Tại Hội nghị quốc tế về virus sao mã ngược và các bệnh nhiễm trùng cơ hội diễn ra từ 13-16/02/2017 tại Seattle, Washington (Mỹ), một thông báo đã gây sự chú ý dư luận về hiệu quả của phương pháp điều trị mới trong điều trị HIV.
Một nhóm nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu AIDS tại IrsiCaixa, Barcelona (Tây Ban Nha) báo cáo đã thử nghiệm thành công trong việc ức chế sự nhân lên của virus HIV trong 5 trên 13 bệnh nhân tham gia nghiên cứu.
Hiện nay, hầu hết các bệnh nhân nhiễm HIV cần được điều trị thuốc kháng virus hàng ngày (ART) nhằm ức chế sự nhân lên của virus và phục hồi lại hệ thống miễn dịch cơ thể.
Những thuốc này phải được điều trị trong suốt đời bởi vì HIV có thể lẩn trốn trong các tế bào lympho hay các tế bào ruột.
Nếu ngừng thuốc, virus sẽ nhanh chóng nhân lên từ những tế bào này. Chúng có thể biến đổi để lẩn tránh hệ miễn dịch và dẫn đến kháng thuốc.
Thế nhưng, nhóm nghiên cứu đã kết hợp tiêm vắc-xin mới được phát triển bởi Tomas Hanke tại ĐH Oxford (Anh) với thuốc điều trị ung thư (Romidepsin) đã được chứng minh có khả năng phá vỡ sự lẩn trốn của HIV trong các tế bào thông qua ức chế hoạt tính của enzyme HDAC làm cho virus lộ diện và chịu sự tác động tấn công của thuốc.
Tất cả 13 bệnh nhân tham gia nghiên cứu được điều trị thuốc kháng virus trong một thử nghiệm lâm sàng trước đó và được theo dõi trung bình 3 năm.
Trong thử nghiệm mới này, tất cả các bệnh nhân ngừng điều trị với liệu pháp ART để bắt đầu cho một liệu pháp điều trị mới.
Các bệnh nhân được tiêm một mũi vắc-xin theo sau đó là 3 mũi tiêm romidepsin trong 3 tuần liên tiếp và cuối cùng được tiêm lại mũi vắc-xin thứ 2.
Kết quả cho thấy 8 trong số 13 bệnh nhân phải bắt đầu lại liệu pháp ART bởi sự bùng phát trở lại của virus HIV trong vòng 4 tuần sau khi thử nghiệm kết thúc.
Tuy nhiên, 5 bệnh nhân còn lại thì sự bùng phát trở lại ở mức độ thấp (<2000 copies/ml) sau đó trở lại mức không thể phát hiện được.
Cho đến nay 5 bệnh nhân này không phải dùng ART trong khoảng thời gian lần lượt là 6,12,19, 20 và 28 tuần.
Sau một theo dõi và xét nghiệm, các nhà nghiên cứu không phát hiện được HIV trong máu bệnh nhân và điều này có nghĩa là nồng độ virus thấp hơn 200 copies/ml.
Tuy nhiên, chúng ta chưa thể khẳng định chắc chắn rằng HIV không còn hiện diện trong cơ thể và càng không thể khẳng định rằng 5 bệnh nhân này đã thực sự khỏi.
Đây là một vắc-xin trị liệu đầu tiên và là thành tựu quan trọng trong việc phát triển một liệu pháp điều trị mới có thể ức chế sự nhân lên của virus lâu dài mà không cần liệu pháp ART.
Kết quả từ thử nghiệm này cần phải được khẳng định trong các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn có nhóm đối chứng và theo dõi trong thời gian dài hơn.
Hơn 30 năm qua, rất nhiều thử nghiệm vắc-xin được tiến hành.Tuy nhiên, đáng chú ý là 2 thử nghiệm gần đây cho kết quả rất khả quan.
Thử nghiêm đầu tiên được tiến hành tại Thái Lan (RV144) với 16.400 người tham gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy vắc-xin có hiệu quả bảo vệ nhiễm HIV 31% trong khoảng thời gian trung bình 3.5 năm.
Nghiên cứu thứ hai được tiến hành đầu năm 2017 tại Nam Phi. Nghiên cứu được thực hiện tương tự như thử nghiệm trước tại Thái Lan. Dự kiến kết quả nghiên cứu sẽ được báo cáo vào năm 2020.
* Tổng hợp từ Sciencemag, Aidsmap, NIH