Thượng tướng Võ Văn Tuấn kể chuyện đội bay Hiệp sỹ Nga hạ cánh khẩn cấp ở Phan Rang sau tai nạn kinh hoàng

Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng TMT QĐND Việt Nam |

Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam kể lại những tình tiết ít người biết về Phi đội Hiệp sỹ Nga hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Phan Rang, Trung đoàn không quân 937.

Chúng ta đều biết ngày 12/12/1995 xảy ra tai nạn khi Phi đội Hiệp sỹ Nga gồm 5 máy bay SU-27 được 1 máy bay IL-76 dẫn, bay từ Malaysia sau Triển Lãm Hàng không - Hàng hải LIMA-95 về Nga qua sân bay Cam Ranh nạp dầu, 3 máy bay SU-27 (2 SU-27SK, 1 SU-27UBK) đâm vào khu vực Núi Chúa, 4 phi công Nga hy sinh.

Hôm đó, Trung đoàn không quân 937 (tôi là Trung đoàn trưởng) không có hoạt động bay. Khi tôi đang đứng ở sân Ban chỉ huy Trung đoàn bỗng nghe tiếng động cơ phản lực vội ngẩng lên nhìn thì thấy 2 SU-27 bay biên đội qua đường băng.

Tôi linh tính chuyện chẳng lành vì biết kế hoạch Phi Đội SU-27 Hiệp sỹ Nga bay từ Malaysia hạ cánh ở Cam Ranh nên nhảy ngay lên xe UAZ tự lái ra sân bay.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn kể chuyện đội bay Hiệp sỹ Nga hạ cánh khẩn cấp ở Phan Rang sau tai nạn kinh hoàng - Ảnh 1.

Máy bay thuộc phi đội Hiệp sỹ Nga biểu diễn.


Tới sân bay, 2 máy bay giải tán đội hình bay vào hạ cánh. Tôi lái xe chạy theo đường lăn ra cuối đường băng trong khi 2 máy bay vừa hạ cánh đang xả đà. Tôi nhảy xuống xe ra hiệu cho phi công ngắt dù giảm tốc và lăn theo xe của tôi vào sân đỗ.

Sau đó, tôi lệnh cho các thành phần liên quan của Trung đoàn ra đón và niêm phong 2 máy bay là 2 SU-27(1 SU-27SK,1 SU-27UBK). Tôi chở 3 phi công Nga vào nhà Ban chỉ huy Trung đoàn.

Trên xe chúng tôi trao đổi và hiểu rằng có thể xảy ra tai nạn đối với 3 máy bay còn lại vì các phi công nói khi đang bay nhìn thấy trong mây ánh chớp loè vội kéo giật ngược cần lái bay vọt lên.

Gia trọng khi kéo trên 10 đơn vị do kéo quá đột ngột vì sợ đâm vào núi. Khi vọt lên trên mây, nhóm phi công liên lạc với nhau thì chỉ còn 2 máy bay và nhìn thấy 1 sân bay gần đó nên nhập đội và bay xuống hạ cánh vì sắp hết dầu.

Sân bay đó là Phan Rang của Trung đoàn tôi. Tôi điện báo cáo khẩn về Sư Đoàn, Quân Chủng và Bộ tổng tham mưu. Khi đó việc liên lạc với Đơn vị của Bạn Nga đóng tại Cam Ranh rất khó khăn. Tôi đưa 3 phi công Nga về ở Nhà khách của Trung đoàn.

Đến chiều, có 1 xe của phía Nga từ Cam Ranh tới Phan Rang, 1 Đại tá Không quân Nga trao đổi cho tôi biết tai nạn xảy ra với 3 SU-27, may mắn chiếc IL-76 thoát nạn hạ cánh ở Cam Ranh.

Đêm hôm đó tôi cùng 3 phi công Nga và vị Đại tá kia ngồi trầm ngâm bên mấy chai vodka, cùng chia sẻ nỗi đau của những phi công khi đồng nghiệp mình ra đi mãi mãi. Tổng Tham Mưu trưởng, Thượng tướng Đào Đình Luyện điện thoại trực tiếp cho tôi thăm hỏi các bạn Nga.

Mấy ngày liền, bên Cam Ranh là cuộc tìm kiếm thi thể 4 phi công và phần còn lại của những những máy bay xấu số. Bên Phan Rang là những buổi làm việc để xác định nguyên nhân tai nạn do 3 phi công thoát nạn báo cáo,cũng như chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật và pháp lý để 2 máy bay còn lại cất cánh tiếp.

Trước hôm các phi công bạn bay đi, tôi cùng các bạn Nga ngồi với nhau suốt đêm và cùng chúc nhau "An toàn bay trong suốt đời bay còn lại!" của mỗi chúng tôi.

Chúng tôi trở thành bạn bè trong hoạn nạn. Hôm sau,các phi công bạn cất cánh về sân bay Cam Ranh, tôi trực tiếp chỉ huy bay. Nhìn 2 chiếc máy bay cất cánh bay sát nhau, nhớ tới Phi đội Hiệp sỹ Nga oai hùng, nay nhìn như cánh chim cô đơn tôi chợt thấy chạnh lòng và nhoè trong mắt.

Khi đó chụp ảnh khó khăn không như hiện nay, nhưng tôi vẫn lưu được một số hình ảnh hôm chia tay các phi công bạn, mới đó mà đã 22 năm trôi qua.

Ba phi công thoát nạn về vẫn tiếp tục bay trong Phi đội Hiệp sỹ Nga, dù trải qua nhiều thế hệ phi công sau 22 năm kể từ ngày đó, họ vẫn luôn kiêu hùng trên bầu trời và vẫn an toàn.

Nhớ lại kỷ niệm tôi chia sẻ cùng các bạn và chúc các phi công của Phi đội Hiệp sỹ Nga tiếp tục thể hiện tài năng và luôn bay an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại