Thông tin trên được ông Praveen Pathak - Phát ngôn viên Tập đoàn BrahMos Aerospace cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti vào hôm 20/4.
Chưa rõ khách hàng là ai, nhưng trong số các nước châu Á tỏ ý quan tâm đến BrahMos có Việt Nam. Phía Ấn Độ cũng từng khẳng định rằng họ sẵn sàng bán BrahMos cho chúng ta.
Tên lửa hành trình chống tàu chiến BrahMos
Tuy nhiên, nếu viễn cảnh Việt Nam mua BrahMos thành hiện thực thì có một câu hỏi đặt ra: Tại sao Hải quân Việt Nam không mua tiếp tên lửa Yakhont chính hãng của Nga (nguyên mẫu thiết kế của BrahMos) mà lại xoay sang phiên bản sản xuất tại Ấn Độ?
Lý do đầu tiên và cũng đáng chú nhất đó là ngoài biến thể phóng từ tàu chiến, Ấn Độ đã nghiên cứu phát triển thành công phiên bản phóng từ trên không BrahMos-M (BrahMos mini).
Tên lửa BrahMos-M (BrahMos mini) bên cạnh phiên bản tiêu chuẩn
Khác với Yakhont-M hay BrahMos-A có trọng lượng lên tới 2,5 tấn, buộc máy bay mang phải gia cố lại khung thân mới chịu đựng được, BrahMos-M chỉ nặng 1.500 kg, khiến Su-30MK2 có thể vác theo tới 3 quả tại các mấu cứng hạng nặng chính giữa thân.
Khi đó chiếc tiêm kích đa năng này sẽ có sức mạnh hủy diệt cực lớn, chỉ cần một máy bay là đủ để tiêu diệt bất cứ chiến hạm hiện đại nào.
Ưu thế của BraMos-M nằm ở tốc độ rất cao (Mach 3,5) và tầm hoạt động dài (300 km), nó vượt trội hoàn toàn hai loại tên lửa không đối hạm khác mà Việt Nam đã mua của Nga là Kh-31A ở tầm bắn (50 km), hay Kh-59MK ở tốc độ (Mach 0,88).
"Cặp bài trùng" Su-30MK2 cùng BrahMos-M hứa hẹn sẽ giúp cho năng lực tác chiến của Không quân Việt Nam được nâng cao gấp bội so với hiện nay.
Mô hình tàu hộ vệ Tarantul 1241.RE nâng cấp với 8 tên lửa BrahMos
Hiện nay và cả trong tương lai gần, không một loại tàu chiến nào của Việt Nam được thiết kế để mang tên lửa BrahMos (Molniya 1241.8 cùng với Gepard 3.9 nâng cấp dự kiến sẽ sử dụng tên lửa KCT 15 và Klub-N), trong khi tổ hợp Bastion-P đã đủ cơ số đạn Yakhont.
Tuy vậy, ngoài phiên bản mini, vẫn có khả năng Việt Nam sẽ mua biến thể BrahMos thông thường để hiện đại hóa các tàu hộ vệ Tarantul 1241.RE theo cấu hình của Ấn Độ.
Mặc dù đã tự đóng được Molniya 1241.8 trong nước, nhưng loại tàu này vẫn có một số khác biệt so với Tarantul 1241.RE về kết cấu cũng như hệ thống quản lý tác chiến. Nếu tự nâng cấp, chúng ta sẽ phải mất không ít thời gian và tiền bạc.
Nhưng với quan hệ hợp tác quốc phòng thân thiết, Việt Nam hoàn toàn có thể đề nghị Ấn Độ chuyển giao miễn phí công nghệ hiện đại hóa lớp tàu này.
Tên lửa BrahMos sẽ vừa đóng vai trò vũ khí tiêu chuẩn để tương thích với hệ thống điện tử trên tàu, vừa được xem là một hình thức gián tiếp bù đắp chi phí nghiên cứu cho bạn, đây là phương án đôi bên cùng có lợi.
Với hai khả năng nêu trên, việc Việt Nam quan tâm và tỏ ý muốn mua tên lửa hành trình đối hạm BrahMos là điều hoàn toàn dễ hiểu.