LTS: Việc dùng nhiều thuốc có thuật ngữ tiếng Anh là polypharmacy. "Poly" có gốc từ Hy lạp, có nghĩa là "nhiều hơn một" và "pharmacy" là "thuốc" với gốc Hy lạp là "pharmacon".
Hiện nay, với tiến bộ y khoa trong chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị, tuổi thọ của con người ngày càng tăng lên. Các bệnh mạn tính được duy trì với phác đồ hiệu quả hơn, trong đó có các phác đồ đòi hỏi bệnh nhân phải dùng nhiều thuốc. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghiệp chế phẩm bổ sung khiến người dân có nhiều lựa chọn để bồi dưỡng sức khoẻ nói chung. Do đó, hiện tượng dùng quá nhiều thuốc, nhất là ở người lớn tuổi không phải hiếm gặp. Theo một thống kê trên Báo Tuổi Trẻ, năm 2017, tổng doanh thu ngành dược của Việt Nam là 5,2 tỉ USD!
Nhưng, dùng quá nhiều thuốc không những gây tổn thất tài chính cho người bệnh và người nhà mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tuổi thọ của chính họ, từ đó tăng nguy cơ tàn tật và tử vong.
Vừa qua, các chuyên gia y tế hiện đang sinh sống và làm việc tại nhiều nước trên thế giới đã cùng nhau mở BÀN TRÒN ONLINE để truyền đạt cho bệnh nhân (BN) cùng người nhà về các tác hại của việc dùng quá nhiều thuốc cũng như cách giảm bớt và phòng chống. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
Bài 1: Người Nhật vứt sọt rác 0,5 tỉ đô, người Việt chi hơn 5 tỉ đô tiền thuốc mỗi năm: Vì sao?
Bài 2: BS mách 7 bước dùng thuốc đúng, đủ và rẻ: Áp dụng 100 bệnh nhân, 95 người giảm được thuốc
Bài 3: Có nên nhờ bác sĩ tư vấn thuốc trên mạng? Kê TPCN trong toa thuốc đúng hay sai?
Nhật Bản: Giảm được 2 thuốc cho bệnh nhân, cơ sở y tế được thưởng 20 USD
TS.BS Phạm Nguyên Quý (Đại học Kyoto, Nhật Bản): Tôi xin nói thêm về thực tế kiểm soát dùng dư thuốc ở Nhật. Hiện tại ở Nhật việc này không phải là trách nhiệm của riêng ai cả. Cũng không có động lực nào đủ mạnh để BS hay DS can thiệp vào.
Như mọi người thấy, chỉ BS hay DS giảm được 2 loại thuốc cho BN thì cơ sở y tế đó được thưởng 20 USD. Chỉ có 20 USD nhưng BS phải nói chuyện với BN rất lâu, khoảng 30 phút, thậm chí phải hẹn một buổi khác để nói chuyện với người nhà. Rồi phải viết thư giải thích cho tất cả các BS khám trước đã cho đơn thuốc đó để họ không bị bất ngờ nếu BN quay lại thắc mắc hoặc cự nự sao ông cho tôi uống nhiều thuốc như vậy, ông BS Quý ổng nói có thể gây hại...
Như vậy BS phải giao tiếp với nhau rất tốt để không làm mất niềm tin của BN. Chúng ta cũng phải có kế hoạch để theo dõi và điều chỉnh để BN sau khi giảm thuốc thì không thấy bị "bỏ rơi", kiểu như ông BS giảm 2 loại thuốc xong bye bye đi, không tái ngộ BN nữa; hoặc lỡ trong quá trình uống thuốc BN gặp chuyện gì chẳng hạn thì phải gặp được BS để hỏi….
Tất cả các can thiệp này đòi hỏi phải có đầu tư nhất định để thông tin của BN được chia sẻ đồng đều cho các cơ sở y tế liên quan.
DS Phạm Phương Hạnh
DS Phạm Phương Hạnh (Canada): Ở Canada có một trang web và gần đây đã có app (ứng dụng trên thiết bị cầm tay) đưa ra những hướng dẫn để BS và DS xem xét giảm hoặc ngưng kê đơn những thuốc không hợp lý.
Xin nói thêm: việc uống nhiều thuốc đôi khi là vì yêu cầu điều trị bắt buộc như vậy, nhưng vẫn có cách để giảm số lượng thuốc cho BN, như xem có phối hợp được các loại thuốc hay không. Ví dụ bệnh tiểu đường có các thuốc kết hợp 2 thuốc vào một viên, do đó bệnh nhân giảm số lượng thuốc hoặc với thuốc loãng xương cũng có chế độ uống từng tháng thay vì từng tuần. Nếu BN cảm thấy uống từng tuần không nhớ được lịch do nhiều thuốc quá thì có thể liên lạc với BS-DS để chuyển sang chế độ uống theo tháng. Như vậy cũng sẽ tăng cường tính tuân thủ dùng thuốc.
Thông thường thời điểm BN mới nhập viện hay xuất viện là hay xảy ra sai sót về dùng thuốc nhất. Họ dùng thuốc rất nhiều. Khi đó DS phải làm là kiểm tra lại hồ sơ dùng thuốc xem BN đã dùng những loại thuốc gì trước khi vào viện và sau khi ra viện. Chúng có trùng lặp về trị liệu hay không, có những thuốc gì cần phải ngưng hay không…
TS.DS Võ Thị Hà - Giảng viên khoa Dược, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP HCM, Việt Nam: Có rất nhiều BN và người nhà hay chụp hình đơn thuốc và đưa lên mạng để hỏi BS và DS xem có hợp lý hay không.
Xin trả lời: Việc tư vấn dùng thuốc qua mạng rất nguy hiểm vì nếu không là BS và DS trực tiếp điều trị cho bệnh nhân thì rất khó để thu thập thông tin đầy đủ của bệnh nhân để tư vấn hợp lý. Tốt nhất bệnh nhân cần quay lại BS và DS trực tiếp điều trị cho mình để hỏi và yêu cầu được tư vấn. BS và DS có thể giúp chọn những loại thuốc phối hợp nhiều thành phần hoặc chọn dạng thuốc dùng ít lần/ngày hơn để giúp cho việc dùng thuốc của bệnh nhân đơn giản hơn.
Úc, Canada… không bao giờ được kê thực phẩm chức năng trong toa thuốc
TS.BS Phạm Nguyên Quý: Có một bệnh nhân hỏi làm sao để từ chối việc bác sĩ kê thực phẩm chức năng trong toa thuốc?
Xin nói rõ với bạn thực phẩm chức năng không phải là thuốc thiết yếu. Vì vậy nếu có đủ thời gian bạn nên hỏi lại BS thực sự loại này có cần hay không. Bạn cũng có thể đem ra hỏi DS hoặc BS khác nếu ngại. Nghe đâu thực phẩm chức năng sẽ không được bảo hiểm chi trả nên mình có thể giả vờ than nghèo kể khổ với BS là tôi hết tiền rồi, không có tiền mua thuốc này, BS bớt cho tôi được không… Thế nào bác sĩ cũng sẽ giảm bớt.
Còn nếu đằng nào cũng phải mua thì bạn cứ mua về xài thử, nhưng khoảng hai tuần sau thì nhớ gặp lại BS đó để trình bày về hiệu quả mà mình thực sự cảm nhận. Nếu thấy không có tác dụng gì hết, yêu cầu bác sĩ bỏ đi. Đó là một hành xử rất nhẹ nhàng và BS không có lý do gì để yêu cầu mình tiếp tục dùng thực phẩm chức năng đó hết. Nếu BN cho BS thấy mình là một người có kiến thức thì rất nhiều BS sẽ không dám tự tiện thêm những thuốc không hiệu quả như vậy.
Một bệnh nhân: Ở Việt Nam còn có tình trạng BS kê một đơn thuốc chính và một đơn phụ. Đơn chính là thuốc, đơn phụ là thực phẩm chức năng. Xin hỏi các BS cách kê đơn thuốc như vậy có phù hợp với xu hướng của thế giới không?
BS Phan Đình Hiệp
BS Phan Đình Hiệp (BS gia đình tại Úc): Trả lời luôn là không. Tôi là bác sĩ gia đình ở bên này thì thực phẩm chức năng chưa bao giờ nằm trong toa của mình cả. Bởi vì thực phẩm chức năng không được gọi là thuốc và chưa được chứng minh hiệu quả. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng Tây y vẫn có những bệnh không điều trị được và BN có quyền có những lựa chọn khác, họ muốn dùng thì dùng. Hay có những người muốn mua thực phẩm chức năng để báo hiếu cho cha mẹ… trường hợp đó chúng ta chỉ cần phân tích đầy đủ lợi hại cho BN và người thân là được.
BS Nguyễn Đình Vân (Canada): Ở Canada và Mỹ mỗi thuốc đều có số đăng ký chính thức do cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm quốc gia cấp (Mỹ: NDC 10 dãy số do FDA cấp, Canada: DIN 8 dãy số do Health Canada cấp). BS chỉ được quyền kê toa những loại thuốc có số đăng ký. Thực phẩm chức năng thì không có số đăng ký đó, do vậy không được kê trong toa thuốc đưa cho dược sĩ.
BS Phan Đình Hiệp: Ở Úc từ BS đến nơi bán thuốc, tất cả đều có trách nhiệm giải thích tốt đơn thuốc cho BN. Không có BN nhận toa thuốc từ nơi bán thuốc mà không được tư vấn giải thích cả.
BS Nguyễn Đình Vân: Ở Việt Nam, hầu như chỉ cần đến bệnh viện đến phòng thuốc nào cũng có thể mua được thuốc mà không cần toa; thậm chí ra chợ cũng mua được thuốc kháng sinh, nên tình trạng kháng kháng sinh rất nhiều. Do vậy theo tôi chỉ cần kiểm soát được việc bán thuốc không cần toa là đã kiểm soát được tình trạng dùng quá nhiều thuốc rồi.
Điều thứ hai là tư vấn của DS với bệnh nhân rất quan trọng nhưng việc triển khai đó đã đi đến tận từng nhà thuốc chưa? Ở Úc hay Canada thì tất cả các bệnh nhân khi có toa thuốc mới đều phải có DS tư vấn. Nhưng tư vấn bao nhiêu phút và tư vấn về cái gì, nếu bệnh nhân dùng lại đơn thuốc cũ thì có cần tư vấn hay không? Cái này cũng phải làm rõ.
Nếu bác sĩ kê toa thuốc không hợp lý, đi đâu, hỏi ai?
TS.BS Phạm Nguyên Quý: Có một khán giả hỏi nếu khi tư vấn thuốc mà DS phát hiện ra BS đã cho đơn thuốc không hợp lý, ví dụ thừa thuốc thì làm thế nào?
TS.DS Võ Thị Hà: Nguyên tắc là trước khi tư vấn thì DS phải xem đơn thuốc của BS. Nếu phát hiện đơn thuốc đó có những vấn đề cần làm rõ thì DS cần phải gọi điện trao đổi trực tiếp với BS trước khi tư vấn cho BN. Nếu BS đồng ý cần điều chỉnh đơn thuốc cho phù hợp hơn thì BN sẽ quay lại phòng khám để được kê một đơn thuốc mới. Còn nếu BS không đồng ý đề xuất thay đổi của DS thì lúc đó chúng tôi sẽ tư vấn theo đơn của BS. Vì nguyên tắc BS vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất, mọi phát hiện của DS đều phải được trao đổi lại với BS. Dược sĩ chỉ đóng vai trò người cung cấp thông tin còn BS sẽ là người ra quyết định cuối cùng.
BS Phạm Nguyên Quý: Các BS với nhau hoặc BS với DS có thể cãi nhau ở việc chỉ định thuốc, nhưng đều có thể đồng thuận được nếu chúng ta tập trung vào lợi ích của BN.
TS.DS Võ Thị Hà: Có một giáo sư, dược sĩ lâm sàng ở Pháp nói một câu rất hay: "Phát hiện một vấn đề trong đơn thuốc chưa phải là mục tiêu cuối cùng của một DS lâm sàng, điều quan trọng hơn là DS cần đưa ra được các giải pháp để xử lý, khắc phục và thuyết phục được BS chấp nhận thì đó mới là một can thiệp dược thành công của dược sĩ và mang lại lợi ích thực sự cho BN". Bởi vì việc phát hiện được vấn đề thường không khó, ngay BS họ cũng có thể tự phát hiện được, điều khó là xử lý thế nào. Nếu DS trao đổi với BS nhưng trao đổi không khéo, khiến BS tự ái và không chấp nhận thì DS đã bỏ lỡ mất cơ hội giúp ích cho BN.
Mẹo cho BN và người thân:
- Khi đi khám nên mang theo tất cả các loại thuốc đã và đang dùng, cả có toa và không toa, bao gồm cả thuốc đông y và thực phẩm chức năng nếu có. Hoặc hãy chụp lại đơn thuốc và tất cả các loại thuốc đang uống và đưa nó cho BS điều trị.
- Nên chủ động hỏi BS: thuốc này để điều trị bệnh gì? Tôi phải uống trong bao lâu? Tôi gặp khó khăn trong cách uống/giờ uống/chi phí mua loại thuốc này, vậy BS/DS có thể giúp thay đổi được không?
- Theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân để thông báo kịp thời mọi thay đổi cho BS/DS. Thường xuyên trao đổi với chính BS/DS đang điều trị cho mình. Không dùng đơn thuốc của người khác. Không mang đơn thuốc đi hỏi trên mạng.