Thứ Ba tuần trước, một tiêm kích F-15 của Không quân Mỹ đã bắn hạ một máy bay không người lái có vũ trang sản xuất bởi Iran gần al-Tanf, khu vực biên giới giữa Iraq và Jordan. Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tháng qua cũng ở chính địa điểm này, quân đội Mỹ đã bắn hạ một máy bay không người lái tương tự của Iran.
Trong một diễn biến khác, hôm 18/6, lực lượng Mỹ đã bắn rơi một máy bay chiến đấu của Syria. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999, Mỹ tham gia vào một trận không chiến. Nga, đồng minh của chính phủ Syria, đe dọa sẽ đáp trả bằng việc bắn hạ máy bay của Mỹ ở vùng phía Tây sông Euphrates, một động thái nếu xảy ra có thể đẩy hai cường quốc hạt nhân vào một cuộc đối đầu.
Một điều mà Mỹ, Nga cũng như các đồng minh của họ cùng thống nhất – ít nhất là trên lý thuyết – là tiêu diệt lực lượng nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Tuy nhiên, nền móng chung này càng ngày càng ít có giá trị gắn kết, đặc biệt khi lực lượng cực đoan đánh mất những vùng lãnh thổ lớn.
Theo Nader Hashemi, trưởng khoa Nghiên cứu Trung Đông tại trường Đại học Denver (Mỹ), câu hỏi "cuối cùng ai sẽ là người giành được quyền định đoạt cuộc chơi ở Syria" ngày càng nóng. Trong cuộc trao đổi với Daily Intelligencer, Hashemi cũng đưa ra nhiều bình luận về việc cuộc chiến tại Syria cũng như những rủi ro liên quan mà Mỹ phải đối mặt đang thay đổi như thế nào.
Nader Hashemi
Theo ông, việc không quân Mỹ bắn hạ máy bay Syria có nghiêm trọng không?
Tôi nghĩ là rất nghiêm trọng. Lần cuối cùng Mỹ bắn rơi máy bay là từ cuộc chiến ở Kosovo năm 1999. Cuộc chiến Syria đã khiến tình hình thế giới bất ổn trong 6 năm qua, và hiện tại chúng ta đang thấy xuất hiện tác nhân gây bất ổn mới: Khả năng xảy ra một dạng xung đột vũ trang nào đó giữa Nga và Mỹ.
Hai cường quốc chống lưng hai phe đối đầu nhau, và cuộc giành giật những vùng lãnh thổ đứng chân cuối cùng của IS đang rất quyết liệt.
Lực lượng IS đang mất dần địa bàn, và bây giờ là lúc cho một cuộc chiến tranh giành chiến lợi phẩm. Điều này có đúng không?
Nhà nước Hồi giáo IS sẽ sớm bị tiêu diệt tại Mosul (Iraq), và có vẻ như thành lũy cuối cùng tại Raqqa (Syria) cũng sẽ sớm sụp đổ. Điều này dần khiến nguy cơ xung đột giữa Nga và Mỹ đến gần hơn vì phía Mỹ chưa có kế hoạch hoặc chiến lược hay tầm nhìn cụ thể nào cho Syria thời kì hậu IS.
Iran cũng là một phần tâm điểm trong những vấn đề ở Syria. Iran là đồng minh với Nga. Và Mỹ, dưới thời Trump, ngày càng có quan điểm thù địch về vai trò của Iran trong khu vực này. Mối nguy tiềm tàng về một cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ nổ ra tại chiến trường Syria với Iran sau sự sụp đổ của IS là khá lớn.
Tất cả các viễn cảnh này có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận hạt nhân [với Iran], mối giữa Ả Rập Saudi và Iran cũng như sự bất ổn gia tăng trong khu vực.
Dù có nhiều biến động như vậy, nhưng theo ông thì Mỹ vẫn không có kế hoạch nào?
Không ai biết Donald Trump và các cố vấn chính sách đối ngoại của ông ấy đang có kế hoạch gì với tương lai của Syria. Cho tới trước vụ tấn công hóa học của thủ tướng Syria Bashar al-Assad lên dân thường ngày 4/4, chính sách của Mỹ và Nga vẫn khá tương đồng.
Sau đó, Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự tại Syria và giọng điệu của chính quyền ông Trump thay đổi khá đáng kể. Mỹ không chỉ công kích mạnh mẽ chính quyền của Assad mà còn dùng lời lẽ gay gắt cáo buộc Nga có liên quan [đến vụ tấn công hóa học].
Dựa trên tình hình hiện tại, ông có dự đoán gì về chiến lược lúc tàn cuộc của Mỹ tại Syria không?
Tôi cho rằng việc Mỹ gia tăng can thiệp quân sự tại Syria là nằm trong chiến lược phối hợp với Ả Rập Saudi để kìm kẹp Iran. Cuộc chiến trên bộ tại Syria nhằm ủng hộ chính phủ al-Assad đang nhận được sự hỗ trợ từ Iran. Nga đảm bảo không lực, còn trên mặt đất, bộ binh do Iran hậu thuẫn sẽ chiến đấu để giành lấy các vùng đất mà lực lượng IS đang chiếm đóng.
Việc này khiến Mỹ phải lựa chọn: Hoặc để yên như vậy, hoặc cản trở nỗ lực của Iran và giành lấy vùng lãnh thổ phía Đông Syria. Cuối tuần vừa rồi, Iran bắn tên lửa đạn đạo về phía Đông Syria, trên danh nghĩa là nhằm đáp trả cuộc tấn công của IS vào Tehran trong tháng Sáu. Nhưng mục đích thật sự của Iran là gửi thông điệp tới Mỹ và đồng minh, rằng Iran sẽ không dừng bước sau khi IS bị tiêu diệt.
Liên minh ủng hộ chính quyền của ông Assad, Nga và Iran có thể nào rạn nứt vì tranh giành lãnh thổ của IS không?
Cả Nga và Iran đều muốn đảm bảo rằng Nhà nước Hồi giáo IS sẽ sụp đổ, và chính quyền Syria tại Damascus sẽ điều hành khu vực Đông Syria. Đã có vài dấu hiệu căng thẳng trong mối quan hệ liên minh Iran và Nga. Nhưng ít nhất tại thời điểm hiện tại, cả hai quốc gia này đều ủng hộ phe Assad, chống lại IS và các lực lượng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn tại chiến trường Raqqa và miền Đông Syria.
Putin sẽ không thay đổi chiến lược trong khi Mỹ tiếp tục ủng hộ phe nổi dậy chống lại ông Assad. Như vậy tình hình Syria sẽ tiến tới đâu?
Trọng tâm của vấn đề này là câu hỏi: Tương lai chính trị của Syria sẽ đi về đâu? Số phận của 5 triệu dân phải đi tị nạn và 6 triệu người phải sơ tán sẽ ra sao? Nga và Iran muốn quay ngược lại thời điểm 2011. Họ hy vọng chính phủ của ông Assad sẽ lấy lại được mọi thứ.
Mỹ và các đồng minh châu Âu lại cho rằng ông Assad phải từ chức vì ông này phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột. Ông Assad còn nắm quyền ngày nào thì chiến tranh còn kéo dài tới ngày đó. Nhưng các cuộc thương lượng hòa bình đều không thành công do không các bên không thống nhất được về tương lai chính trị của Syria cũng như vai trò của ông Assad.
Tìm kiếm người còn sống trong đống đổ nát do trúng tên lửa ở Syria. Ảnh: CNN
Nga đã tạm ngừng đường dây nóng phòng ngừa va chạm với Mỹ ở Syria sau vụ Washington cho phóng Tomahawk, và sau đó còn rút hẳn. Thỏa thuận này quan trọng như thế nào, và liệu việc nó bị ngừng lại có làm gia tăng nguy cơ đụng độ?
Đường dây nóng nhìn chung có tác dụng. Nó giúp ngăn chặn nguy cơ máy bay Mỹ và Nga bay vào không phận kiểm soát của nhau và nhận nhầm máy bay phía bên kia là kẻ địch. Nhiều người lo ngại rằng đụng độ có thể xảy ra nếu hai bên không có một chút liên lạc nào. Nhưng theo đánh giá của tôi, việc đường dây nóng bị cắt không phải là tác nhân lớn làm thay đổi nguy cơ Nga - Mỹ đụng độ ở Syria.
Thay đổi nằm ở chỗ quân đội Mỹ, với sự cho phép của Nhà Trắng, hiện đã sẵn sàng sử dụng vũ lực để tấn công IS. Còn chuyện gì sẽ xảy ra sau khi IS sụp đổ là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất hiện tại là cuộc chiến giữa Mỹ và lực lượng của Iran ở Syria. Nhiều người sẽ phải bỏ mạng trên chiến trường và Iran có thể trả đũa bằng việc tấn công các tàu chở hàng của Mỹ dọc khu vực vịnh Ba Tư. Việc này sẽ để lại hậu quả lớn cho thỏa thuận hạt nhân và sự ổn định trong khu vực.
Tóm lại, xung đột tại Syria sẽ chưa dừng lại trong thời gian ngắn và cũng sẽ không kết thúc êm đẹp. Không có chính sách, chiến lược nào dưới thời Tổng thống Trump hoặc thậm chí từ thời Tổng thống Obama có thể đem lại ổn định cho Syria.
Nhìn vào vị thế của Putin, vị thế của Iran cũng như những rối ren trong Nhà Trắng dưới thời ông Trump, tôi không thấy có hy vọng nào cả. Trong tương lai gần, Syria sẽ vẫn tiếp tục hứng chịu xung đột leo thang giữa các tác nhân khu vực và quốc tế đang can dự vào tình hình ở đây.