Thắng lợi ngoại giao của Ấn Độ
Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS kết thúc hôm 5/9 tại Phúc Kiến, Trung Quốc và truyền thông Ấn Độ đã rất vui mừng, hoan nghênh "thắng lợi ngoại giao" của nước này tại hội nghị trên.
Lý do là vì Trung Quốc công khai liệt một số tổ chức cực đoan tại Pakistan vào danh sách khủng bố.
Cụ thể, trong tuyên bố chung, lãnh đạo các nước BRICS nhất trí "bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh trong khu vực và bạo lực do Taliban, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Al-Qaeda và các phong trào liên kết bao gồm phong trào Hồi giáo Đông Turkistan, phong trào Hồi giáo Uzbekistan, mạng lưới Haqqani, Lashkar-e-Taiba, Jaish-e-Mohammed, TTP và Hizb ut-Tahrir gây ra".
Quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, đây là lần đầu tiên tuyên bố chung BRICS đề cập đến các tổ chức này, trong khi truyền thông New Delhi ca ngợi, đây là "thắng lợi ngoại giao" của chính phủ Thủ tướng Narendra Modi.
Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 5/9 dẫn nguồn tờ The Nation (Pakistan) cho rằng, Ấn Độ không cần vui mừng như thế vì một số tổ chức trên đều đã sớm bị Pakistan liệt vào danh sách cấm của chính nước này.
Hoàn cầu trích dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Pakistan nhận định rằng, "hành động bôi nhọ Pakistan của Ấn Độ sẽ thất bại bởi Trung Quốc - Pakistan đã thảo luận, Bắc Kinh vẫn cam kết ủng hộ Islamabad".
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan cho biết, nước này phản đối tuyên bố chung của các lãnh đạo BRICS và khẳng định, Islamabad không phải là nơi ấn trú của các phần tử khủng bố. Trong khi, một nhà nghiên cứu Viện Khoa học xã hội Trung Quốc tiết lộ, Đại sứ Pakistan tại Trung Quốc đã tỏ ra "tức giận" trước tuyên bố trên.
Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc, Pakistan thường ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở rất nhiều sự kiện, thậm chí cuộc đối đầu Trung-Ấn phát sinh gần đây, nước này cũng bày tỏ thái độ ủng hộ Bắc Kinh. Trái lại, nhằm giúp New Delhi toại nguyện, Bắc Kinh lại "điểm danh" Pakistan và chính điều này không khỏi khiến thế giới bất ngờ.
Trước động thái trên của Bắc Kinh, một luồng ý kiến bình luận, "đây dường như là sự phản bội của Bắc Kinh với đồng minh lâu năm - Pakistan".
Truyền thông Ấn Độ tỏ ra vui mừng trước thắng lợi của Thủ tướng Modi tại hội nghị BRICS. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nghi lễ ngoại giao hiếm thấy
Trước đó, sau hơn 70 ngày giằng co, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiến hành hội đàm song phương tại Phúc Kiến, hôm 5/9.
Tờ Sing Tao Daily (Hồng Kông) cho biết, cuộc hội đàm đã kéo dài hơn thời gian dự kiến 30 phút nhưng ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình, đại diện quan chức cấp cao Trung Quốc tham dự chỉ duy nhất có Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Một số ý kiến cho rằng, dù có ý kéo dài cuộc đối thoại nhưng việc Bắc Kinh chỉ cử ông Dương tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành hội đàm, chứng tỏ Trung Quốc có ý "hạ thấp nghi lễ đón tiếp" Thủ tướng Modi.
Báo Hồng Kông dẫn lời quan chức Ấn Độ tiết lộ, tuyên bố chung của các lãnh đạo BRICS lần đầu tiên liệt một số tổ chức khủng bố tại Pakistan vào danh sách tổ chức khủng bố mang tính toàn cầu đã tạo nên bầu không khí tốt đẹp trong cuộc tiếp xúc giữa hai ông Tập - Modi.
New Delhi cho rằng, việc Trung Quốc nhượng bộ là "thắng lợi ngoại giao" của Ấn Độ bởi tại hội nghị BRICS năm ngoái tổ chức tại Ấn Độ, tuyên bố chung đã không đề cập đến các tổ chức khủng bố này, nguyên nhân được cho là do Trung Quốc phản đối.
Học giả Đại học Chính trị Đài Loan, ông Lưu Phục Quốc bình luận, đây rất có thể là hành động nhượng bộ của Bắc Kinh nhằm buộc Ấn Độ rút quân tại cao nguyên Doklam, đồng thời trong tuyên bố chung, Trung Quốc cũng liệt Đông Turkistan (Tân Cương) vào danh sách tổ chứng khủng bố cho thấy, hai nước Trung-Ấn đã đạt được lợi ích riêng.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù Trung-Ấn dường như đã bắt tay làm hòa nhưng mối quan hệ thực chất vẫn chưa hoàn toàn bình ổn. Ví như, trong cuộc hội kiến với Tổng thống Mexico hay Thủ tướng Thái Lan trước đó, đoàn tháp tùng của ông Tập gồm có Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Trung Quốc Vương Hỗ Ninh, Chánh văn phòng trung ương đảng Lật Chiến Thư và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì.
Dù Bắc Kinh không tỏ ý lạnh nhạt với ông Modi, thậm chí còn kéo dài thời gian hội đàm nhưng việc chỉ cử Dương Khiết Trì tháp tùng ông Tập trong cuộc gặp với lãnh đạo Ấn Độ đã cho thấy sự hạ thấp nghi lễ đón tiếp quan chức Ấn Độ và đây là động thái ngoại giao hiếm thấy của Bắc Kinh, Đa chiều viết.