Chuyên gia ung bướu chỉ ra dấu hiệu lá gan đang ốm yếu và nguy cơ cao mắc ung thư

Ngọc Minh |

Căn bệnh ung thư gan đang trở thành mối nguy thực sự với người dân Việt, nó đang tăng về số ca mắc bệnh và tử vong.

Làm gì để tránh ung thư gan

Hiện nay, tại Việt Nam ung thư gan nguyên phát có tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong đứng đầu trong các bệnh ung thư.

Theo ghi nhận của Tổ chức nghiên cứu ung thư thế giới (GLOBOCAN) năm 2018, có 25.335 ca mới mắc ung thư gan và 25.404 ca tử vong vì ung thư gan, đứng đầu, hơn cả ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư đại trực tràng…

Hơn 80% số bệnh nhân ung thư gan ở các quốc gia châu Á và khu vực châu Phi cận Sahara, dạng ung thư gan phổ biến nhất là Carcinom tế bào gan (HCC).

Thực tế lâm sàng ghi nhận nguyên nhân dẫn đến ung thư gan chủ yếu là viêm gan mạn tính do virus viêm gan C (HCV) và viêm gan B (HBV) dẫn đến xơ gan. Đây là bệnh cảnh nền của 70-80% tổng số ca ung thư gan.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như nghiện rượu, độc tố aflatoxin của nấm Aspergillus flavus trong ngũ cốc.

Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, Nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ viêm gan cao nên có tỷ lệ ung thư gan cao.

Ước tính trung bình mỗi năm cả nước có trên 10.000 ca ung thư gan mới phát hiện, và khoảng 22.000 ca tử vong, tỷ lệ này cao nhất thế giới. Ung thư gan hoàn toàn có thể phát hiện sớm và điều trị khỏi.

Để ngăn ngừa được ung thư gan việc đầu tiên là phải kiểm soát được việc lây lan viêm gan vi rút. Người có viêm gan vi rút cần phải được kiểm soát được bệnh của mình.

Chuyên gia ung bướu chỉ ra dấu hiệu lá gan đang ốm yếu và nguy cơ cao mắc ung thư - Ảnh 1.

ảnh minh họa.

Ung thư gan là hệ quả của việc nhiễm viêm gan virút nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tại Việt Nam, viêm gan B mãn tính được cho là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư gan. Người có viêm gan vi rút B có nguy cơ mắc ung thư cao hơn gấp 200 so với người không có vi rút viêm gan.

"Một người bị nhiễm vi rút viêm gan B hoặc C mạn tính, không điều trị sau một thời gian sẽ hình thành xơ gan, sau đó hình thành ung thư gan. Thời gian tiến triển thành ung thư gan sẽ phụ thuộc vào tình trạng nhiễm vi rút viêm gan và thói quen uống rượu bia, thuốc lá", GS. Khoa nói.

Để phòng tránh ung thư gan, người có viêm gan vi rút cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm, bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá để được chẩn đoán kịp thời, điều trị và theo dõi suốt đời.

Ngoài ra, để kiểm soát được ung thư gan cần phải hạn chế uống nhiều rượu bia, ăn các thực phẩm độc hại, thực phẩm mốc dễ gây tổn thương và biến đổi tế bào gan.

Triệu chứng lá gan ốm yếu cần phải đi khám ngay

GS. Khoa cho hay thông thường ung thư gan giai đoạn sớm (khối u gan nhỏ) khó phát hiện, không có triệu chứng, nhiều bệnh nhân phát hiện u gan do các triệu chứng của bệnh lý gan mạn như viêm gan virus B, C, xơ gan. Một số trường hợp bệnh nhân phát hiện có khối u gan khi tình cờ siêu âm ổ bụng.

Một số triệu chứng ung thư gan ở giai đoạn muộn hơn, khi có các triệu chứng như: bụng chướng, khó tiêu, đau hạ sườn phải, gầy sút cân, vàng da vàng mắt.

Điều trị ung thư gan hiện nay có rất nhiều phương pháp như: phẫu thuật cắt bỏ phần gan có khối u, phẫu thuật ghép gan; Phá hủy u tại chỗ bằng sóng cao tần; tiêm cồn tuyệt đối qua da; nút mạch gan bằng hóa chất thông thường; nút mạch u gan bằng hóa chất kết hợp với hạt gây tắc mạch vĩnh viễn; tắc phóng xạ…

Bệnh nhân ung thư gan phát hiện ở giai đoạn muộn sẽ được điều trị giảm đau và nâng cao thể trạng.

Phòng ung thư gan theo GS. Khoa nên tiêm phòng viêm gan B, có chế độ sinh hoạt lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại