Đi biển ăn thứ này vào thấy khó thở, đau bụng… không cấp cứu kịp thời có thể mất mạng

Như Loan |

Dị ứng hải sản có thể dẫn đến biến chứng nặng như sốc phản vệ, tim đập nhanh, chóng mặt, người lả đi, cảm thấy khó thở. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Vừa ăn một con tôm người nổi đầy ban đỏ dày cộm

Những ngày thời tiết nắng nóng như hiện nay, đi biển nghỉ mát là lựa chọn của nhiều gia đình.

Mới đây, cả nhà chị Nguyễn Nhật Minh (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải bỏ dang dở kỳ nghỉ hè để về Hà Nội vì con bị dị ứng hải sản. Bé Phạm Ngọc Ánh (3 tuổi – con chị Minh) bị dị ứng khi ăn tôm biển.

Nhật Minh là đứa trẻ hay ăn, bởi vậy gia đình cũng ít khi phải để ý đồ ăn kiêng cho bé, khi cả gia đình đang dùng bữa tối, thấy có đồ hải sản ngon, mẹ của bé gỡ tôm cho con ăn, chưa kịp thưởng thức hết đồ ăn trên bàn, gia đình bỗng giật mình vì thấy con khóc quấy, có biểu hiện đau bụng kèm nổi ban khắp người.

Nghĩ đến việc dị ứng hải sản, gia đình đã tức tốc quay trở về Hà Nội trong đêm để đưa con đi bệnh viện. Thăm khám tại Khoa miễn dịch dị ứng, BV Nhi Trung ương, để kiểm tra nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng bất thường, BS đã cho bé thực hiện việc xét nghiệm cần thiết.

Kết quả cho thấy, bé đã bị dị ứng thức ăn mà cụ thể là dị ứng hải sản. Sau khi nghe BS phân tích nguyên nhân và cho sử dụng thuốc kháng sinh kèm bôi thuốc, gia đình đã phần nào yên tâm hơn về sức khỏe của con mình.

Đi biển ăn thứ này vào thấy khó thở, đau bụng…  không cấp cứu kịp thời có thể mất mạng - Ảnh 1.

Các loại cá ngừ, cá thu, cua ghẹ,… không được bảo quản tốt, histamin sẽ phát sinh ra nhiều thì bị ngộ độc

Dị ứng hải sản có thể dẫn đến sốc phản vệ dễ tử vong

Dị ứng hải sản là một trong những loại dị ứng thường gặp nhất, xuất hiện ngay sau khi ăn hải sản hoặc sau vài tiếng hấp thu.

Đây cũng được coi là thực phẩm bổ dưỡng và nhiều chất, tuy nhiên, hải sản có rất nhiều ảnh hưởng nếu người sử dụng có cơ địa dị ứng với loại thức ăn này. Mỗi người có khả năng dị ứng với một hoặc nhiều loại hải sản khác nhau, không ai giống ai, tùy vào sức khỏe của từng cá thể, độ tuổi.

Tuy nhiên, đối tượng dễ dị ứng nhất hay xảy ra ở trẻ em khiến nhiều bậc cha mẹ thấy con mình không muốn ăn mà không thể tìm ra nguyên nhân, càng ép ăn trẻ càng chán ăn. Hiện tượng trên kéo dài lâu ngày có thể đưa đến tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ.

Trẻ nhỏ hay những người có cơ địa nhạy cảm rất dễ bị dị ứng thức ăn nói chung, hải sản nói riêng. Khác với người lớn dị ứng thức ăn có thể biểu hiện ở cả đường tiêu hóa, da, còn ở trẻ đôi khi chỉ biểu hiện duy nhất ở đường tiêu hóa nên nhiều cha mẹ chủ quan, nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa.

Dị ứng hải sản có thể dẫn đến biến chứng nặng như sốc phản vệ, tim đập nhanh, chóng mặt, người lả đi, cảm thấy khó thở. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Với những trường hợp trẻ nhỏ dị ứng hải sản, chuyên gia PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà nội kiêm Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng, BV Nhi Trung ương cho biết: "Cách tốt nhất là không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn và chế phẩm có nguồn gốc từ hải sản. Một số trẻ sau 5 tuổi tình trạng dị ứng giảm dần, một số khác tình trạng dị ứng theo suốt cả cuộc đời".

Dị ứng thực phẩm này phần lớn xảy ra ở những người thiếu chất kháng histamin tự do. Khi được hấp thụ vào cơ thể từ một số hải sản như tôm, cá, bạch tuộc… histamin sẽ được phóng thích gây ra các biểu hiện dị ứng.

"Triệu chứng dị ứng hải sản có thể từ nhẹ đến nặng. Nếu người ăn hải sản bị dị ứng nhẹ, chỉ có nổi mề đay, ngứa ngáy khó chịu. Sau một thời gian ngắn, những mẫn đỏ tự lặn. Nếu nặng, ngoài bị nổi mề đay ngứa ngáy còn kéo theo sốt, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, đầy hơi, tiêu chảy, mệt mỏi, bụng chướng" – Tiến sĩ Thúy cho hay.

Đi biển ăn thứ này vào thấy khó thở, đau bụng…  không cấp cứu kịp thời có thể mất mạng - Ảnh 2.

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy

Biểu hiện của dị ứng hải sản có thể kéo dài vài tiếng đồng hồ, cũng có thể chỉ xảy ra vài phút sau khi ăn.

Dị ứng hải sản xảy ra khi chất gây dị ứng trong hải sản đi vào cơ thể gây phản ứng. Khi xuất hiện phản ứng như vậy, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để chống lại chất gây dị ứng.

Khi lượng hải sản được tiếp tục đưa vào cơ thể, cơ thể lập tức phản ứng, sinh ra chất có tên histamin do sự kết hợp của kháng thể với tề bào miễn dịch. Histamin giải phóng ra ngoài có thể gây mẫn đỏ, phát ban ngoài da hoặc có thể gây đau bụng, tiêu chảy, hoặc cảm giác khó thở.

Làm gì để hạn chế dị ứng, ngộ độc hải sản ?

Để hạn chế dị ứng, ngộ độc hải sản ở trẻ nhỏ, các bà mẹ cần phải lưu ý những điều sau:

- Hải sản mua phải tươi sống, tránh mua hải sản từ trong vùng đang bị ô nhiễm nặng.

- Tuyệt đối không ăn hải sản đã chết vì chúng có thể tiết ra chất độc.

- Đối với cá, phải làm ngay khi cá còn tươi và bỏ toàn bộ lòng ruột vì trong ruột cá có nhiều vi khuẩn, có thể thấm nhanh vào thịt cá gây ngộ độc.

- Không nên mua các hải sản có màu sắc khác thường, vì những loài sống trong vùng ô nhiễm thường có màu sắc khác với bình thường.

- Khi chế biến phải nấu chín kỹ, hải sản để đông lạnh trước khi chế biến phải rã đông, tránh tình trạng nấu chín không kỹ bên trong do chưa rã đông hết.

- Nấu xong phải cho trẻ ăn ngay, nếu sau 2 giờ mới ăn cần đun sôi lại.

- Những trẻ có cơ địa dị ứng khi ăn thủy - hải sản cần cho ăn từ từ ít một, nếu có các biểu hiện dị ứng thì phải ngừng lại ngay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại