GĐ Bệnh viện K: "Siết" kê đơn biệt dược gốc sẽ khiến bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh

Ngọc Anh |

Theo các bác sĩ việc sử dụng biệt dược gốc là cần thiết với các bệnh viện tuyến cuối, nêu bệnh nhân tuyến cuối vẫn dùng thuốc generic sẽ không có tác dụng hiệu quả.

Siết chặt việc kê đơn thuốc biệt dược gốc 

Ngày 8/9, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn số 3968 về việc thống nhất tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám chữa bệnh. 

Công văn của BHXH Việt Nam nêu rõ đối với các bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế, các Bệnh viện trực thuộc Bộ Quốc phòng như BV trung ương Quân đội 108, BV Quân y 103, Viện Bỏng Lê Hữu Trác, BV Quân y 175, BV Y học cổ truyền quân đội, các bệnh viện trực thuộc Bộ Công an như BV 198, BV 30/4 và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tối đa bằng 30 % tổng chi thuốc.

Các bệnh viện tuyến trung ương có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc không quá 30% tổng chi thuốc, các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 30% tổng chi thuốc giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.

Đối với Bệnh viện hạng 1 trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 25% so với tổng chi thuốc.

GĐ Bệnh viện K: Siết kê đơn biệt dược gốc sẽ khiến bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh - Ảnh 1.

Bệnh viện hạng 4 và y tế xã không được kê biệt dược

Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc thực tế trong năm 2016 lớn hơn 25%, điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 25% tổng chi thuốc. Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 25%tổng chi thuốc, giữ nguyên tỷ lệ sử dụng năm 2016.

Bệnh viện hạng 2 trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 15% tổng chi thuốc. Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 15% chi thuốc, giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.

Bệnh viện hạng 3 trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 4% so với tổng chi thuốc. 

Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc thực tế trong năm 2016 lớn hơn 4% điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 4% tổng chi thuốc. Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 4% thuốc chi, giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.

Không sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám chữa bệnh hạng 4, trạm y tế xã, các cơ sở khám chữa bệnh không phân hạng.

Việc siết chặt biệt dược gốc trong điều trị bệnh của BHXH Việt Nam để giảm chi phí tiền BHYT cho sử dụng thuốc trong điều trị bệnh trước nguy cơ bội chi quỹ BHYT.

Quy định mới làm khó cho bác sĩ

Theo PGS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K trung ương, việc siết chặt kê đơn biệt dược gốc của BHXH Việt Nam để giảm chi phí BHYT cho việc điều trị bệnh nhân trên góc độ nào đó có mặt được, mặt chưa được.

Với các cơ sở điều trị tuyến cuối như Bệnh viện K trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức việc siết kê đơn biệt dược có thể sẽ gây khó khăn trong việc điều trị cho bệnh nhân. PGS Thuấn cho rằng, đa số bệnh nhân lên đến tuyến cuối đã bị "kháng" các dòng thuốc có hiệu quả điều trị thấp hơn ở tuyến dưới, nên  phải sử dụng nhiều thuốc biệt dược gốc.

Bác sĩ Thuấn cho biết, có những bệnh nhân đã điều trị ở tuyến tỉnh một thời gian dài và hầu như nhóm generic không có tác dụng, nên bác sĩ phải sử dụng biệt dược gốc mới chữa được bệnh. Nếu siết kê đơn biệt dược sẽ làm khó bác sĩ, khiến việc kê đơn cũng cứng nhắc hơn.

Hơn nữa, tâm lý bác sĩ ai cũng muốn kê thuốc tốt nhất cho bệnh nhân, nếu kê thuốc biệt dược gốc thì bác sĩ sẽ thoải mái hơn là sử dụng dòng thuốc generic.

GĐ Bệnh viện K: Siết kê đơn biệt dược gốc sẽ khiến bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh - Ảnh 2.

PGS Trần Văn Thuấn

Theo PGS Thuấn, thay vì "áp trần" 30% thì BHXH có thể để bác sĩ tư vấn và cân nhắc cho bệnh  nhân tuỳ từng trường hợp nên sử dụng thuốc biệt dược gốc hay Generic.

Mặt trái nữa của việc siết kê đơn biệt dược gốc sẽ khiến cho lượng bệnh nhân có điều kiện kinh tế tốt ra nước ngoài điều trị bởi vì tâm lý "đắt xắt ra miếng", thuốc đắt tiền sẽ tốt hơn. Như thế, y tế Việt Nam sẽ bị "chảy máu" nguồn  kinh phí ra nước ngoài rất lớn.

Tại Bệnh viện K trung ương, PGS Thuấn cho biết việc kê biệt dược gốc cũng hạn chế từ 30 – 35 %. Trong các hội đồng đấu thầu thuốc với các cơ quan của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều được cân nhắc từng loại thuốc, từng biệt dược và generic.

Nhiều thuốc generic hiệu quả kém

PGS Nguyễn Hữu Đức – Khoa Dược trường Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho biết, giá biệt dược quá đắt, không phù hợp với người Việt Nam, nhưng tâm lý của bác sĩ Việt Nam và người bệnh vẫn chưa tin tưởng nhóm thuốc generic. Họ vẫn "sính" biệt dược gốc bởi các loại biệt dược gốc này đã được nghiên cứu hàng chục năm trời và được thử nghiệm tương đương sinh học. 

Trong khi nhóm generic sao chép công thức của biệt dược gốc khi hết thời gian bảo hộ, và ít loại được thử nghiệm tương đương sinh học. 

Mặc khác, nhiều thuốc generic cùng loại xuất hiện và được các nhà điều trị sử dụng cho thấy, có một số phiên bản thuốc không cho tác dụng điều trị và hiệu quả lâm sàng giống như biệt dược gốc của nó. Điều này càng khiến bác sĩ e dè khi kê nhóm thuốc generic cho bệnh nhân.

PGS Đức cho biết, đặc biệt nhóm thuốc generic do Việt Nam sản xuất việc thử tương đương sinh học càng hiếm hoi. Nếu các công ty dược chịu bỏ chi phí để thử tương đương sinh học cho nhóm thuốc generic thì chắc chắn sẽ lấy được niềm tin từ bác sĩ. Khi đó, chủ trương giảm biệt dược gốc sẽ hài hoà cả nhà bảo hiểm, bác sĩ và người bệnh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có hàng trăm loại thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ, và có thuốc generic tương tự được chứng minh tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc, đáp ứng yêu cầu điều trị theo tiêu chuẩn cao nhất được các nước tham gia ICH (Nhóm 1) áp dụng, trong đó nhiều loại thuốc đã có 2 đến 3 số đăng ký với giá rẻ hơn nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại