Có hay không chuyện lạm dụng xạ trị trong điều trị ung thư?

Hải Yến |

Vừa qua, trên một số phương tiện truyền thông phản ánh tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi thâu đêm để được xạ trị ở Bệnh viện K. Hiện nay dư luận đang dấy lên nghi vấn về việc có hay không lạm dụng chỉ định xạ trị trong điều trị ung thư. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống có cuộc trao đổi với TS. BS Bùi Vinh Quang – Trưởng khoa xạ trị 5, Bệnh viện K về vấn đề này.

Phóng viên: Việc quá tải tại các khu xạ trị tại Bệnh viện K là do đâu, thưa ông?

TS. BS Bùi Vinh Quang : Theo ước tính chưa đầy đủ, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 126.000 ca mới mắc và 94.000 ca tử vong do ung thư, gấp 9 lần con số tử vong do tai nạn giao thông. Ước tính trong năm 2020 sẽ có tối thiểu 189.344 ca ung thư mới mắc.

Bệnh viện K là bệnh viện đầu ngành chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Trung bình có khoảng hơn 2000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh ở Bệnh viện K mỗi ngày.

Chính vì vậy, số lượng bệnh nhân điều trị bệnh ung thư ngày càng tăng, trong đó các bệnh nhân bị ung thư có chỉ định xạ trị chiếm khoảng 50-60% số lượng bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K.

Có hay không chuyện lạm dụng xạ trị trong điều trị ung thư? - Ảnh 1.

TS. BS Bùi Vinh Quang – Trưởng khoa xạ trị 5, Bệnh viện K

Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và chính phủ đầu tư cho Bệnh viện K có 3 cơ sở khám chữa bệnh với khoảng 6 máy xạ trị (viện k1: 2 máy, viện K2: 1 máy, K3: 3 máy) tuy nhiên với số lượng bệnh nhân điều trị xạ trị trung bình một ngày của Bệnh viện K khoảng 1000 lượt xạ trị, riêng cơ sở 3 khoảng 600-700 lượt xạ trị, các máy xạ trị luôn trong tình trạng quá tải.

Nếu máy hoạt động ổn định không có trục trặc, mỗi một máy xạ trị sẽ phải chia làm 3 kíp xạ, hoạt động liên tục (21h/24h- chỉ được nghỉ 3 tiếng để bảo dưỡng máy), bệnh nhân luôn phải chờ đợi để được điều trị.

Bệnh nhân và cán bộ y tế luôn phải làm việc trong đêm, trong tình trạng mệt mỏi và căng thẳng.

Đặc biệt, cần phải có sự tương đồng giữa số lượng máy xạ trị và số lượng bệnh nhân ngày càng tăng lên để đáp ứng nhu cầu điều trị cũng như đảm bảo sức khỏe cho người bệnh và nhân viên y tế.

Phóng viên: Có hay không việc lạm dụng xạ trị trong điều trị ung thư? Nếu lạm dụng phương pháp điều trị ung thư này có ảnh hưởng gì đến người bệnh hay không?

TS. BS Bùi Vinh Quang : Xạ trị là 1 trong 3 phương pháp chính điều trị ung thư, khoảng 50-70% bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị.

Không có sự lạm dụng xạ trị trong điều trị bệnh nhân ung thư, xạ trị bệnh ung thư chỉ trong các trường hợp có chỉ định xạ trị: VD ung thư vòm, ung thư đầu cổ, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt và nhiều loại ung thư khác khi bệnh còn giai đoạn tại chỗ tại vùng.

Đối với các trường hợp bệnh đã ở giai đoạn di căn: xạ trị có vai trò trong việc làm giảm triệu chứng của bệnh: xạ trị chống chèn ép, xạ trị ung thư di căn não, xạ trị giảm đau xương...

Nếu lạm dụng xạ trị đối với điều trị bệnh ung thư vô hình chung sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người bệnh do xạ trị ngoài tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư nó còn gây ảnh hưởng đến tế bào lành xung quanh vùng xạ trị.

Ngoài ra, nếu xạ trị không đúng giai đoạn và thời điểm sẽ làm chậm mất quá trình điều trị bệnh ung thư gây kéo dài thời gian điều trị bệnh.( ví dụ: ung thư phổi giai đoạn 4 có chỉ định điều trị toàn thân là chính chứ không phải điều trị xạ trị là chính).

Phóng viên: Thưa TS, xin ông cho biết xạ trị là gì? Xạ trị được chỉ định trong những trường hợp nào?

TS. BS Bùi Vinh Quang : Xạ trị là phương pháp sử dụng những bức xạ ion hóa, có năng lượng đủ lớn, liều lượng thích hợp để tiêu diệt các tế bào ung thư, đồng thời phải giảm thiểu liều tác hại đối với các mô lành.

Xạ trị được chỉ định trong nhiều loại bệnh ung thư, cụ thể:

Xạ trị đơn thuần triệt căn cho bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm: ung thư vòm, ung thư thanh quản, ung thư tuyến tiên liệt….

Kết hợp xạ trị hóa chất triệt căn trong giai đoạn tiến triển tại chỗ: ung thư vòm, ung thư hạ họng thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung, ung thư tụy…..

Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật, hóa chất: các khối u não, ung thư vú, ung thư phổi, ung thư trực tràng, ung thư hạch, ung thư phầm mềm xương….

Xạ trị tiền phẫu: ung thư trực tràng, ung thư thực quản, ung thư phổi…..

Xạ trị triệu chứng ( giảm đau, giảm chèn ép, chảy máu) ở các bệnh ung thư giai đoạn muộn.

Phóng viên: Những loại ung thư nào có thể điều trị bằng xạ trị? Trường hợp nào người bệnh ung thư không được chỉ định xạ trị?

TS. BS Bùi Vinh Quang : Có hơn 200 loại ung thư, tùy theo từng loại ung thư sẽ có chỉ định điều trị thích hợp.

Điều trị bệnh ung thư là điều trị đa mô thức, có sự kết hợp chặt chẽ của phẫu thuật, hóa chất và xạ trị phụ thuộc vào loại bệnh ung thư và giai đoạn bệnh ung thư. Tính trung bình có khoảng 50-70% bệnh ung thư có chỉ định điều trị xạ trị.

Ví dụ: Xạ trị đơn thuần triệt căn cho bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm: ung thư vòm, ung thư thanh quản, ung thư tuyến tiên liệt…. Kết hợp xạ trị hóa chất triệt căn trong giai đoạn tiến triển tại chỗ; Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật, hóa chất; Xạ trị giảm đau ở các bệnh ung thư giai đoạn muộn.

Phóng viên: Thưa chuyên gia, ông có lời khuyên gì với những bệnh nhân ung thư đang phải xạ trị?

TS. BS Bùi Vinh Quang : Xạ trị là phương pháp điều trị hiêu quả trong bệnh ung thư, đi cùng với các tác dụng chính là tiêu diệt các tế bào u nó cũng có ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh.

Điều đầu tiên: bệnh nhân cần phải hiều và tin tưởng vào quá trình điều trị, khi đến bệnh viện chuyên ngành bệnh nhân sẽ được tập thể y bác sỹ hội chẩn đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho bệnh và giai đoạn bệnh của bệnh nhân.

Thứ hai, bệnh nhân cần nâng cao sức khỏe, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng có thể trạng tốt để theo đuổi được quá trình điều trị của mình.

Thứ ba, khi xảy ra các tác dụng mong muốn của xạ trị cần đến gặp lại bác sỹ điều trị để có được hướng dẫn về cách chăm sóc và điều trị.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại