EU gấp rút dự trữ khí đốt, cái giá phải trả không rẻ: Rủi ro ngành công nghiệp suy thoái

Hồng Anh |

Mức giá đắt không chỉ phản ánh ở thời điểm hiện tại, mà còn cả trong tương lai, sau khi ngành công nghiệp của châu Âu chịu ảnh hưởng do nguồn cung khí đốt bị cắt giảm.

Châu Âu đã và đang gấp rút lấp đầy các kho dự trữ khí đốt của mình khi mùa đông đang đến gần, nhưng họ cũng phải chuẩn bị tinh thần để "trả giá" cho điều này, trang oilprice.com dẫn lời một chuyên gia trong ngành năng lượng.

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng cao đến mức nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đang phải cho ngừng hoạt động các dây chuyền sản xuất hoặc đóng cửa nhà máy, trong khi các hộ gia đình liên tục được yêu cầu tiết kiệm khí đốt và điện để tránh viễn cảnh phải phân phối hoặc mất điện trong mùa đông năm nay.

Mặc dù thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga, nhưng Liên minh châu Âu (EU) nhìn chung vẫn đang xoay xở khá ổn với việc tích trữ nguồn cung từ các nguồn thay thế. Tuy nhiên, giá khí đốt từ các nguồn thay thế không rẻ, do đó chính phủ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng đang phải gánh chi phí này.

Tính đến ngày 9/10, các cơ sở dự trữ khí đốt tại EU đã đạt mức 88,85%, theo dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu. Tại Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - đã trữ đầy 94%, và dự trữ của Italy đã đạt mức 92,7%.

Theo bà Anna Mikulska, học giả không thường trực tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng, Viện Baker, "châu Âu thực sự muốn kho dự trữ của mình được lấp đầy. Tuy nhiên điều đó có cái giá không hề rẻ".

Bà Mikulska nhận định: Châu Âu đang phải trả giá cao để nhập khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), và mức giá này cao vì thương nhân đẩy giá trong bối cảnh nhu cầu tăng cao, không phải do các nhà sản xuất và xuất khẩu LNG của Mỹ.

LNG của Mỹ là nguồn cung thay thế quan trọng để đáp ứng được nhu cầu của châu Âu, khi châu lục này đang gấp rút tích trữ và sẵn sàng trả giá cao hơn để nhận các lô hàng giao ngay.

Do giá khí đốt, nhu cầu của châu Âu và cả sản lượng xuất khẩu của Mỹ đều gia tăng, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022, theo Cơ Quan Thông tin Năng lượng Mỹ.

EU gấp rút dự trữ khí đốt, cái giá phải trả không rẻ: Rủi ro ngành công nghiệp suy thoái - Ảnh 2.

Trong tháng 6 năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử EU nhập LNG từ Mỹ nhiều hơn lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Song, theo bà Mikulska, châu Âu sẽ phải trả giá khi ráo riết dự trữ LNG số lượng lớn như vậy:

"Cái giá mà EU phải trả là nhu cầu trong ngành công nghiệp sẽ giảm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới mùa đông năm nay, mà còn cả trong năm tới. Vấn đề không chỉ là sưởi ấm nhà cửa, mà còn là khả năng phục hồi của châu Âu sau giai đoạn suy thoái công nghiệp do nguồn cung khí đốt cho ngành này bị cắt giảm".

Do giá cao ngất ngưởng và thị trường khí đốt rất eo hẹp, việc sử sử dụng khí đốt tự nhiên trong lĩnh vực sản xuất điện ở châu Âu được dự báo sẽ giảm gần 3% trong năm nay. Trong báo cáo thị trường khí đốt đầu tháng này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu khí đốt trong ngành công nghiệp ở châu Âu sẽ giảm 20%.

Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu, bao gồm các nhà máy luyện nhôm, đồng, kẽm và các nhà máy sản xuất thép, đã cảnh báo các quan chức EU rằng họ phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ giá điện và khí đốt tăng cao.

Mặc dù các kho dự trữ đã gần đầy, nhưng châu Âu vẫn lo ngại về viễn cảnh phải phân phối năng lượng hoặc cắt điện trong mùa đông, và về lâu dài là quá trình phi công nghiệp hóa khi các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng tìm đến những miền đất ngoài "lục địa già".

Giá khí đốt ở châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua

Euronews đưa tin, giá khí đốt ở châu Âu mới đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua do nhu cầu từ các ngành công nghiệp và hộ gia đình giảm.

Cụ thể, trong ngày 10/10, giá hợp đồng tương lai tháng 11 trên trung tâm giao dịch TTF ở Hà Lan giảm đến 7,8%, xuống 144 euro/mWh trong phiên giao dịch sớm - mức thấp nhất kể từ ngày 1/7, sau đó phục hồi lại ở mức giá 150 euro/mWh và kết thúc phiên ở mức giá 154 euro/mWh.

Tuần trước, giá khí đốt đã chứng kiến mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 9. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng lý do là thời tiết ấm hơn bình thường, dự kiến sẽ kéo dài thêm ít nhất 2 tuần, giúp cho thị trường bớt căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, mức giá 154 euro/mWh vẫn rất cao so với cùng kỳ năm ngoái, khi giá khí đốt ở mức 38 euro/mWh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại