Chuyên gia: Xung đột Mỹ-Iran, Thổ đổ quân vào Libya, "cơ hội vàng" cho Nga thâu tóm Trung Đông?

Hoài Giang |

Moscow đã trở thành "nhà môi giới quyền lực" quan trọng trong khu vực Trung Đông sau can thiệp quân sự ở Syria, các căng thẳng mới nhất trong khu vực là "cơ hội vàng" của Nga.

Gần như cùng thời điểm cuộc tập kích của Iran vào căn cứ Mỹ ở Iraq diễn ra, trung tâm phân tích Carnegie Moscow xuất bản bài viết "The Iran Crisis Can Be a Boost for Russia" (tạm dịch: Khủng hoảng Iran có thể là "cú bứt tốc" cho Nga) của tác giả Marianna Belenkaya.

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn tương đối khách quan về quan điểm của Nga trong các sự kiện đã và đang diễn ra tại Trung Đông, cũng như vai trò của Moscow trong việc giải quyết khủng hoảng, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Năm mới 2020 bắt đầu với các sự kiện có thể có tác động lớn đến chính sách Trung Đông của Moscow.

Đầu tiên là vụ ám sát viên tướng Iran Qassem Souleimani ở Baghdad bằng máy bay không người lái (UAV) của Mỹ vào ngày 3/1 và cuộc tập kích tên lửa của Iran vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq rạng sáng ngày 8/1.

Thứ hai là việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đến tham chiến ở Libya. Nga ngày càng khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng giữa các "đối tác" ở Trung Đông, nhưng Moscow không có ý định đánh mất danh tiếng là "nhà môi giới quyền lực" quan trọng trong khu vực.

Cái chết của Tướng Souleimani và quan điểm của người Nga

Nhiều khả năng chính Tướng Souleimani là người đã thuyết phục Nga tiến hành can thiệp quân sự vào Syria năm 2015 bằng cách chỉ ra các mối đe dọa tiềm tàng khi Nga "án binh bất động", cũng như các lợi ích mà Nga có thể đạt được sau khi can thiệp.

Rõ ràng, một mối quan hệ đã được phát triển giữa quân đội Nga và Souleimani, viên tướng Iran chịu trách nhiệm điều phối tất cả các lực lượng thân Iran ở Syria.

Sau cái chết của Tướng Souleimani, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực, và về sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Shoigu cũng bình luận rằng Tướng Souleimani là một chỉ huy quân sự tài giỏi, quyền lực và có ảnh hưởng đáng kể trên khắp Trung Đông và cho rằng đóng góp cá nhân của viên tướng Iran trong cuộc chiến chống IS ở Syria là điều không thể chối cãi.

Chuyên gia: Xung đột Mỹ-Iran, Thổ đổ quân vào Libya, cơ hội vàng cho Nga thâu tóm Trung Đông? - Ảnh 1.

Quân cảnh Nga mang vòng hoa tới chia buồn với các quan chức Iran tại Đại sứ quán ở Damascus, Syria sau cái chết của Tướng Souleimani.

Nếu Syria trở thành một chiến trường cho một cuộc chiến tranh không tuyên chiến giữa Washington và Tehran, nó sẽ là một vấn đề lớn đối với Moscow.

Các nhóm dân quân thân Iran ở Syria là một phần quan trọng trong sức mạnh lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad giúp giữ vững các vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Damascus.

Nếu không có sự hỗ trợ của Iran, Nga và quân chính phủ Syria sẽ rất khó để có thể giành chiến thắng trên các mặt trận.

Mục tiêu của Moscow và Tehran ở Syria không phải lúc nào cũng giống nhau. Người Nga tin rằng sự ủng hộ của Iran khiến Damascus trở nên khó hiểu hơn trong các cuộc đàm phán với phe đối lập và cản trở "tầm nhìn" của Nga về việc giải quyết chiến tranh.

Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại Moscow vẫn tìm cách thỏa hiệp với các lực lượng thân Iran (Tướng Souleimani đóng một vai trò quan trọng).

Tướng Qassem Soleimani trực tiếp chỉ huy dân quân thân Iran chống lại nhóm khủng bố IS tại mặt trận al-Bukamal thuộc tỉnh Deir Ezzor năm 2017.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "phân chia" Libya

Cuộc đối đầu Mỹ - Iran diễn ra trùng với thời điểm Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán để "chia" Libya, quốc gia bị chiến tranh tàn phá trong gần 10 năm thành các khu vực theo ảnh hưởng của các bên giống như cách họ đã làm với Syria.

Vào cuối năm 2019,Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cáo buộc Moscow đang tích cực giúp đỡ Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar ở miền đông Libya, thông qua sự hiện diện của hàng trăm lính đánh thuê thuộc một công ty quân sự tư nhân của Nga.

Chuyên gia: Xung đột Mỹ-Iran, Thổ đổ quân vào Libya, cơ hội vàng cho Nga thâu tóm Trung Đông? - Ảnh 3.

Bản đồ chiến sự miền tây Libya ngày 9/1/2020 sau khi GNA thất thủ tại thành phố cảng Sirte.

Cũng chính ông Erdogan, người ủng hộ Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu ở Tripoli đã viện dẫn lý do nói trên trong việc đưa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tới giúp đỡ đồng minh.

Nga đã phản ứng một cách bình tĩnh trước các cáo buộc của Ankara vì họ biết rằng Thổ Nhĩ Kỳ không ngại chia sẻ quyền lực ở Libya với Nga. Rõ ràng Moscow đã chứng tỏ khả năng linh hoạt hơn trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ nếu so với Mỹ.

Ngược lại, Washington chỉ trích mạnh mẽ quyết định đưa quân đội tới Libya của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các nhóm phiến quân Syria và lính đánh thuê Nga.

Tổng thống Nga và Thổ đã thảo luận về tình hình ở Libya, Syria và Iraq khi họ gặp nhau ở Istanbul. Moscow đã cố gắng và thử nghiệm một liên minh với Ankara, vì vậy cả hai nước sẽ chống lại "sự cám dỗ" ở Libya.

Phiến quân Syria gốc Thổ Nhĩ Kỳ thuộc nhóm Sư đoàn Sultan Murad tại Libya: "Haftar, chúng ta đang tới đây".

Người Nga đã chuẩn bị gì cho việc "bứt tốc" ở Trung Đông?

Danh tiếng của Nga ở Trung Đông cũng là "con dao hai lưỡi" và đã trở thành "con tin" của nó khi Moscow dự kiến ​​sẽ phải can thiệp vào hầu như tất cả các cuộc xung đột khu vực và các lãnh đạo địa phương đang mong đợi Nga sẽ thực thi "chính sách Syria" tại Libya.

Trong khi Nga rất thiện chí khi chia sẻ Trung Đông với Thổ, thì cuộc cạnh tranh với Mỹ có thể sẽ chỉ tăng lên theo thời gian. "Bóng ma" của một cuộc nội chiến Iraq mới là khá thực tế và ông Trump chỉ làm trầm trọng thêm tình hình với việc đe dọa trừng phạt nhằm vào chính phủ Iraq.

Moscow đã đem mối đe dọa của Trump với Baghdad để kêu gọi các đồng minh khác của Mỹ ở Trung Đông xem xét lại quan hệ đối tác với Washington.

Có một tiền lệ đó là vào năm 2014, khi Baghdad phải đối mặt với mối đe dọa của IS, Mỹ đã "dao động" trong một thời gian dài về việc có nên cung cấp hỗ trợ quân sự cho Iraq hay không. Cuối cùng, Iraq đã chọn hợp tác quân sự với Nga.

Các quốc gia khác trong khu vực đang theo "bài học Iraq" và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, lựa chọn đối tác mới cho hợp tác quân sự và công nghệ.

Cho đến nay, các vương quốc Vùng Vịnh, nơi đặt các căn cứ quan trọng của người Mỹ vẫn cam kết chắc chắn với Hoa Kỳ. Nhưng việc ông Trump đả kích chính phủ ở Iraq có thể thuyết phục các nước Trung Đông khác tăng cường mối quan hệ với Nga.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Moscow đã sẵn sàng để bắt được "làn sóng mới" hay chưa, và người Nga đã đầu tư đủ các nguồn lực và nỗ lực đủ lớn trở thành một chính sách dài hạn cho Trung Đông hay chưa?

Xe tăng T-55 của lực lượng GNA bị LNA bắt sống tại Abu Grian, Libya hôm 7/1/2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại