PV: Xin ông cho biết những tiến bộ trong việc chẩn đoán và điều trị suy tim ở nước ta hiện nay giúp tiếp cận toàn diện căn bệnh này?
GS.TS Nguyễn Lân Việt: Suy tim là tình trạng bệnh lý nặng, hậu quả cuối cùng của phần lớn các bệnh lý như: tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính…
Khoảng 50% bệnh nhân suy tim sẽ tử vong trong vòng 5 năm và khoảng 25% thường bị tái nhập viện trong vòng 30 ngày sau khi xuất viện.
GS.TS Nguyễn Lân Việt.
Trong thời gian gần đây việc chẩn đoán và điều trị suy tim đã có rất nhiều bước tiến mới.
Nếu như trước đây để chẩn đoán suy tim thường phải dựa vào các biểu hiện cơ năng và thực thể trên lâm sàng như khó thở, phù, gan to… thì hiện nay nhiều trường hợp suy tim kín đáo cũng đã được chẩn đoán sớm nhờ có các thăm dò và chẩn đoán hình ảnh (để đánh giá về phân số tống máu của thất trái) và các dấu ấn sinh học (như BNT hay NT-ProBNT).
Trong việc điều trị suy tim mạn tính, bên cạnh các thuốc kinh điển như trợ tim, lợi tiểu, giãn mạch, chặn beta giao cảm… thì nhiều nhóm thuốc mới đã được chứng minh rõ hiệu quả điều trị của chúng qua các thử nghiệm lâm sàng khác nhau.
Ví dụ nhóm thuốc ức chế Neprilysin và thụ thể Angiotensin (LCZ 696) trong nghiên cứu PARADIGM-HF đã cho thấy nhóm thuốc này đã giảm được 20% các biến cố chính so với nhóm điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển.
Hay một nhóm thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 được y giới đặc biệt chú ý là nhóm thuốc ức chế tái hấp thu glucose ở ống thận (SGLT2 lại có hiệu quả giảm đến 35% tỉ lệ nhập viện vì suy tim, giảm tỉ lệ tử vong do nguyên nhân tim mạch).
Hoặc một nhóm thuốc ức chế bệnh “F” của nút xoang có tên là Ivabradine đã chứng minh được hiệu quả giúp điều trị suy tim nếu bệnh nhân có nhộp xoang lớn hơn hoặc bằng 70 chu kỳ/phút.
Các trường hợp suy tim kháng trị có mất đồng bộ của tim thì các máy tạo nhịp giúp tái đồng bộ tim (CRT) đã có hiệu quả cải thiện được chức năng tim khá rõ.
PV: Mới đây có thông tin sử dụng tế bào gốc để “sửa chữa suy tim”. Xin ông nói rõ hơn về phương pháp này và triển vọng thực hiện tại VN ra sao thưa ông?
GS.TS Nguyễn Lân Việt: Trên thế giới đã có một số trung tâm tim mạch đã thực hiện bơm tế bào gốc tự thân vào động mạch vành của những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, mặc dù đã được can thiệp động mạch vành rồi nhưng chức năng co bóp của tim vẫn kém và thu được kết quả khá khả quan.
Tại Viện Tim mạch Việt Nam, chúng tôi cũng đã tiến hành biện pháp điều trị này cho khoảng gần 50 bệnh nhân tương tự như trên và bước đầu nhận thấy các triệu chứng cơ năng và phân số tống máu thất trái của người bệnh có được cải thiện hơn.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tim mạch tại Viện Tim mạch Việt Nam. Ảnh: VNP.
PV: Hiện tượng trẻ hóa bệnh tim mạch ở Việt Nam đã được các chuyên gia cảnh báo nhiều lần. Liệu đây có phải là mối lo ngại với sức khỏe cộng đồng không? Và làm thế nào để phát hiện bệnh lý tim mạch tiềm ẩn ở những người đang khoẻ mạnh?
GS.TS Nguyễn Lân Việt: Đúng là trên thực tế tại BV chúng tôi có gặp nhiều người còn khá trẻ nhưng đã bị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phí, đái tháo đường… Thậm chí có thanh niên mới 28 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim cấp. Đây thực sự là mối lo ngại với sức khỏe của cộng đồng chúng ta.
Để có thể phát hiện sớm bệnh lý tim mạch ở những người vẫn nghĩ là còn khỏe mạnh thì chỉ có cách là cần khám sức khỏe một cách toàn diện theo một định kỳ nhất định.
Tất nhiên kèm với khám lâm sàng thì các thầy thuốc sẽ cho kiểm tra một số xét nghiệm cơ bản như điện tâm đồ, siêu âm tim, siêu âm bụng, sinh hóa máu... để có thể kịp thời phát hiện những bệnh lý mà triệu chứng lâm sàng còn chưa thể hiện rõ.
PV: Giáo sư có khuyến cáo gì cho người dân trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch nói chung và suy tim nói riêng? Với những người đã mắc bệnh thì nên có lối sống như thế nào để không làm nặng nề thêm tình trạng bệnh tật?
GS.TS Nguyễn Lân Việt: Việc chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch là cần thiết nhất. Ngay từ lúc còn trẻ đã phải cố gắng thực hiện được một lối sống lành mạnh để hạn chế đến mức tối đa các yếu tố nguy cơ về tim mạch, cụ thể là:
Không hút thuốc lá, thuốc lào; Hạn chế rượu bia; Không nên ăn mặn; Hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo động vật, các thức ăn có chứa nhiều cholesterol.
Nên tăng cường ăn rau xanh trong các khẩu phần ăn hàng ngày. Tập thể dục đều đặn và đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày (khoảng 30-45 phút mỗi ngày).
Tránh lo âu căng thẳng thần kinh. Nên điều chỉnh để có chế độ sinh hoạt lành mạnh, chế độ nghỉ ngơi một cách hợp lý.
Kiểm tra sức khỏe một cách thường xuyên (nói chung khoảng 6 tháng một lần) có kèm với làm một số xét nghiệm cơ bản nhất như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu…
Nếu có các bệnh lý hay yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp thì cần điều trị một cách tích cực để hạn chế tối đa các biến cố có thể xảy ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!