Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's, trong khuôn khổ Triển lãm DSA 2016 đang diễn ra tại Malaysia, các quan chức của công ty Minotor-Service, Belarus cho biết, phía Việt Nam đã bày tỏ "sự quan tâm mạnh mẽ" tới gói nâng cấp dành cho pháo tự hành ASU-85.
Gói nâng cấp của Minotor bao gồm thay thế một động cơ diesel mạnh mẽ hơn, giúp tăng tốc độ tối đa của ASU-85 từ 45 km/h lên tới 60 km/h, và tầm hoạt động là 400 - 450 km (so với 230 km nguyên bản).
Pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 của Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 mới được Quân đội nhân dân Việt Nam tái đưa vào biên chế Lữ đoàn pháo binh 168 trực thuộc Quân khu 2 từ tháng 10/2015, sau thời gian dài niêm cất bảo quản.
ASU-85 được cho là nằm trong gói viện trợ lớn mà Liên Xô dành cho Việt Nam sau khi Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 bùng nổ.
Vũ khí chuyển giao đợt này bao gồm cả xe tăng T-55/62, xe chiến đấu bộ binh BMP-1, súng bộ binh và pháo mặt đất, nhằm chuyển đổi các Sư đoàn 304, 308 thành những đơn vị bộ binh cơ giới.
Pháo tự hành ASU-85 bắn đạn nước kiểm tra kỹ thuật. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Pháo tự hành ASU-85 được thiết kế trên khung gầm xe tăng lội nước PT-76, đây là loại hỏa lực chủ yếu của Lực lượng đổ bộ đường không (Binh chủng Nhảy dù) Liên Xô, có khả năng thả dù từ máy bay vận tải cỡ lớn.
Thông số kỹ thuật cơ bản của ASU-85: trọng lượng 15,5 tấn; chiều dài 6 m (tính riêng thân xe); chiều rộng 2,8 m; chiều cao 2,1 m; kíp chiến đấu 4 người.
Xe được bọc giáp dày 40 - 45 mm, trái tim là động cơ diesel làm mát bằng nước YaMZ-206V V-6 công suất 210 mã lực (154 kW).
Vũ khí trang bị bao gồm pháo chính D-70 (2A15) cỡ 85 mm với 45 viên đạn (tầm bắn tối đa 10 km) và súng máy đồng trục SGMT hoặc PKT cỡ 7,62 mm (cơ số đạn 2.000 viên).
Trực thăng vận tải hạng nặng Mi-6 của Việt Nam nằm trong khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Phòng không - Không quân.
Do Không quân Việt Nam đã loại biên trực thăng vận tải hạng nặng Mi-6, cho nên hiện nay chúng ta không sở hữu phương tiện nào có thể tiến hành vận chuyển ASU-85 cơ động hoặc thả dù.
Việc ASU-85 được tái đưa vào biên chế là nhằm góp phần nâng cao sức mạnh hỏa lực ở cấp Quân khu, đặc biệt thích hợp với những khu vực có địa hình phức tạp, bị chia cắt, nhiều đồi núi, độ dốc lớn, không đòi hỏi tầm bắn quá xa.
Vì vậy, nâng cấp sức cơ động cho pháo đi kèm với lắp đặt hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại hơn là phù hợp với nhu cầu sử dụng của Việt Nam.