Bài tập nâng cao nội lực giúp vị bác sĩ chiến thắng ung thư

Lệ Nam |

Sau 4 năm điều trị ung thư phổi, sức khoẻ của PGS Bác sĩ Đỗ Quốc Hùng vẫn tốt. Một trong những bí quyết của ông là hàng ngày dành ra 30 phút để tập Đạt ma Dịch cân kinh.

LTS: PGS Bác sĩ Đỗ Quốc Hùng - Nguyên trưởng khoa C7 Viện Tim mạch Quốc gia người được biết đến trong bài viết "PGS tim mạch chiến thắng ung thư phổi nhờ "bí quyết" 4T kỳ diệu". Những kinh nghiệm chiến đấu với căn bệnh ung thư của ông được độc giả rất quan tâm.

Ở bài viết này, bác sĩ Hùng tiếp tục chia sẻ sâu hơn về 1 trong 4 bí quyết giúp ông chống lại căn bệnh ung thư.

Đó chính là chế độ luyện tập hàng ngày nhằm nâng cao nội lực vượt qua sự mệt mỏi vì truyền hóa chất, xạ trị, đồng thời giúp ông khỏe mạnh hơn sau khi đã chiến thắng căn bệnh.


PGS Bác sĩ Đỗ Quốc Hùng - Nguyên trưởng khoa C7 Viện Tim mạch Quốc gia.

PGS Bác sĩ Đỗ Quốc Hùng - Nguyên trưởng khoa C7 Viện Tim mạch Quốc gia.

Bài tập chữa bách bệnh

Đạt ma dịch cân kinh xuất phát từ chùa Thiếu Lâm (Trung Quốc), là công phu do Đạt Ma sư tổ truyền dạy nhằm giúp chư tăng có đủ sức khỏe để tu tập giáo pháp. Dịch cân kinh giúp chuyển đổi gân cốt và cơ bắp từ suy nhược thành sung mãn.

Đây là phương pháp khí công chữa bệnh bằng cách lắc tay đơn giản, dễ nhớ, dễ tập và có hiệu quả cao đối với nhiều bệnh mạn tính khác nhau, từ suy nhược thần kinh, hen suyễn đến bệnh tiêu hóa, tim mạch, sinh dục…

Nhiều người bị tẩu hoả nhập ma vì luyện tập võ công sau đó tập đạt ma dịch cân kinh đã khoẻ mạnh trở lại. Đây là bài tập hết sức tốt cho bệnh nhân ung thư cũng như các bệnh mãn tính khác.

PGS Hùng kể ông tập Đạt ma Dịch cân kinh từ trước khi bị bệnh. Ông cảm thấy đây là bài tập đơn giản, dễ tập mà có thể tập ngay tại nhà chỉ cần nơi có không khí thoáng đãng là có thể tập được thay vì phải đến phòng tập mà lợi ích của bài tập này thì rất tuyệt vời.

Hàng ngày ông vẫn dành 30 phút để tự tập ngay cả khi cơ thể mệt mỏi vì truyền hoá chất, xạ trị để điều trị bệnh ung thư.

Cách tập được bác sĩ Hùng hướng dẫn cụ thể như sau:

Tìm nơi thoáng mát, không khí trong lành. Mặc quần áo rộng rãi.

Đứng thẳng, hai chân dang ra song song ngang vai, các ngón chân bám chặt vào mặt đất, hậu môn nhíu lại, bụng dưới hơi thót, ngực hơi thu vào, vai xuôi tự nhiên, hai mắt khép hờ, đầu lưỡi chạm nướu răng trên, tâm ý hướng về Đan Điền (dưới rốn khoảng 3cm).

Hai cánh tay, bàn tay và các ngón tay duỗi thẳng tự nhiên. Hai cánh tay hơi cong ở khuỷu. Đưa hai cánh tay về phía trước, đồng thời hít vào.


Hình ảnh minh họa bài tập vẩy tay (Nguồn: Internet)

Hình ảnh minh họa bài tập vẩy tay (Nguồn: Internet)

Dùng lực vẫy hai cánh tay ra phía sau đến hết tầm và thở ra. Khi hết tầm tay ra phía sau, hai cánh tay theo đà của lực quán tính trở về phía trước, đồng thời với hít vào. Sau đó lại tiếp tục vẫy tay ra phía sau.

Một lần hít vào, một lần thở ra là một cái lắc tay. Làm liên tục nhiều cái. Tối thiểu 500 cái một lần tập. Mỗi ngày có thể tập hai lần. Nếu để chữa bệnh thì mỗi lần tập phải thực hành từ 1.500 cái trở lên.

Tác dụng của bài tập:

Khi thở không khí vào phổi, không khí được đưa đến các tế bào của toàn thân được oxy hóa và sinh ra nhiệt năng, đồng thời cũng đưa những khí thải và thức ăn từ các tế bào trên cơ thể, thu hồi về để bài tiết ra ngoài.

Tuần hoàn tốt, phát huy tác dụng tốt của máy, thì quá trình sinh lý của cơ thể con người tự nhiên thịnh vượng ra, sinh hoạt sức khỏe của con người đương nhiên đảm bảo.

Quan niệm của PGS Hùng là điều trị bệnh từ ngoài vào và từ trong ra. Ngoài hỗ trợ bằng thuốc còn bên trong là các yếu tố nội sinh nhờ đó mà sức khoẻ của ông cải thiện rõ rệt.

Chính vì thế, sau 4 năm điều trị bệnh nan y sức khoẻ của ông vẫn tốt nhờ kết hợp ăn uống và tập thể dục đều đặn mỗi ngày.

Những lưu ý khi tập:

Động tác lắc tay phải bền bỉ, đều đặn, nhẹ nhàng, linh hoạt. Không cần dùng sức mạnh để cố vẫy tay ra phía sau mà chỉ dùng sức bình thường, tương ứng với nhịp thở điều hòa của cơ thể.

Việc nhíu hậu môn và bám các đầu ngón chân xuống đất cũng vậy. Chỉ cần dùng sức vừa phải nhằm bảo đảm tâm lý thoải mái và thể lực dẻo dai để có thể thực hành đến hàng ngàn cái mỗi lần tập.

Động tác đưa tay về trước là do phản lực quán tính từ phía sau tạo nên. Tuyệt đối không dùng sức. Tầm tay phía trước không vượt quá thắt lưng.

Trong suốt quá trình lắc tay, mặc dù cánh tay di động trước sau, nhưng phải luôn duy trì tình trạng thoải mái tự nhiên, cánh tay không gồng sức.

Những người bệnh hoặc có tật ở chân không đứng được vẫn có thể thực hành hiệu quả phất thủ liệu pháp bằng cách ngồi trên đất hoặc trên ván, vẫy tay ở vị thế cánh tay co lại khoảng 90 độ.

PGS Hùng cho biết khi tập cố gắng điều hoà cơ thể hít vào phải giãn bụng to và khi thở ra phải hóp bụng hết cỡ. Với những người tập yoga thì việc hít vào thở ra này không khó nhưng người chưa có kinh nghiệm thì trong mọi điều kiện cố gắng hít sâu và thở ra hóp bụng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại