Có thể mắc viêm gan, HIV khi đi nội soi

Quảng An |

Tùy theo từng loại nội soi tiêu hóa, người bệnh có thể mắc phải những vi khuẩn đặc trưng như HP, virus viêm gan, thương hàn, thậm chí cả HIV...

Theo TS.BS Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh tiêu hóa chiếm tỷ lệ cao trên thế giới và nội soi là phương pháp duy nhất để thực hiện tầm soát ung thư đường tiêu hóa .

Tuy nhiên, TS Khanh cảnh báo, việc kiểm soát nhiễm khuẩn không tốt gây ra nguy cơ nhiễm khuẩn từ người này sang người khác. Tùy theo từng loại nội soi tiêu hóa, người bệnh có thể mắc phải những vi khuẩn đặc trưng như HP, virus viêm gan, thương hàn...

Tại khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai hiện có ba khu nội soi và một khu điều trị nội trú. Phòng nội soi duy trì 6-8 bác sĩ và 25 điều dưỡng. Năm 2018, khoa thực hiện 12.836 ca nội soi đại tràng và 52.299 ca nội soi dạ dày với trung bình thực hiện 400 ca nội soi/ngày.

“Với gần 400 ca nội soi/ngày, cho nên vai trò kiểm soát lây nhiễm khuẩn từ người này sang người khác trong nội soi là hết sức quan trọng vì khi số lượng bệnh nhân đông như vậy thì việc chúng ta khử khuẩn, tiệt khuẩn, từ máy nội soi đến dụng cụ nội soi rất quan trọng.

Cũng có thể do máy móc không đủ vì số lượng bệnh nhân quá đông, khi đó việc kiểm soát nhiễm khuẩn trở thành rất khó khăn, chính vì vậy chúng ta phải có chuyên đề để thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn một cách tốt nhất ”- TS. Khanh nói.

Theo TS. Khanh, việc kiểm soát nhiễm khuẩn không tốt gây ra nguy cơ nhiễm khuẩn từ người này sang người khác. Với nội soi đường tiêu hoá trên, người bệnh có khả năng nhiễm vi khuẩn HP; chụp mật tuỵ ngược dòng có nguy cơ nhiễm HP, virus viêm gan; với tiêu hóa đường dưới có trường hợp bị lây thương hàn...

TS.BS Trương Anh Thư – Phó Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai cho biết, dụng cụ nội soi được sử dụng phổ biến tại các khoa tiêu hoá và là dụng cụ có cấu hình phức tạp, ô nhiễm nhiều dịch cơ thể sau sử dụng, khó làm sạch.

Có thể mắc viêm gan, HIV khi đi nội soi - Ảnh 1.

Dụng cụ nội soi được sử dụng phổ biến tại các khoa tiêu hoá và là dụng cụ có cấu hình phức tạp, ô nhiễm nhiều dịch cơ thể sau sử dụng, khó làm sạch. Ảnh minh hoạ: Internet

Đây là những điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh dễ dàng nhân lên, tạo màng sinh học cản trở hoá chất và các tác nhân khử khuẩn/tiệt khuẩn phát huy tác dụng nên để đạt hiệu quả tối ưu trong khử khuẩn/tiệt khuẩn dụng cụ nội soi cần có sự kết hợp thực hành an toàn, xây dựng văn hóa an toàn người bệnh và lựa chọn hoá chất, thiết bị khử khuẩn/tiệt khuẩn phù hợp.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - xử lý dụng cụ y tế có hai phương pháp là khử khuẩn và tiệt khuẩn.

Cụ thể, những dụng cụ nào dùng để xâm nhập vào máu và mô thì bắt buộc phải tiệt khuẩn. Tiệt khuẩn rất phức tạp, phải có đủ điều kiện về nhiệt độ, áp suất, độ ẩm và thời gian. Một máy tiệt khuẩn dụng cụ y tế của bệnh viện đang sử dụng có giá trên 2,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vẫn có thể tiệt khuẩn, khử khuẩn dụng cụ y khoa bằng hóa chất nhưng nhược điểm là thời gian ngâm rửa rất lâu. Có những hóa chất quy định dụng cụ cần ngâm 8g, như vậy đối với các cơ sở y tế đông bệnh nhân là điều không khả thi, cả về thời gian lẫn tính kinh tế.

Đó còn chưa kể nếu ngâm lâu trong hóa chất thì dây soi nhanh bị hư hỏng. Chẳng hạn với một chiếc dây soi tiêu hóa có giá dao động từ 10.000-20.000 USD, nếu ngâm rửa lâu như thế thì cơ sở y tế cần phải đầu tư số tiền rất lớn để có đủ số lượng dây soi sử dụng luân phiên.

Còn nếu cũng ngâm rửa nhưng không đủ thời gian quy định thì đương nhiên nguy cơ lây bệnh là khó tránh, sẽ không chỉ là vi khuẩn HP mà còn là vi-rút viêm gan, thậm chí HIV .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại