Dự án Pluto - “Vũ khí tàn nhẫn” Mỹ suýt tạo ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh

ĐTN |

Chiến tranh Lạnh là khoảng thời gian không thể tốt hơn để một cá nhân trở thành nhà khoa học điên với các thiết bị ngày tận thế không tưởng.

Hoàn cảnh ra đời Dự án Pluto

Chiến tranh Lạnh nổ ra đã khiến các chính phủ liên quan thuê những nhà khoa học làm một công việc lạ lùng, ví dụ như phát triển Dự án Pluto (Dự án Diêm Vương Tinh). Mặc dù những nhà khoa học tham gia chương trình này không thực sự là người lập dị, tuy nhiên có một sự "điên rồ" khá cao trong ý tưởng thiết kế của họ. 

Dự án Pluto, còn được gọi bằng cái tên "Cây gậy bay" (The Flying Crowbar) có mục tiêu chế tạo ra thứ vũ khí cực kỳ hữu hiệu, nhưng cũng tàn nhẫn, đáng sợ và không thể kiểm soát được.

Dự án Pluto - “Vũ khí tàn nhẫn” Mỹ suýt tạo ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh - Ảnh 1.

Hình phục dựng 3D của "Cây gậy bay"

Vũ khí "điên rồ" của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh

Cốt lõi của Dự án Pluto là một tên lửa hành trình được thiết kế xung quanh động cơ phản lực hạt nhân dòng thẳng, từ viết tắt của nó là SLAM (Supersonic Low Altitude Missile/Tên lửa hành trình siêu âm bay thấp). Điều đó có nghĩa là con quái vật khổng lồ sử dụng năng lượng hạt nhân này sẽ bay ở độ cao chỉ trên ngọn cây một chút.

Động cơ phản lực hạt nhân dòng thẳng - "trái tim" của Dự án Pluto chính là chìa khóa khiến cho vũ khí này trở nên khủng khiếp.

Thiết kế của động cơ rất đơn giản, về cơ bản không có bộ phận chuyển động. Khi tên lửa được phóng đi, vận tốc không khí đi qua ống dẫn đủ nhanh để cho phép động cơ hoạt động, lò phản ứng hạt nhân sẽ làm nóng không khí đi vào, nơi nó giãn nở và được xả ra từ vòi phụt, cung cấp cả lực đẩy lẫn chất phóng xạ độc hại.

Nhờ lò phản ứng hạt nhân, tên lửa có tầm bay gần như vô hạn. Điều đó có nghĩa là sau khi tiếp cận mục tiêu nằm trên đất Liên Xô, nơi nó sẽ thả 16 quả bom nhiệt hạch mang theo, tên lửa vẫn tiếp tục bay, điều đó dẫn đến câu nói đùa sau:

"... Một tên lửa có kích thước tương đương đầu máy xe lửa bay ở độ cao chỉ hơn ngọn cây với tốc độ Mach 3 và ném bom nhiệt hạch khi nó bay qua mục tiêu.

Các nhà thiết kế của Pluto cho rằng sóng xung kích của nó cũng đủ giết người trên mặt đất. Sau đó là vấn đề của bụi phóng xạ. Ngoài bức xạ gamma và neutron từ lò phản ứng không được che đậy, động cơ hạt nhân của Pluto sẽ thải ra luồng phân tử phân rã trong ống xả khi bay".

(Thậm chí một chuyên gia đã có kế hoạch biến thứ vũ khí chỉ mang tính răn đe vào thời bình thành tài sản thời chiến: Ông ta đề nghị bắn tên lửa phóng xạ qua Liên bang Xô viết sau khi nó thả bom).

Loại vũ khí này có rất nhiều cách để giết bạn, nó giống như một bữa tiệc giết người tử tế: Tôi nên chết trong vụ nổ hạt nhân của quả bom, hay để cho sóng xung kích của tên lửa vượt qua giết tôi? Có lẽ tôi sẽ chờ đến khi bị bệnh do bức xạ ảnh hưởng. Thật khó để lựa chọn!

Dự án Pluto - “Vũ khí tàn nhẫn” Mỹ suýt tạo ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh - Ảnh 2.

Cấu tạo bên trong của tên lửa SLAM

Từ quan điểm kỹ thuật, Dự án Pluto chắc chắn là ấn tượng và đẩy công nghệ thời đó đến giới hạn tuyệt đối. Lò phản ứng trang bị cho tên lửa là một trong những bộ phận nhỏ nhất, nhẹ nhất từng ra đời (đạt được bằng cách loại bỏ hầu hết mọi thứ liên quan, cho đến những ý tưởng được coi là an toàn).

Nhiệt độ hoạt động của lò phản ứng rất cao (hơn 1.300°C) đủ khiến hợp kim tan chảy, khiến vỏ bọc thanh nhiên liệu phải làm bằng gốm, do một công ty đồ sứ nhỏ mang tên Coors cung cấp.

Dự án Pluto - “Vũ khí tàn nhẫn” Mỹ suýt tạo ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh - Ảnh 3.

Lò phản ứng sử dụng trên tên lửa SLAM

Rất nhiều vật liệu hiếm được sử dụng để chế tạo Pluto, một số đến từ các tuyến đường bất ngờ. Để phủ và bảo vệ vỏ bọc motor điện, sơn đa tạp được đặt hàng từ một quảng cáo đăng trên tạp chí Hot Rod. Đó thực sự là một loại sơn hoàn hảo.

Mặc dù tiên tiến nhưng Pluto phải đối mặt với rào cản lớn, thậm chí cần đặt vấn đề đạo đức của việc khai thác loại vũ khí như vậy.

Để giữ cho tên lửa không bị phát hiện bởi radar của Liên Xô, Pluto cần bay cực thấp. Điều không được xem xét kỹ lưỡng là thực tế để đến Liên Xô, Pluto phải bay qua Hoa Kỳ và nhiều đồng minh của họ ở Tây Âu. Điều đó có nghĩa là Quân đội Mỹ sẽ khủng bố và giết bạn bè của chính họ. 

Ngoài ra Pluto khi bay sẽ phát ra cường độ âm thanh lên tới 150 decibel (để so sánh, tên lửa đẩy Saturn V khi phóng có cường độ âm thanh là 200 decibel).

Tất nhiên việc thử nghiệm lò phản ứng hạt nhân không người lái, không được che chắn cũng rất đáng sợ, vì bất kỳ cuộc thử nghiệm nào ở Nevada đều có thể đặt Las Vegas hoặc Los Angeles vào nguy hiểm.

Bên cạnh đó, có thể nói rằng động cơ tên lửa không thể tắt được. Nếu vũ khí này thực sự được sử dụng, nó sẽ thải ra nhiều phóng xạ vào môi trường sống trên tuyến đường tới mục tiêu, tên lửa chỉ dừng khi nó bị rơi hoặc mọi người đã chết. Lựa chọn tốt nhất khi thử nghiệm là đưa nó sâu vào đại dương.

Dự án Pluto - “Vũ khí tàn nhẫn” Mỹ suýt tạo ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh - Ảnh 4.

Động cơ phản lực hạt nhân Tory-IIC chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm vào năm 1964

Ngày 14/5/1961, động cơ phản lực hạt nhân đầu tiên trên thế giới "Tory-IIA" gắn trên đường ray xe lửa được khởi động trong vài giây. Ba năm sau, "Tory-IIC" đã chạy trong 5 phút với lực đẩy tối đa.

Mặc dù thử nghiệm này và các lần khác đều thành công, Lầu Năm Góc - nhà tài trợ của dự án lại có suy nghĩ khác. Vũ khí này bị coi là "quá khiêu khích", người ta tin rằng nó sẽ khiến Liên Xô xây dựng một thiết bị tương tự mà không có biện pháp phòng vệ nào được biết đến.

Sau đó công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã chứng minh sự dễ dàng trong chế tạo và phát triển, làm giảm nhu cầu vào tên lửa hành trình đặc biệt này. Do vậy đến ngày 1/7/1964, 7 năm rưỡi sau khi khởi động, Dự án Pluto đã bị hủy bỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại