Tổng thống Trump: Triều Tiên sẽ có "một ngày rất buồn" nếu Mỹ tấn công quân sự

Tất Đạt |

Nhiều quốc gia thúc giục Liên Hợp Quốc có những bước đi cứng rắn hơn với Triều Tiên, nhưng vẫn bỏ ngỏ phương án giải quyết xung đột bằng đàm phán.

Mỹ không muốn dùng tới vũ lực

Hôm qua (7/9), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ không sử dụng vũ lực để ngăn cản mối nguy hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Ông Trump nói thêm, nếu Mỹ dùng tới sức mạnh quân sự, đó sẽ là "một ngày rất buồn" cho Triều Tiên.

Trong buổi họp báo sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, ông Trump phủ nhận khả năng dùng đến vũ lực: "Phương án quân sự chắc chắn luôn là một lựa chọn của Mỹ. Mỹ có bắt buộc phải lựa chọn phương án này không? Không hề."

Dù ông Trump khẳng định hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để đàm phán với Bình Nhưỡng, nhưng các quan chức cấp cao Mỹ vẫn để mở cánh cửa ngoại giao với chính quyền ông Kim Jong Un.

Cũng trong ngày 7/9, Trung Quốc ủng hộ Liên Hợp Quốc (LHQ) nên thắt chặt trừng phạt với Bình Nhưỡng, nhưng cùng lúc phải đem vấn đề quay lại bàn đàm phán để giải quyết căng thẳng bán đảo.

Theo Reuters, ngày 6/9, Mỹ yêu cầu Hội đồng Bảo an (HĐBA) áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ, hàng dệt may xuất khẩu, và không cho phép người sử dụng lao động thuê nhân sự Triều Tiên ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đề xuất đóng băng tài sản của ông Kim Jong Un.

Áp lực từ phía Washington ngày càng leo thang kể từ khi Triều Tiên thử hạt nhân hôm Chủ Nhật (3/9). Loạt thử tên lửa trong hơn 1 tháng gần đây cũng cho thấy Bình Nhưỡng đã ngày càng tiến gần hơn mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân có thể tiếp cận Mỹ.

Giải pháp của quốc tế

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trả lời phóng viên Reuters: "Xét trên những phát triển mới của Triều Tiên, Trung Quốc tin rằng HĐBA cần phản ứng quyết liệt hơn. Mọi hành động của cộng đồng quốc tế phải tập trung giải quyết chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng, nhưng cũng phải mở ra phương án ngoại giao và đám phán."

Tổng thống Trump: Triều Tiên sẽ có một ngày rất buồn nếu Mỹ tấn công quân sự - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: CBC

Trong năm ngoái, Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Triều Tiên, chiếm khoảng 92% giao dịch song phương của Bình Nhưỡng. Trung Quốc cũng cung cấp hàng trăm nghìn tấn dầu và nhiên liệu cho chính quyền ông Kim.

Đại diện Triều Tiên tỏ thái độ gay gắt trong Diễn đàn kinh tế phương Đông, tổ chức ở Vladivostok, tại miền Viễn Đông Nga: "Bình Nhưỡng sẽ đối phó với những âm mưu ‘man rợ’ đằng sau những cấm vận của Mỹ bằng những đòn trả đũa mạnh mẽ của chúng tôi."

Một đại diện của HĐBA cho biết Trung Quốc và Nga không đồng ý với phương án của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ thúc giục LHQ tổ chức bỏ phiếu thông qua dự luật cấm vận vào 11/9 tới.

Theo các quan chức Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã thống nhất cùng thuyết phục Trung Quốc và Nga cắt giảm hỗ trợ dầu mỏ cho Triều Tiên càng nhiều càng tốt.

Triều Tiên cho biết nước này cần vũ khí để tự vệ trước mối đe dọa từ Mỹ. Liên minh Hàn Quốc-Mỹ về mặt lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên kể từ cuộc chiến bán đảo năm 1950-1953.

Một quan chức cấp cao Mỹ đề cập khả năng mô hình Chiến tranh Lạnh mà Washington từng sử dụng với Liên Xô có thể được áp dụng với Triều Tiên.

Vị quan chức đề nghị giấu tên, thể hiện lo lắng rằng Triều Tiên có thể "đánh giá thấp" phản ứng của Mỹ với những vụ thử tên lửa và đe dọa rằng Bình Nhưỡng không nên coi thường phương án sử dụng vũ lực của Mỹ.

Hàn Quốc ngày 7/9 đã hoàn thiện việc lắp đặt 4 bệ phóng của Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Trung Quốc đã phản đối kịch liệt việc này, cáo buộc hệ thống radar của THAAD có thể quét sâu trong lãnh thổ Trung Quốc và đe dọa an ninh khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại