Tăng Thiết giáp: Mọt có đục được xe tăng - Binh chủng Thép hay binh chủng Nhôm?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Trong mỗi đơn vị quân đội thường có những giai thoại vui vui về cuộc sống, chiến đấu mang đặc thù của mình và Binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG) cũng không ngoại lệ.

Các chiến sĩ xe tăng không chỉ huấn luyện giỏi, chăm sóc vũ khí tốt, chiến đấu dũng cảm, kiên cường mà còn là tác giả nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị. Trong đó không thể không kể đến những giai thoại, ca dao hò vè đậm chất lính song cũng không kém phần ý nghĩa.

Mọt có đục xe tăng được không?

Xe tăng dù là chủng loại gì, dù sản xuất từ bao giờ, dù tối tân hay lạc hậu... song có một cái chung là đều được bao kín bởi một bộ giáp thép. Bộ giáp thép này tùy loại xe, tùy vị trí khác nhau mà có dộ dày khác nhau. Xe tăng bơi thì thường vỏ chỉ hơn chục mi-li-mét, còn xe hạng trung, hạng nặng thì chả kể được, có chỗ lên đến vài trăm mi-li-mét chứ chả chơi.

Không dừng lại ở đó! Cùng với các tiến bộ của công nghệ luyện kim, các loại thép chế tạo xe tăng không phải là thép thường mà là thép hợp kim đặc biệt có độ bền vững rất cao.

Ấy thế mà ở Binh chủng Tăng thiết giáp (TTG) Việt Nam lại có câu thành ngữ "mọt đục xe tăng" mới lạ chứ! Mọt chỉ có thể gặm gỗ được thôi chứ gặm thế quái nào được thép chất lượng cao? Thế thì tại sao lại có câu thành ngữ trên?

Nhưng như người xưa đã tổng kết, cái gì cũng có nguyên do của nó!

Tăng Thiết giáp: Mọt có đục được xe tăng - Binh chủng Thép hay binh chủng Nhôm? - Ảnh 1.

Những chiếc xe tăng đầu tiên của quân đội ta là T-34, dòng xe tăng chiến đấu thành công nhất của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Số là, mặc dù được thành lập từ tháng Mười năm 1959 song do chưa có đất dụng võ nên TTG chỉ nằm một chỗ, nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện và chăm sóc, bảo dưỡng xe máy. Cũng vì vậy mà lực lượng không phát triển - mãi đến tận năm 1965 mới có thêm một trung đoàn nữa. Gọi là binh chủng, có Bộ tư lệnh hẳn hoi song chỉ có đúng hai trung đoàn mà thôi!

Trong khi đó, luật sĩ quan cũng như luật nghĩa vụ quân sự thời đó có một số điều chưa rõ ràng - nhất là về số năm phục vụ của hạ sĩ quan và niên hạn phong quân hàm của sĩ quan. Đã thế, lại không chiến đấu nên chẳng có thành tích gì nổi trội thành ra cả sĩ quan lẫn hạ sĩ quan của Binh chủng TTG lúc đó đều rất lâu mới được thăng quân hàm.

Có nhiều anh đeo những đôi quân hàm bạc phếch cả ra, phù hiệu binh chủng với sao vạch cũng rỉ đen sì... rất là hoàn cảnh.

Và thế là trong toàn binh chủng bắt đầu lưu truyền câu ca dao mà không biết tác giả là ai:

"Bao giờ mọt đục xe tăng

Thì quân ông Vũ mới thăng quân hàm"

(Ông Vũ: Thượng tá Đào Huy Vũ, quyền Tư lệnh Binh chủng TTG).

Các thủ trưởng Binh chủng - kể cả quyền Tư lệnh Đào Huy Vũ cũng không xa lạ gì với câu ca dao trên song cũng chỉ biết cười trừ vì đó là một thực tế nằm ngoài quyền hạn của họ. Có điều hay là đã không hề có một cuộc điều tra xem tác giả câu ca ấy là ai!

Tăng Thiết giáp: Mọt có đục được xe tăng - Binh chủng Thép hay binh chủng Nhôm? - Ảnh 2.

Thiếu tướng Đào Huy Vũ - nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp.

Binh chủng "Thép" hay binh chủng "Nhôm"?

Nhìn chung, như đã nói ở trên các loại TTG hầu hết - có thể nói là tuyệt đại đa số được chế tạo bằng thép nên binh chủng TTG cũng được gọi một cách hình tượng là "Binh chủng Thép"! Đó là một thuật ngữ được dùng khá phổ biến trên sách báo cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng và được quần chúng thừa nhận một cách rộng rãi.

Có thể nói, cán bộ chiến sĩ xe tăng đều rất tự hào với cái tên gọi này bởi nó rất ngắn gọn, rất cô đọng và nghe nó cũng đày hào khí, tự hào.

Không chỉ vậy, cái tên "Binh chủng Thép" không chỉ đơn giản mang nghĩa đen là vật liệu chế tạo mà nó còn khái quát hóa một cách ngắn gọn song cũng thật đầy đủ những phẩm chất quan trọng nhất của mỗi người lính xe tăng cần có để hoàn thành nhiệm vụ: chất thép trong tư tưởng, trong ý chí, trong chấp hành kỷ luật và trong mọi hành động của mình...

Ấy thế nhưng vào thập niên 70 của thế kỷ trước, khi tếu táo với nhau các chiến sĩ hay đùa: "Binh chủng ta sắp thành binh chủng Nhôm rồi". Quái lạ! Sao Thép lại biến thành Nhôm được? Thép chắc chắn là cứng chắc và bền vững hơn nhôm rồi! Gì chứ vỏ nhôm như M113 thì đạn 12,7 mm cũng xơi ngon. Thế mà lại là ‘binh chủng Nhôm" thì còn gì để nói nữa?

Nhưng như trên đã nói, cái gì cũng có nguồn cơn của nó. Thì ra, cái chuyện "Binh chủng Nhôm" nó có nguồn gốc từ mấy câu vè thế này:

"Binh chủng ta

là binh chủng Thép

Không cho về phép,

thành binh chủng Nhôm

Cho về vài hôm,

lại thành binh chủng Thép!"

Cái hay của bài vè này ở chỗ nó có thể lặp đi, lặp lại cả ngày và tất nhiên cũng chẳng thể nào biết tác giả của nó là ai. Mà cũng có thể đó là sáng tác của tập thể lắm!

Tăng Thiết giáp: Mọt có đục được xe tăng - Binh chủng Thép hay binh chủng Nhôm? - Ảnh 3.

Lữ đoàn xe tăng 406, Quân khu 2 huấn luyện chiến đấu.

Thoạt nghe, có vẻ như tác giả muốn chế giễu sự suy giảm ý chí ở một số người nào đó. Song không phải vậy! Đây chỉ là biểu hiện tính trào lộng của lính xe tăng. Và tất nhiên, tác giả (hoặc nhóm tác giả) này không hề có ý nói xấu binh chủng mà chỉ là sự đùa cợt vui vui mà thôi.

Còn nếu các thủ trưởng cấp trên mà quan tâm tới, giải quyết cho mấy ngày phép thì càng tốt! Thật là một mũi tên mà được hai con chim.

Tăng Thiết giáp: Mọt có đục được xe tăng - Binh chủng Thép hay binh chủng Nhôm? - Ảnh 4.

Ca dao, hò vè mang tính xây dựng trong các đơn vị quân đội là sản phẩm của tinh thần lạc quan, yêu đời của những người lính. Tinh thần đó là một phẩm chất hết sức cần thiết đối với những người lính cách mạng.

Chính nó đã giúp họ vượt qua muôn ngàn gian khổ, hy sinh, ác liệt... trong những cuộc kháng chiến trước đây. Trong điều kiện hiện tại và tương lai, nó cần được tiếp tục phát huy để làm giàu thêm cuộc sống tinh thần và tôi luyện thêm bản lĩnh, ý chí của mỗi người chiến sĩ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại