Chuyên gia Vũ Thế Thành: Khoẻ mạnh bình thường chẳng mắc mớ gì phải uống omega-3!

Bích Hiền |

Tôi muốn nhấn mạnh, tiêu thụ omega-3 từ thực phẩm chắc chắn là tốt hơn từ những viên omega-3.

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Khoẻ mạnh bình thường chẳng mắc mớ gì phải uống omega-3! - Ảnh 1.

PV: Thưa ông, lâu nay, những bà nội trợ như tôi đã quen nghĩ rằng, omega 3 là một chất rất quan trọng, không thể thiếu được cho sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ, làm cho trẻ thông minh... Có đúng là omega 3 quan trọng như thế không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Quảng cáo nhắm vào trẻ em nhiều quá nên khi nói đến omega-3, mấy bà chỉ nghĩ đến não bộ và trí thông minh của bọn trẻ.

Thực ra, omega-3 còn đem lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe như làm hạ huyết áp, giảm mỡ máu, tim mạch, chống viêm, giảm thấp khớp…

Đúng là omega-3 cần thiết cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, nhất là thai nhi, nên mấy bà bầu cũng cần phải ăn nhiều thực phẩm chứa omega-3. Nhưng điều này không có nghĩa là, cứ ăn thực phẩm chứa omega-3, hay uống viên omega-3, là trẻ sẽ thông minh.

Cũng nên biết thêm, omega-3 còn cần thiết cho hoạt động não bộ của người lớn, chứ chẳng riêng gì trẻ nhỏ.

PV: Omega 3 là chất gì vậy, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Omega 3 là chất… béo, như dầu mỡ vậy thôi. Tuy nhiên, omega-3 không phải một chất, mà là một nhóm acid béo không bão hoà, gồm cả hơn mười chất, nhưng chỉ có ba loại acid béo omega-3 là ALA, EPA và DHA là tạo ảnh hưởng đáng kể về mặt sinh lý ở người. (*)

Cơ thể người không tổng hợp được cả ba loại acid béo này, mà phải lấy từ nguồn thực phẩm.

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Khoẻ mạnh bình thường chẳng mắc mớ gì phải uống omega-3! - Ảnh 2.

Omega-3 không phải một chất, mà là một nhóm acid béo không bão hoà (nhiều nối đôi)

PV: Ba loại omega-3 này có ở trong những thực phẩm nào?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Loại ALA có trong dầu thực vật, nhiều nhất là trong dầu lanh (50,8%), dầu cải canola (9,3%), dầu đậu nành (7%)…

Còn hai loại EPA và DHA có nhiều trong các loại hải sản, nhất là trong cá biển và các loại vi tảo, phiêu sinh thực vật. Cá biển có EPA và DHA là nhờ ăn vi tảo, chứ bản thân cá không tạo ra được hai loại acid béo này.

Trong sữa mẹ cũng có DHA và EPA đấy.

PV: Tôi dị ứng với cá biển, muốn bổ sung omega-3 thì phải làm thế nào? Có thể dùng dầu ăn thay vì ăn cá biển trong trường hợp này được không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Công dụng thông thường của mọi chất béo là nguồn dự trữ năng lượng, khi cơ thể cần thì lấy đem ‘đốt’. Nhưng cũng có một số chất béo có thêm hoạt tính sinh học. Các omega-3 thuộc loại này.

Nhưng ba loại omega-3: DHA, EPA và ALA có lợi ích cho sức khỏe khác nhau. Đôi khi chúng có những ích lợi trùng lắp, bổ sung cho nhau, cũng có khi chúng lại khống chế lợi ích của nhau.

DHA, như đã nói ban nãy, là thành phần của màng tế bào não, giúp phát triển não ở trẻ và duy trì hoạt động của não ở cả người lớn lẫn trẻ em.

Ngoài ra, DHA cũng làm giảm mỡ máu loại triglyceride, giảm một ít cholesterol xấu (LDL), nên người ta cho rằng DHA có lợi cho tim mạch.

Đó là chưa kể, có nghiên cứu cho rằng DHA còn giúp phòng chống ung thư tiền liệt tuyến, nhưng điều này chưa rõ ràng.

Còn với EPA, lợi ích rõ nhất là chống viêm trong cơ thể. Cũng có nghiên cứu cho rằng EPA làm giảm những cơn ‘bốc hỏa’ của phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh, nhưng chưa chắc chắn lắm.

Một số nghiên cứu cho thấy, nếu ăn dầu cá nhiều EPA và DHA thì có thể ‘xoa dịu’ những cơn trầm cảm.

PV: Thế còn lợi ích của ALA trong dầu thực vật thì sao thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Lợi ích của ALA đến nay vẫn chưa rõ ràng. Có nghiên cứu cho rằng ALA giúp làm ổn định nhịp tim, giảm đông máu.

Nhưng có điều thú vị là, cơ thể người có thể chuyển ALA thành EPA và DHA.

PV: Ông nói vậy tức là đang trả lời câu hỏi của tôi trên kia đúng không? Tôi dị dứng cá biển, và có thể dùng dầu thực vật để thay thế. Dầu thực vật có ALA, rồi cơ thể chuyển thành EPA và DHA có lợi cho sức khỏe mà, phải không ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Rất tiếc, số lượng chuyển đổi này rất ít, trung bình chỉ khoảng 1-10% ALA chuyển thành EPA và khoảng 0,5-5% thành DHA, tùy thể trạng mỗi người, nữ giới chuyển nhiều hơn nam, những người bị tiểu đường chuyển ít hơn.

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Khoẻ mạnh bình thường chẳng mắc mớ gì phải uống omega-3! - Ảnh 3.

Có điều lạ, những vị tu sĩ chay trường từ nhỏ, không dùng omega-3 (EPA+DHA) từ tôm cá, chỉ dùng omega-3 (ALA) từ dầu ăn. Nguồn EPA+DHA mà họ có chỉ là số lượng ít ỏi, do cơ thể chuyển hoá từ ALA (có trong dầu đậu nành). Thế nhưng họ vẫn sống khoẻ, trí tuệ mẫn tiệp, ứng xử thâm trầm… Ai dám bảo hoạt động não của họ có vấn đề vì thiếu omega-3?

PV: Có lẽ những gì ông nói về tác dụng của omega 3 vẫn khiến cho tôi cảm thấy hơi... thiêu thiếu. Người ta nói về omega 3 với nhiều tác dụng ‘thần thánh’ hơn nhiều cơ. Có phải ông đánh giá hơi khắt khe, hay là thông tin về chất này đã bị thổi phồng?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Những lợi ích của omega-3 mà tôi vừa nói là… ‘bao dung’ lắm rồi đấy.

DHA và EPA được cho rằng làm giảm rủi ro tim mạch, nhưng cũng có những nghiên cứu phủ nhận mối quan hệ giữa những viên bổ sung omega-3 và việc hạ thấp rủi ro tim mạch đấy. (**)

Nghiên cứu về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm là điều không dễ dàng, kết quả rất thường đá ngược nhau. Giới khoa học ít khi dám khẳng định, mà chỉ nói: dường như là hoặc có thể, biểu thị sự không chắc chắn lắm, tiếng Anh dùng may, hay might.

Nhưng những người buôn bán thực phẩm chức năng, hay hàng đa cấp thì đoán chắc như đinh đóng cột. (cười)

PV: Như vậy nếu nói về omega-3, thì phải hiểu là loại omega-3 nào? Loại có trong thực vật hay trong động vật?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Giới khoa học khi nói về omega-3 là nói chung, cả omega-3 trong thực vật và trong hải sản, gồm ALA, EPA và DHA, vì họ hiểu tính đa dạng của chất béo, cũng như lợi ích tương đối về mặt dinh dưỡng.

Nhưng mấy ông bà thực phẩm chức năng thì hiểu omega-3 là EPA và DHA trích từ dầu cá. Omega-3 trích từ dầu cá mới ly kỳ, quảng cáo mát trời là omega-3 thần thánh, mới bán được giá cao.

Chứ nếu omega-3 trích từ dầu cải, dầu đậu nành thì rẻ rề…

PV: Ông có biết, năm ngoái báo chí rộ lên vụ omega-3 làm thủng tấm xốp. Có phải đó là omega-3 giả không? Uống phải loại omega-3 đấy không khéo… thủng ruột!

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Thông tin trên mạng nước ngoài lan truyền omega-3 làm tan vật liệu xốp có cả chục năm nay rồi, nhưng năm ngoái mới lan tới Việt Nam. (cười)

Bạn biết đấy, hai chất phân cực có thể hòa tan vào nhau, như rượu tan trong nước. Tương tự, hai chất không phân cực cũng có thể hòa tan vào nhau như xăng tan trong benzen.

Omega-3 là chất béo không phân cực. Tấm xốp là nhựa polystyrene cũng không phân cực. Do đó, omega-3 có thể hòa tan polystyrene, hay ăn mòn và làm thủng tấm xốp.

Tuy vậy, cơ thể người, cũng như các động vật, thực vật khác, không phải là nhựa polystyrene, nên không có chuyện dầu mỡ nói chung hay omega-3 nói riêng ăn thủng ruột. Vấn đề là có nên uống omega-3 hay không mà thôi.

PV: Ban nãy ông nói, omega-3 loại DHA làm giảm mỡ máu loại triglyceride. Tôi có người nhà bị cao triglyceride máu, thường phải uống thuốc để hạ mỡ máu. Theo ông, có nên dùng omega-3 dầu cá để làm hạ mỡ máu không? Dù sao, omega-3 cũng không phải là hóa chất.

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Câu hỏi của bạn thuộc về lĩnh vực y học, chẩn đoán và điều trị, nằm ngoài thẩm quyền trả lời của tôi.

Tuy nhiên, tôi có thể cung cấp thêm thông tin cho bạn. Trong các lợi ích của omega-3 loại DHA và EPA thì lợi ích làm giảm mỡ máu triglyceride có bằng chứng mạnh nhất. Nhưng để có hiệu quả, phải uống tới 2.000mg/ngày. Dùng liều omega-3 cao như thế, hơi thở có mùi tanh, bạn chịu nổi không? Đó là chưa kể tác dụng phụ khi dùng liều omega-3 cao như loãng máu chẳng hạn.

Dùng omega-3 liều cao để trị bệnh cần có chỉ định của bác sĩ. Còn dùng phối hợp cả thuốc Tây lẫn omega-3 (liều bình thường, khoảng 300-500mg) để trị mỡ máu, chưa có gì khẳng định sự phối hợp này là hiệu quả.

PV: Ai là người cần được bổ sung omega 3 nhiều nhất? Bà mẹ mang thai hay trẻ em đang phát triển trí não?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Khoẻ mạnh bình thường chẳng mắc mớ gì phải uống omega-3! - Ảnh 4.

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Bà mẹ mang thai cần được ưu tiên bổ sung omega-3 loại DHA và EPA. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyên, các bà bầu nên ăn cá biển, hai lần một tuần, mỗi lần chừng 120- 150g cá là đủ.

Nhưng đó là chuyện ở Mỹ. Họ ăn fillet cá biển đánh bắt xa bờ, loại cá to cả vài trăm kg như cá kiếm, cá mập…, nên lượng thủy ngân trong cá nhiều.

Còn ở Việt Nam, đánh bắt gần bờ, cá nhỏ, nên không đáng ngại cá nhiễm thủy ngân. Nếu ngại thì ngại nhiễm kim loại khác, mà cũng tùy vùng bờ biển.

Trẻ em cũng nên ăn tôm, cá biển, nhất là trẻ dưới 6 tuổi.

PV: Còn những người mắc bệnh tim mạch có phải quan tâm đặc biệt đến omega 3 không, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên những người đã có tiền sử về tim mạch, đột quỵ chẳng hạn, nên dùng viên bổ sung omega-3, với chỉ định và theo dõi của bác sĩ.

Còn những người khỏe mạnh bình thường chẳng mắc mớ gì phải uống omega-3 cả, cứ ăn uống cân bằng, khi thì tôm cá mực thịt, khi thì trái cây rau quả…

PV: Mỗi ngày tiêu thụ bao nhiều omega-3 là vừa, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi ngày nên tiêu thụ khoảng 300-500mg EPA và DHA, còn ALA khoảng 800-1.100mg.

Với mức khuyến cáo này, chỉ cần mỗi tuần ăn cá biển hai lần, dùng thêm dầu đậu nành là quá đủ. Nếu ngại ăn cá biển bị… ngứa, thì ăn cá tra cũng có DHA và EPA.

PV: Cháu nhỏ nhà tôi không thích ăn cá. Để cho nhanh, gọn, tiện, tôi cho cháu uống viên omega- 3 bán trên thị trường có được không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Được chứ sao không.

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Khoẻ mạnh bình thường chẳng mắc mớ gì phải uống omega-3! - Ảnh 5.

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, tiêu thụ omega-3 từ thực phẩm chắc chắn là tốt hơn từ những viên omega-3, vì ăn tôm cá còn cung cấp thêm các chất bổ dưỡng khác như protein, vitamin, khoáng chất v.v…

Đã có những nghiên cứu cho thấy, omega-3 từ thực phẩm như cá tôm hiệu quả hơn uống những viên omega-3 tinh luyện.

Nếu muốn dùng các viên omega-3 ngoài thị trường, bạn cần lưu ý:

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Omega-3 được làm từ dầu cá chứa EPA và DHA với hàm lượng khác nhau.

Nên lưu ý trên bao bì về tổng số EPA + DHA có trong mỗi viên thuốc mà mình cần, chứ không phải tổng số dầu cá (là con số lớn hơn nhiều) trong mỗi viên. Thí dụ, một viên omega-3 dầu cá (fish oil) là 1.000 mg, nhưng đọc kỹ chỉ có 300mg omega-3 (with 300mg omega-3 fatty acids).

Cũng cần nhấn mạnh, các viên omega-3 là thực phẩm chức năng, chứ không phải thuốc. Do đó, không có gì bảo đảm về an toàn, độ tinh khiết, hiệu quả trị bệnh, và cũng chẳng có gì bảo đảm hàm lượng omega-3 trong viên thuốc là đúng như ghi trên nhãn

Chú thích:

*) ALA: Alpha-linolenic acid; EPA: Eicosapentaenoic acid; DHA: Docosahexaenoic acid

(**) http://jama.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=1357266 Association Between Omega-3 Fatty Acid Supplementation and Risk of Major Cardiovascular Disease Events

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại