Các loại vi khuẩn như campylobacter, E. coli hoặc salmonella có thể xuất hiện trong các loại thực phẩm. Các thực phẩm bị nhiễm khuẩn có thể gây ra tình trạng ngộ độc, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người.
Các loại vi khuẩn này có thể “ẩn nấp” trong căn bếp của mọi người và có thể lây lan vì một số thói quen nấu nướng, dọn dẹp phổ biến của nhiều người.
Keith Schneider, giáo sư về an toàn thực phẩm tại Khoa Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng Con người tại Đại học Florida, Mỹ cho biết: “Đảm bảo an toàn thực phẩm ở nhà vô cùng quan trọng vì các món ăn mà bạn nấu có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của tất cả các thành viên trong gia đình, khiến mọi người bị ốm, bệnh”.
Đặc biệt, các chuyên gia an toàn thực phẩm cho biết có 6 thói quen phổ biến của nhiều người có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, lây lan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
6 thói quen “mời gọi” vi khuẩn bệnh tật đến gần
1. Không rửa tay với xà phòng
Trước khi bắt đầu chế biến thực phẩm, việc đầu tiên bạn cần làm là rửa tay. Vì vi trùng có thể bám trên tay và tiếp tục lây lan sang bề mặt ở bếp, các vật dụng nấu nướng hoặc thậm chí là bám vào thực phẩm.
Chuyên gia Mitzi Baum, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận về y tế công đồng STOP Foodborne Illness cho biết: “Bước đầu tiên để phòng ngừa vi khuẩn, virus lây lan sang thực phẩm là thường xuyên rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước trong suốt quá trình nấu ăn. Điều này sẽ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm chéo vi trùng sang đồ dùng trong bếp, khăn lau, mặt bàn và thực phẩm”.
Ngoài ra, mọi người nên rửa tay nhiều lần trong khi nấu, đặc biệt là khi xử lý thịt sống hoặc phải sử dụng điện thoại trong quá trình nấu ăn.
Ảnh minh họa.
2. Không vệ sinh thớt
Sau khi sử dụng thớt để cắt thái thịt sống, mọi người cần rửa sạch thớt bằng nước nóng và xà phòng trước khi tiếp tục dùng chúng để thái rau cho món salad hoặc thái đồ chín. Điều này có thể biến thớt trở thành nơi trú ẩn hoàn hảo của vi khuẩn và tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
Chuyên gia Schneider nói: “Để tránh lây nhiễm chéo các loại vi khuẩn, tôi thường khuyên mọi người nên sử dụng một chiếc thớt riêng để thái các loại thịt sống, thịt các loại gia cầm, cá và một chiếc thớt để thái những đồ tươi có thể ăn luôn như rau làm salad, hoa quả,...
Ảnh minh họa.
3. Dùng chung đồ cho cả thịt sống và thịt chín
Dùng chung đĩa đựng cả thực phẩm sống và chín có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo các loại vi khuẩn chứa trong đồ sống vào các món ăn đã chín. Đây là tình trạng khá phổ biến và rất nhiều người mắc phải.
Chuyên gia Schneider cho biết không chỉ các đồ vật để đựng, ngay cả khi bạn dùng dụng cụ gắp cho cả đồ sống và đồ chín, nó cũng tạo ra nguy cơ lây nhiễm chéo vi khuẩn.
Chuyên gia nói: “Ví dụ như những chiếc kẹp để kẹp thức ăn, sau khi dùng để kẹp đồ sống tôi sẽ rửa sạch chiếc kẹp đó hoặc thay chiếc kẹp mới khi tôi muốn gắp đồ chín ra”.
Ảnh minh họa.
4. Rã đông thịt trên quầy bếp
Để thịt rã đông trên quầy bếp hoặc ngâm thịt trực tiếp trong nước là thói quen phổ biến của nhiều người. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên làm vậy.
Chuyên gia giải thích: “Vi khuẩn có trong và trên bề mặt của thực phẩm. Nếu bạn để những thực phẩm này ở nhiệt độ phòng quá lâu, vi khuẩn có hại có thể phát triển, lây lan và gây ảnh hưởng tới sức khỏe khi bạn ăn phải các thực phẩm bị nhiễm khuẩn”.
Theo chuyên gia Baum, có một số cách để rã đông thịt bạn có thể tham khảo, chặng hạn như: Rã đông trong ngăn mát tủ lạnh, rã đông dưới vòi nước lạnh, rã đông bằng lò vi sóng nếu thịt được nấu ngay sau khi rã đông.
Ảnh minh họa.
5. Nấu thức ăn sống bằng lò vi sóng
Chuyên gia Baum cho biết: “Nấu thức ăn sống trong lò vi sóng có thể khiến thức ăn không chín đều”.
Baum giải thích: “Lò vi sóng có công suất khác nhau có thể ảnh hưởng đến thời gian nấu thực phẩm và có thể dẫn đến tình trạng đồ ăn chưa được nấu chưa chín kỹ. Điều này có thể khiến một số loại vi khuẩn vẫn còn tồn tại trong các món ăn, làm tăng nguy cơ ngộ độc”.
6. Để thức ăn còn ấm vào tủ lạnh để làm mát
Chuyên gia cho biết: “Một số người đều có thói quen để thức ăn còn ấm vào hộp đựng bằng nhựa và cho vào tủ lạnh vì vội. Tuy nhiên, nếu đột ngột đưa thức ăn còn ấm nóng vào tủ lạnh, các thực phẩm này có thể bị ‘sốc nhiệt’. Điều này vô tình hình thành nên nhiều loại vi khuẩn gây hại, khiến đồ ăn dễ bị nhiễm khuẩn và ôi thiu hơn”.
Do đó, khi muốn bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh, các chuyên gia cho biết mọi người nên đảm bảo thức ăn đã nguội hẳn.