Ảnh minh họa.
10 năm trước, anh Vũ Ngọc Minh (40 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) sờ thấy có khối nhỏ ở gần núm vú trái. Thấy u không gây đau, anh nghĩ là u bình thường nên không đi khám.
Thế nhưng vừa qua, khi khối u nổi gồ lên rõ rệt, da đổi màu sạm như vỏ cam, anh đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội (BVĐK) kiểm tra. Kết quả sinh thiết khẳng định bệnh nhân bị ung thư vú.
Anh Minh rất sốc với kết quả này vì trong gia đình chưa có ai mắc ung thư vú, bản thân anh trước nay nghĩ bệnh chỉ xảy ra ở nữ giới.
Theo BS.CKII Lê Nguyệt Minh, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp - BVĐK Tâm Anh Hà Nội, bệnh của anh Minh đã bước vào giai đoạn 3. Khối u kích thước không quá lớn (30x17mm) nhưng đã xâm lấn vào da, làm da đổi màu, xâm lấn vào cơ ngực nên cứng chắc và không còn di động, có di căn hạch nách. Người bệnh phải điều trị hóa chất, kết hợp phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ mô vú có ung thư, nạo vét hạch nách và xạ trị.
Bác sĩ Minh cho biết nhiều người quan niệm ung thư vú là bệnh của phụ nữ, nhưng thực tế vẫn có một tỷ lệ nhất định nam giới mắc ung thư vú dù rất hiếm. Theo Tạp chí sức khỏe Vú châu Âu, số ca ung thư vú ở nam chiếm dưới 1% tổng số ca ung thư ở nam trên toàn thế giới. Tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore (NCCS), trong 18 năm ghi nhận 62 ca mắc ung thư vú là nam giới. Tuy nhiên một số báo cáo cho thấy tỷ lệ ung thư vú ở nam có xu hướng gia tăng trong vài thập kỷ gần đây.
"Chính vì hiếm gặp nên nam giới thường có tâm lý chủ quan, bỏ qua việc tầm soát ung thư vú. Hậu quả là đa phần bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn (3 hoặc 4), tiên lượng tử vong cao", bác sĩ Minh nhấn mạnh.
BS.CKII Lê Nguyệt Minh thực hiện kỹ thuật sinh thiết u vú có hỗ trợ hút chân không chẩn đoán ung thư vú. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ Minh dẫn chứng một nghiên cứu của Mỹ năm 2019 cho thấy nguy cơ tử vong do ung thư vú ở nam cao hơn đến 20% so với nữ giới, trong đó nguyên nhân hàng đầu là do phát hiện muộn.
Theo bác sĩ Minh, triệu chứng ung thư vú ở nam và nữ có nhiều điểm tương đồng. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể tự sờ thấy có khối u trong bầu ngực, không đau, có hiện tượng kích ứng hoặc lõm da, có hạch nách. Các phương pháp chẩn đoán sớm bao gồm siêu âm, chụp X-quang vú, MRI, chọc hút tế bào hoặc sinh thiết u.
Theo thống kê của Mỹ năm 2020, tỷ lệ nam giới mắc ung thư vú sống trên 5 năm là 79,1%, thời gian sống trung bình từ khi được chẩn đoán và điều trị đối với giai đoạn II là 11,5 năm, giai đoạn III chỉ còn 7,5 năm.
Nam giới có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn nếu thuộc một trong số đối tượng sau: người trên 50 tuổi; mang đột biến gen BRCA1 và BRCA2; tiền sử gia đình có người từng mắc ung thư vú; từng tiếp xúc bức xạ ở vùng ngực; sử dụng thuốc có chứa estrogen (một loại hormone giúp phát triển và duy trì các đặc điểm giới tính nữ); phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn; mắc hội chứng Klinefelter; xơ gan; thừa cân và béo phì.
"Những người này nên chủ động tầm soát ung thư vú mỗi 6-12 tháng/lần bằng các phương pháp như chụp X-quang tuyến vú, siêu âm, tương tự với nữ giới", bác sĩ Minh khuyến cáo.