Mới đây, trang Business Insider trích dẫn số liệu từ báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho biết, mặc dù Liên minh Châu Âu (EU) đã cố gắng cắt giảm nhập khẩu dầu Nga, nhưng họ vẫn mua mặt hàng này từ Nga "nhiều hơn bất kỳ ai khác".
Cụ thể, báo cáo vừa được CREA công bố hôm 4/10 cho biết EU vẫn là nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Nga trong tháng 9 vừa qua.
Dữ liệu cho thấy kể từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 9, EU đã chi hơn 100 tỷ euro để nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, dù lượng nhiên liệu EU nhập khẩu từ Nga trong tháng 9 giảm 50% so với tháng 3, và giảm 14% so với tháng 8.
Trong khi đó, hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cho thấy kết quả tương tự: Trong tháng 8, lượng dầu EU và Anh nhập từ Nga đã giảm 35% xuống còn 1,7 triệu thùng/ngày (số liệu hồi tháng 1 là 2,6 triệu thùng/ngày), nhưng EU vẫn là thị trường lớn nhất đối với dầu thô của Nga.
Hôm 12/10, Ba Lan cho biết họ đã phát hiện một lỗ rò rỉ trong hệ thống đường ống Druzhba chở dầu từ Nga đến châu Âu - một sự cố làm tăng thêm lo ngại về an ninh năng lượng của châu Âu sau vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream.
Kể từ tháng 12 tới, EU sẽ cấm nhập khẩu dầu Nga, và lệnh cấm vận này được cho là có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt dầu.
Cho đến nay, lượng dầu nhập khẩu từ Mỹ đã bù đắp khoảng 1/2 trong số 800.000 thùng/ngày mà trước đây EU nhập từ Nga. Na Uy bù đắp khoảng 1/3 trong số đó.
Mỹ được cho là có thể sớm "vượt mặt" Nga, trở thành nhà cung cấp dầu thô chính cho EU và Anh. Vào tháng 8, lượng dầu Mỹ xuất sang hai nơi này chỉ kém Nga 40.000 thùng/ngày (trước tháng 2/2022, con số chênh lệch lên đến 1,3 triệu thùng/ngày).
Biểu đồ thể hiện lượng dầu EU và Anh nhập khẩu từ Nga, Mỹ và Na Uy. Nguồn: Reuters
EU còn lựa chọn nào khác?
Đức, Hà Lan và Ba Lan là những nhà nhập khẩu dầu Nga hàng đầu ở châu Âu trong năm 2021, nhưng cả 3 quốc gia này đều có thể nhập dầu qua đường biển.
Tuy nhiên, các quốc gia không giáp biển ở Đông Âu, chẳng hạn như Slovakia hoặc Hungary, có rất ít lựa chọn thay thế cho dầu Nga (cung cấp qua đường ống).
Theo lệnh cấm vận sắp ban hành, EU sẽ cần tìm nguồn cung thay thế cho thêm 1,4 triệu thùng dầu thô của Nga. IEA cho biết Mỹ có khả năng cung cấp thêm 300.000 thùng/ngày. Kazakhstan cung cấp thêm 400.000 thùng/ngày.
Mỏ dầu lớn nhất của Na Uy - Johan Sverdrup, nơi sản xuất loại dầu thô có độ nặng trung bình như dầu Urals của Nga, cũng có kế hoạch tăng sản lượng trong quý IV, khả năng lên tới 220.000 thùng/ngày.
IEA cho biết EU sẽ cần nhập khẩu dầu từ những khu vực khác như Trung Đông và Mỹ Latinh để đáp ứng đủ nhu cầu của khối này.
Một lượng dầu của Nga vẫn sẽ tiếp tục được xuất sang EU do không nằm trong phạm vi của lệnh cấm vận (loại trừ một số nhà máy lọc dầu không giáp biển).
Doanh thu từ dầu của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay
Trang Oilprice.com trích dẫn Báo cáo về Thị trường Dầu của IEA cho biết: do giá dầu thô giảm và xuất khẩu dầu giảm, doanh thu từ dầu của Nga đã giảm 3,2 tỷ USD so với tháng 8, xuống còn 15,3 tỷ USD trong tháng 9. Đây là mức doanh thu từ xuất khẩu dầu tính theo tháng thấp nhất của Moskva trong năm nay.
Tổng số lượng dầu thô và sản phẩm từ dầu xuất khẩu của Nga trong tháng 9 đã giảm 230.000 thùng/ngày so với tháng 8, còn 7,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9. IEA ước tính con số này thấp hơn 560.000 thùng/ngày so với thời điểm trước tháng 2 năm nay.
Trong số đó, chỉ tính riêng thị trường EU trong tháng 9, xuất khẩu dầu của Nga đã giảm 390.000 thùng/ngày so với tháng 8.
Mặc dù vậy, mức doanh thu từ dầu của Nga vẫn cao hơn mức trung bình năm 2021, theo IEA./.