5 sai lầm nghiêm trọng trong chăm sóc sức khỏe: Càng áp dụng, bệnh càng thêm nặng

Vân Hồng |

Việc chăm sóc sức khỏe là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải đúng cách. Sau đây là 5 sai lầm được các chuyên gia cho rằng rất nguy hiểm, bạn nên tham khảo để phòng tránh.

Chăm sóc sức khỏe hay dưỡng sinh chính là công việc quan trọng mà mỗi người cần phải thực hiện kiên trì cả đời. Mục đích là để cơ thể khỏe mạnh và ung dung sống lâu sống thọ. Tuy nhiên, khảo sát tại Trung Quốc cho thấy, có nhiều người đang thực hiện việc này sai cách, tưởng rằng tốt cho sức khỏe, hóa ra lại gây hại lớn.

Sau đây là những sai lầm nguy hiểm nhất mà nhiều người đang mắc phải, đặc biệt là nhóm người lứa tuổi trung niên trở lên. Đây là điều cần phải sửa đổi sớm nếu bạn đang mắc.

1. Không ăn muối và dầu mỡ để giảm tam cao (huyết áp, mỡ máu, đường huyết)

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới, một người bình thường không nên ăn nhiều hơn một nắp chai muối mỗi ngày (khoảng 5-6g). Khi xào nấu cũng nên hạn chế cho quá nhiều dầu mỡ, để phòng ngừa nguy cơ gây ra bệnh mỡ máu, bệnh tim mạch vành.

Những lời khuyên về giảm dầu mỡ và muối này là hoàn toàn đúng đắn, nhưng có những người áp dụng ở mức "quá triệt để", tức là họ không hề ăn các chất này. Đây lại chính là sự áp dụng mù quáng, phản tác dụng.

Vì vậy, chúng ta cần biết rằng, dầu mỡ không phải là "kẻ thù" của sức khỏe. Lời khuyên hạn chế ăn dầu mỡ là vì hiện nay có nhiều gia đình đang lạm dụng dầu mỡ trong quá trình chế biến, chiên rán liên tục, vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Ngược lại, sau khi biết khuyến cáo, bạn hoàn toàn không ăn dầu muối lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Bên cạnh đó, nếu giảm quá mức số lượng muối ăn vào cơ thể, sẽ gây ra hiện tượng thiếu natri, làm cho các tế bào thiếu đi tính cân bằng, gây ra phù não, rối loạn chuyển hóa, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn ói và các triệu chứng khác.

Dầu ăn cũng là một chất dinh dưỡng cần thiết. Nếu bạn thường xuyên chỉ ăn đồ luộc, bỏ hẳn dầu mỡ thì sẽ dẫn đến bị thiếu chất.

Tài liệu hướng dẫn cách ăn uống lành mạnh của Trung Quốc khuyên, mỗi người mỗi ngày nên ăn khoảng 6g muối và 25-30g dầu mỡ. Do đó, việc kiểm soát lượng dầu và muối phù hợp là một cách tiếp cận khôn ngoan.

5 sai lầm nghiêm trọng trong chăm sóc sức khỏe: Càng áp dụng, bệnh càng thêm nặng - Ảnh 1.

2. Dậy quá sớm để đi tập thể dục buổi sáng

Trong công viên, chúng ta thường thấy có nhiều người tham gia tập thể dục buổi sáng, đặc biệt phổ biến là ở người cao tuổi. Nhưng thực tiễn cho thấy đây không phải là việc được các chuyên gia cho là tốt.

Khoảng thời gian trước 6 giờ sáng chất lượng không khí không tốt, cây xanh qua một đêm dài không quang hợp, không khí xung quanh tích tụ nhiều lượng khí carbon dioxide. Cơ thể vào buổi sáng thường rất nhạy cảm, thần kinh giao cảm bị kích thích, bệnh tim mạch vành rất dễ xuất hiện, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, trong thời gian trước 6 giờ sáng, người trung niên trở lên nên uống thêm nước trước khi ra khỏi nhà, ăn một chút đồ ăn sáng để phòng ngừa chứng tụt đường huyết. Khi đi tập cũng cần chú ý địa điểm ở nơi công viên, đường chạy bộ hoặc quảng trường có đông người. Đề phòng nếu gặp rủi ro, luôn có người quan sát thấy để kịp giúp đỡ.

Nếu xem thời tiết xấu, mưa hoặc mây mù âm u, thì nên chuyển hướng tập thể dục trong nhà thay vì đi ra ngoài, để tránh nhiễm cảm gió hay phản ứng với thời tiết xấu.

5 sai lầm nghiêm trọng trong chăm sóc sức khỏe: Càng áp dụng, bệnh càng thêm nặng - Ảnh 2.

3. Lạm dụng uống thuốc bổ tùy tiện

Có một hiện tượng khá phổ biến một phần xuất phát từ điều kiện kinh tế khá giả nên nhiều người hiện nay đã tự tìm mua các loại thuốc bổ về uống như là xu hướng tất yếu của người có tiền biết quan tâm sức khỏe.

Việc uống thuốc bổ như nhung sâm, các thực phẩm chức năng bổ sung, hoặc thậm chí có những loại thuốc được xem là chữa bách bệnh, nâng cao tuổi thọ có thể sẽ gây họa cho cơ thể nếu không biết sử dụng đúng cách.

Khi đến môtj độ tuổi nhất định, cơ thể dễ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng, thì việc bổ sung thuốc bổ có thể làm chậm sự suy giảm chức năng sinh lý, làm trì hoãn quá trình lão hóa.

Nhưng quan điểm Đông y Trung Quốc cho rằng, khi cơ thể yếu thì bổ sung chất là đúng. Nhưng sự hư nhược đó được phân thành nhiều loại, ví dụ như thiếu khí, thiếu máu, ngũ tạng suy nhược…

Có nhiều người không tìm hiểu kỹ, thiếu chất này lại bổ sung chất kia, khiến cơ thể bị xáo trộn, không những không bổ mà bệnh còn nặng thêm. Ví dụ khi không thiếu khí, nhưng vẫn bổ khí, sẽ gây phấn khích, khó chịu, mất ngủ, nhức đầu, căng phồng bụng, huyết áp và các triệu chứng khác.

Đối với người bình thường, chỉ cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng là đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Vì vậy, cách tốt nhất là hãy ăn uống đúng cách, lành mạnh, không nên kiêng khem hay thiên lệch bất kỳ món nào, đó chính là giải pháp chăm sóc sức khỏe khoa học.

Ngoài ra, nếu như cảm thấy cơ thể thật sự cần đến sự hỗ trợ của thuốc bổ, thì bạn nên lựa chọn các giải pháp bổ sung tự thực phẩm tự nhiên trước, sau đó mới nghĩ đến thuốc. Nếu uống thuốc viên bổ sung hay thực phẩm chức năng, cần có sự tư vấn của bác sĩ. Không nên tùy tiện tự uống mà lợi bất cập hại.

5 sai lầm nghiêm trọng trong chăm sóc sức khỏe: Càng áp dụng, bệnh càng thêm nặng - Ảnh 3.

4. Coi chuyện bị rụng răng là bình thường

Có nhiều người có quan niệm rằng, người cao tuổi hay trung niên trở lên, nếu có bị rụng răng thì cũng là điều bình thường, không mấy quan tâm, thậm chí nhổ xong vứt luôn chiếc răng mà không nghĩ ngợi gì.

Trên thực tế, việc rụng răng ở người cao tuổi còn quan trọng hơn ở trẻ em. Vì khi mất đi một chiếc răng, cấu tạo trong hàm sẽ bị ảnh hưởng, kể cả việc có thể làm tổn thương, xô lệch những chiếc răng khỏe mạnh bên cạnh.

Nếu trong dài hạn, răng bị rụng nhiều, việc nhai thức ăn không đảm bảo, sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, từ đó sẽ ảnh hưởng đến việc bổ sung và hấp thu dinh dưỡng của người cao tuổi.

Các chuyên gia khuyên rằng, người cao tuổi nên chú ý đến vệ sinh răng miệng, đánh răng buổi sáng và tối, súc miệng sau mỗi bữa ăn, định kỳ kiểm tra răng và lấy cao răng. Nếu bị thiếu răng thì cần bổ sung răng thay thế, chữa trị kịp thời. Tốt nhất là nên duy trì chức năng nhai, vì nó ảnh hưởng toàn diện lên sức khỏe và tuổi thọ.

5 sai lầm nghiêm trọng trong chăm sóc sức khỏe: Càng áp dụng, bệnh càng thêm nặng - Ảnh 4.

5. Ăn thực phẩm để hạ huyết áp thay cho thuốc

Cần tây, mộc nhĩ có tác dụng hạ huyết áp, có tác dụng hỗ trợ trong việc điều trị huyết áp. Có những người mắc bệnh huyết áp nhưng ngại uống thuốc, sợ tác dụng phụ của thuốc nên sau khi tìm hiểu các tác dụng của thực phẩm trong điều trị huyết áp liền bỏ thuốc không uống, nghĩ rằng thực phẩm có thể hoàn toàn thay thế thuốc hạ huyết áp.

Thực phẩm tốt cho sức khỏe, có thể hỗ trợ điều trị bệnh, nhưng không có nghĩa là có thể chữa bệnh thay thế thuốc trong mọi trường hợp. Bởi khi bệnh nhân bị cao huyết áp, đã được bác sĩ kê đơn uống thuốc, thì việc tự ý bỏ thuốc là điều phải xem lại.

Thuốc dùng để điều trị các bệnh tương ứng với thực trạng và điều kiện sức khỏe riêng của mỗi người, nếu bỏ thuốc sẽ dẫn đến sự biến động về huyết áp, ảnh hưởng đến chức năng của huyết quản, tổn hại đến tim, não và các cơ quan quan trọng khác trên cơ thể.

Chọn cách uống thuốc là bởi vì thuốc có thể duy trì huyết áp ổn định, ngăn ngừa tổn thương tăng nặng cho cơ thể người bệnh.

Vì vậy, gia đình có người cao tuổi, hoặc đã bị huyết áp cao phải nhớ rằng thực phẩm không phải là thuốc. Khi có bệnh, phải thực hiện theo hướng dẫn của thầy thuốc, chú ý đến chế độ ăn uống, tập thể dục và uống thuốc đúng yêu cầu.

5 sai lầm nghiêm trọng trong chăm sóc sức khỏe: Càng áp dụng, bệnh càng thêm nặng - Ảnh 5.

Xem thêm: Bài tập thể dục dưỡng sinh

*Theo Tạp chí Bác sĩ Gia đình (TQ)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại