Hải quân Nga với kế hoạch sở hữu “siêu tàu sân bay”

ANH VŨ |

Hiện nay, Nga chỉ có một tàu sân bay đang hoạt động là chiếc Admiral Kuznetsov, được đưa vào biên chế từ năm 1991. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi nếu kế hoạch phát triển tàu sân bay thế hệ mới của Nga trở thành hiện thực.

Hãng tin RIA Novosti mới đây dẫn lời Phó tư lệnh Hải quân Nga Viktor Bursuk cho biết, nước này sẽ bắt đầu chế tạo tàu sân bay thế hệ mới trong giai đoạn hai của chương trình vũ trang cấp nhà nước, từ năm 2023 đến 2028.

Năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu Nhà nước Krylov của Nga đã trình bày về tham vọng phát triển tàu sân bay lớn nhất thế giới thông qua đề án mang tên 23000E Shtorm. Đến năm 2017, Bộ Quốc phòng Nga một lần nữa xác nhận kế hoạch đóng siêu tàu sân bay theo dự án này nhằm tăng cường năng lực hải quân, trực tiếp cạnh tranh với tàu sân bay lớp Nimitz và Ford của Mỹ.

“Hải quân sẽ phát triển tàu sân bay mới. Trung tâm Nghiên cứu Nhà nước Krylov đã đệ trình mô hình tàu sân bay để các cơ quan chức năng xem xét", hãng tin Sputnik dẫn phát biểu của ông Viktor Bursuk tại Triển lãm về phòng vệ biển quốc tế diễn ra ở St. Petersburg vào cuối tháng 6-2017.

Hải quân Nga với kế hoạch sở hữu “siêu tàu sân bay” - Ảnh 1.

Tàu sân bay Admiral Kuznetsov của Nga. Ảnh: sputniknews

Mặc dù chưa có bất kỳ thông số kỹ thuật nào của lớp tàu mới được tiết lộ, song các nguồn tin quân sự của Nga từng nhận định rằng quá trình phát triển tàu sân bay này có thể mất khoảng 10 năm.

Theo phỏng đoán của một số chuyên gia, tàu sân bay tương lai của Nga dài 330 m, rộng 40 m, độ choán nước từ 90.000-100.000 tấn, đạt tốc độ tối đa hơn 55 km/giờ, chở được từ 4.000-5.000 người cùng 80-90 máy bay quân sự.

Song song với Đề án 23000E Shtorm, Nga cũng đã lên kế hoạch thiết kế và chế tạo các máy bay cất cánh thẳng đứng dành cho tàu sân bay thế hệ mới. Điều này đã được Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yury Borisov khẳng định.

Ông Yury Borisov nhấn mạnh: “Đến khi tàu sân bay mới xuất hiện, MiG-29 và Su-33 có thể đã trở nên lỗi thời. Nga có kế hoạch chế tạo loại máy bay có khả năng rút ngắn thời gian cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng”.

Tuy nhiên để hoàn thành đề án này vẫn còn rất nhiều thời gian. Trong khi chờ đợi sự ra đời của lớp tàu sân bay mới, Nga đã bắt đầu quá trình bảo dưỡng, sửa chữa và hiện đại hóa tàu sân bay Admiral Kuznetsov với tổng kinh phí khoảng 1,1 tỷ USD. Bởi sau một thời gian dài hoạt động, cộng với việc lần đầu tham gia thực chiến tại Syria, Admiral Kuznetsov rất cần được nâng cấp.

Theo tạp chí Livejournal, thường thì khi đại tu các tàu chiến, các nhà máy đóng tàu của Nga chỉ tập trung vào việc phục hồi tình trạng kỹ thuật và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Nhưng với Admiral Kuznetsov thì lại hoàn toàn khác.

Dự kiến tàu sân bay này sẽ được trang bị hàng loạt thiết bị mới, nâng cấp hệ thống máy móc và vũ khí nhằm kéo dài “tuổi thọ” thêm khoảng 20 năm nữa.

Giới chuyên gia cho rằng điều kiện kinh tế Nga ít nhiều gặp khó khăn do các lệnh cấm vận từ phương Tây và ngân sách dành cho quốc phòng bị cắt giảm, kế hoạch sở hữu tàu sân bay theo Đề án 23000E Shtorm sẽ vấp phải những trở ngại.

Cần phải biết rằng, việc đóng tàu sân bay thường rất phức tạp và đòi hỏi nguồn kinh phí cực lớn. Theo Sputnik, ước tính việc đóng tàu sân bay có độ choán nước 100.000 tấn sẽ cần tới khoản chi phí tương đương 16,8 tỷ USD. Trong khi đó, Nga đang trải qua năm cắt giảm ngân sách quốc phòng thứ ba liên tiếp, với mức cắt giảm 25%.

Do đó nếu Đề án 23000E được bố trí ngân sách, nó sẽ tiêu tốn một khoản lớn trong tổng ngân sách quốc phòng hằng năm của nước này. Và việc tìm nguồn kinh phí để đóng loại siêu tàu sân bay này chắc chắn cũng sẽ là vấn đề nan giải.

Hơn nữa, sở hữu tàu sân bay cũng đồng nghĩa phải có các nhóm tàu tác chiến đi kèm như tàu hộ vệ, hậu cần, giám sát… đặc biệt là đội máy bay chiến đấu trên tàu và chi phí vận hành. Khi đó, tổng chi phí sẽ không chỉ dừng lại ở con số 16,8 tỷ USD như các chuyên gia đã ước tính.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia quân sự cũng cho rằng Nga là một cường quốc trên đất liền, bởi vậy nước này không thực sự có nhu cầu duy trì một siêu tàu sân bay và biên đội hộ tống.

Tạp chí The National Interest cũng dẫn lời nhiều chuyên gia, phần lớn trong đó cho rằng trong bối cảnh ngân sách quốc phòng có hạn, nhiều khả năng Nga sẽ tập trung chế tạo máy bay, tên lửa tầm xa để bảo vệ lợi ích quốc gia và Đề án 23000E khó trở thành hiện thực trong một sớm một chiều.

Thực tế cho thấy kể từ khi ý tưởng phát triển tàu sân bay mới của Nga xuất hiện, đã có hai luồng quan điểm khác nhau về kế hoạch này. Những người ủng hộ thì cho rằng dù tàu sân bay là một sản phẩm đắt đỏ, nhưng là điều mà Nga cần hướng tới để nâng cao năng lực chiến đấu và đảm bảo sức mạnh của một “siêu cường hải quân”.

Trong khi đó, những ý kiến phản đối lại cho rằng hiện nay, Hải quân Nga có những mục tiêu chiến lược khác cần phải ưu tiên giải quyết và Moscow cần phải chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng trước khi nghĩ tới việc sở hữu các siêu tàu sân bay.

Dĩ nhiên, qua phát biểu của giới chức quốc phòng Nga, có thể tin rằng dự án xây dựng tàu sân bay mới sẽ được thực hiện. Và một khi đã chính thức ra đời, “hậu duệ” của tàu sân bay Admiral Kuznetsov sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của những tàu sân bay mà Mỹ đang sở hữu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại