Hệ tiêu hoá là gốc trường thọ: Chuyên gia chỉ thói quen tàn phá hệ tiêu hoá của người Việt

Ngọc Minh |

Theo chuyên gia, đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, là nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch, cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau.

Hệ tiêu hoá, ảnh minh hoạ.

Hệ tiêu hoá, ảnh minh hoạ.

Tại Chương trình truyền thông Hưởng ứng ngày sức khoẻ tiêu hoá Thế giới ngày 29/5 do Báo Sức khoẻ và đời sống và Viện dinh dưỡng Quốc gia phát động, TTND.GS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã đánh giá vai trò rất quan trọng đối với sức khoẻ. Theo đó, đường tiêu hoá chính là cái gốc để con người sống khoẻ mạnh ít bệnh tật.

"Tôi còn nhớ khi GS.TS Nguyễn Văn Chuyển (chuyên gia dinh dưỡng tại Nhật Bản) về Việt Nam nói chuyện khoa học: Ông có nói con người ta sinh ra chỉ khoảng 3kg và khi trưởng thành khoảng 50kg. Như vậy 47kg con người có được từ nhỏ cho tới khi trưởng thành là đến từ thức ăn. Theo tính toán của GS Chiển, trong một đời người sống tới 70 tuổi, con người tiêu thụ khoảng 144 tấn lương thực phẩm không kể nước uống (đều đi qua đường tiêu hoá).

Con số đó đủ để thấy đường tiêu hoá quan trọng ra sao. Hệ tiêu hoá đã nuôi sống toàn bộ cơ thể, đưa dinh dưỡng từ bên ngoài vào xây dựng, tái tạo tế bào trong cơ thể. Trong thức ăn có khoảng 60 chất chúng ta ăn vào trong đó có khoảng 40 chất cơ thể con người không tự tổng hợp được phải lấy từ thức ăn", GS Tuyên nói.

Hệ tiêu hoá là gốc trường thọ: Chuyên gia chỉ thói quen tàn phá hệ tiêu hoá của người Việt - Ảnh 1.

TTND.GS.TS Lê Danh Tuyên chia sẻ tại cuộc họp báo.

Theo vị chuyên gia dinh dưỡng, hiện nay, không ít người Việt còn chủ quan coi thường đường tiêu hoá. Rất nhiều người đang coi hệ tiêu hoá như "nhà kho" ăn uống vô tội vạ, uống rượu bia nhiều, ăn uống không tiết chế, thậm chí  ngâm đủ các loại động vật sống vào rượu để uống, ăn các thực phẩm có chứa chất bảo quản…. Cách ăn đó vô tình đã tàn phá đường tiêu hoá của con người dẫn lối với nhiều bệnh lý nguy hiểm, tuổi thọ giảm.

"Chúng đã biết, từ xa xưa, thông qua những quan sát sinh hoạt hàng ngày ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm rất quan trọng "Bệnh là từ miệng vào". Cho tới ngày nay, nhận xét này vẫn có ý nghĩa xét từ góc độ khoa học.

Đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa được hỗ trợ bởi hệ miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ tác nhân gây bệnh trong thức ăn", GS Tuyên phân tích.

Nếu coi hệ miễn dịch như một thành trì thì dinh dưỡng chính là nguyên liệu xây nên thành trì đó thông qua các đa chất gồm: protein, lipid, carbon hydrat là các viên gạch tạo nên thành phần hệ miễn dịch như: kháng thể, cytokine, thụ thể....

Bên cạnh đó, các vitamin và khoáng chất là những mắt xích mấu chốt và các chất truyền tin giữ cho hàng rào luôn kết nối vững vàng. Dinh dưỡng cũng cung cấp nguồn năng lượng không thể thiếu để hệ miễn dịch vận hành trơn tru, sẵn sàng được kích hoạt một cách hiệu quả khi có tác nhân có hại xâm nhập.

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề cho biết, chế độ ăn không cân bằng: ăn nhiều chất đạm, ít rau làm tổn thương hệ vi khuẩn đường ruột gây ra mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Do vậy, ở người cao tuổi tiêu hoá sẽ kém đi, thường gặp phải các vấn đề về đại tràng.

Theo PGS Nhung hiện nay chưa có nghiên cứu nào về vai trò sức khoẻ đường tiêu hoá. Đa phần các trường hợp người dân đi khám bệnh để điều trị chưa quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng.

Các chuyên gia khuyến cáo để có một sức khoẻ tốt, tuổi thọ cào thì cần phải có chế độ ăn cân đối kết hợp với vận động.

"Tại Nhật Bản là đất nước có người dân sống thọ nhất thế giới họ không có chế độ ăn quá đặc biệt. Chế độ ăn của người Nhật đều xuất phát từ sự cân bằng cách dưỡng chất", PGS Nhung cung cấp thông tin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại