Theo thông cáo báo chí mà Báo Người Lao Động vừa nhận được từ WHO, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay đà gia tăng của dịch đậu mùa khỉ đã có xu hướng chậm đi. Số ca mới được báo cáo trong tuần vừa qua ít hơn 20% so với tuần trước đó.
Tại châu Âu, nơi từng là "tâm dịch" đậu mùa khỉ trong thời gian dài, có những dấu hiệu cho thấy đợt bùng phát đang chậm lại, được cho là nhờ sự kết hợp của các biện pháp y tế công cộng hiệu quả, thay đổi hành vi và tiêm chủng.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một cuộc họp báo về đậu mùa khỉ - Ảnh: WHO
Tuy nhiên, số ca lại đang tăng nhanh ở châu Mỹ - nơi đang trở thành "tâm dịch" mới với 60% số ca toàn cầu. Gần 40% số ca còn lại được báo cáo từ châu Âu, các châu lục khác số ca vẫn còn ít.
Tiến sĩ Tedros cho rằng nơi cần đặc biệt quan tâm là châu Mỹ Latin, khu vực mà nhận thức và các biện pháp y tế công cộng không đầy đủ đang kết hợp với việc thiếu tiếp cận với vắc-xin để "thổi bùng ngọn lửa".
Tổng giám đốc WHO gửi lời cảm ơn nhà sản xuất một loại vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ là Bavarian Nordic, đã ký thỏa thuận với Văn phòng khu vực châu Mỹ của WHO để hỗ trợ phủ sóng vắc-xin ở Mỹ Latin và Caribe. WHO tiếp tục khuyến khích tất cả quốc gia nghiên cứu về tính hiệu quả của vắc-xin.
Theo khuyến cáo hiện tại của WHO, vắc-xin đậu mùa khỉ chưa cần tiêm chủng đại trà, thay vào đó là ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ như người tiếp xúc với các ca bệnh và nhân viên y tế - nhân viên phòng xét nghiệm trực tiếp làm việc với người bệnh/mầm bệnh.
Do đó, WHO không ngừng kêu gọi các quốc gia giàu có san sẻ nguồn vắc-xin để các nước chưa thể sản xuất có nguồn sử dụng cho các đối tượng nguy cơ kể trên.
WHO cho biết số ca đậu mùa khỉ toàn cầu được họ thống kê cho đến nay là 41.000 ca. Tuy nhiên, theo thống kê cập nhật hơn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến 17 giờ chiều 25-8 (theo giờ EDT, tức 4 giờ sáng 26-8 giờ Việt Nam), số ca đậu mùa khỉ được xác định toàn cầu đã là 46.724, trong đó quốc gia nhiều ca bệnh nhất là Mỹ với 16.925 ca.