẽ đồng ý ngừng cung cấp dầu cho Triều Tiên", NYT viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại