Trong một bài báo được tờ Die Welt của Đức đăng tải hôm 25/6, phóng viên điều tra đoạt giải Pulitzer người Mỹ Seymour Hersh đã bàn về cách xử lý khủng hoảng truyền thông của chính quyền Tổng thống Donald Trump sau vụ Syria ném bom nhằm vào thị trấn Khan Sheikhoun hồi tháng 4.
Bài báo của Hersh dựa trên các cuộc phỏng vấn một số cố vấn người Mỹ và những chứng cứ mà họ cung cấp, bao gồm cả bản sao các cuộc trao đổi thời gian thực ngay trước cuộc tấn công của Syria ngày 4/4.
Không có vụ tấn công hóa học nào
Theo nguồn tin mật của Hersh, Tổng thống Trump đã chọn cách bỏ qua các báo cáo mà tình báo và quân đội Mỹ đã tổng hợp - những thông tin mâu thuẫn với cáo buộc Damascus sử dụng khí sarin để giết hại dân thường mà truyền thông vẫn đăng tải. Thay vào đó, ông Trump lại ra lệnh cho quân đội Mỹ chuẩn bị phương án đáp trả - điều mà họ đã làm sau đó 2 ngày.
"Chuyện này không hề hợp lý chút nào", một quan chức Mỹ đã nói với đồng nghiệp của mình sau khi hay biết về quyết định tấn công Syria của Nhà Trắng, "Chúng ta biết là không có vụ tấn công hóa học nào cả. Người Nga đang tức giận".
Theo các cố vấn của Mỹ, cuộc tấn công của Không lực Syria tại Khan Sheikhoun là nhằm vào cuộc họp giữa thủ lĩnh cấp cao của một số nhóm thánh chiến, gồm Ahrar al-Sham và Mặt trận Al-Nursa.
Quân đội Syria đã tấn công Khan Sheikhoun hồi tháng 4.
Mỹ đã được thông báo chi tiết trước khi hoạt động diễn ra theo đúng thỏa thuận ngăn ngừa xung đột với Nga. Việc chia sẻ thông tin hai chiều tại chỗ ở Syria đã giúp liên minh do Mỹ dẫn đầu và quân đội chính phủ Syria tránh được các vụ va chạm không đáng có trên không, bảo toàn cơ sở tình báo dưới mặt đất và phối hợp cùng nhau khi hoạch định chiến dịch.
"Họ đã chơi đúng luật", một cố vấn cấp cao của Mỹ nhận định về thông báo mà phía Nga đưa ra trước khi quân đội Syria tiến hành tấn công.
Phân bón hay vũ khí hóa học?
Loại vũ khí đặc biệt mà Syria sử dụng trong vụ ném bom đã được đề cập tới trong các cuộc trao đổi của phía Syria trước khi vụ tấn công diễn ra. Thông tin đánh chặn đã được truyền thông phương Tây đưa tin rộng rãi như ám chỉ rằng Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, nguồn tin cố vấn của Hersh cho hay:
"Người Syria có định tấn công Khan Sheikhoun không? Chắc chắn rồi. Chúng tôi có chặn được thông tin chứng minh điều đó không? Có. Họ có định dùng sarin không? Không. Nhưng Tổng thống không nói: Chúng ta gặp vấn đề và hãy cùng nghiên cứu xem sao. Ông ấy chỉ muốn ném bom Syria".
Mục tiêu của quân đội Syria được mô tả là một tòa nhà 2 tầng. Theo tình báo Nga, các phiến quân thánh chiến đã sử dụng tầng hai của ngôi nhà để làm trung tâm chỉ huy và điều khiển. Tầng một là cửa hàng tạp hóa, còn tầng hầm thì được sử dụng làm nhà kho, chứa vũ khí, đạn dược và hàng hóa, bao gồm cả phân bón và các chất khử trùng có gốc clo.
Theo một bản đánh giá của Mỹ về cuộc không kích từ phía Syria vào sáng ngày hôm đó, quả bom nặng hơn 200kg đã gây ra nhiều vụ nổ mạnh. Có thể sức nóng đã khiến các sản phẩm hóa học ở tầng hầm bốc hơi, sản sinh ra các đám khí độc, lan ra toàn thị trấn.
Khả năng này cũng phù hợp với thông tin mà các bệnh nhân đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, rằng họ đã ngửi thấy mùi clo.
Nó cũng lý giải các triệu chứng ngộ độc tác nhân thần kinh như trường hợp của sarin, nhưng nhiều khả năng nguyên do là bởi các hợp chất cơ phospho (organophosphate) có trong nhiều loại phân bón.
Trong khi đó, tình báo Mỹ lại không nắm được bằng chứng cho thấy có khí sarin ở gần hoặc ngay tại căn cứ không quân Shayrat của Syria, mục tiêu của 59 quả tên lửa Tomahawk mà Mỹ đã phóng.
Căn cứ không quân Shayrat, mục tiêu tấn công của hải quân Mỹ sau vụ phóng tên lửa Tomahawk.
"Đây không phải là một cuộc tấn công nhằm vào vũ khí hóa học", nguồn tin của Hersh cho biết.
"Đây chỉ là một câu chuyện cổ tích. Nếu có chuyện đó thật thì những ai tham gia vào quá trình vận chuyển, trang bị loại vũ khí đó đều sẽ phải mặc trang phục bảo hộ Hazmat, đề phòng khả năng (hóa chất) bị rò rỉ. Không có các thiết bị bảo hộ ấy thì khả năng sống sót rất thấp".
"Khí độc sarin dùng trong quân sự có cả những thành phần phụ nhằm tăng độc tính và khả năng gây thương vong. Mỗi lô khí thoát ra ngoài đều gây chết người. Đó là lý do vì sao nó ra đời".
"Loại vũ khí này không mùi và không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Không hề có đám mây khí nào cả. Sao lại đi sản xuất ra một thứ vũ khí mà người ta có thể chạy trốn?"
Theo bài báo cuả Hersh, chính quyền ông Trump đã nhanh chóng chấp nhận thông tin từ phía phe nổi dậy do Mỹ hậu thuận, có nghĩa là cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành một cuộc tấn công hóa học nhằm vào Khan Sheikhoun. Các quan chức cấp cao của Mỹ tiếp tục lên án Damascus.
Và ông Trump đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị phương án đáp trả trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi nhìn thấy những hình ảnh trẻ em bị nhiễm khí độc trên truyền hình.
Tại cuộc họp an ninh quốc gia ở Mar-a-Lago hôm 6/4, đã có 4 lựa chọn được đưa ra, từ việc không phản ứng gì cho tới ám sát Tổng thống Assad. Cuối cùng Tổng thống Mỹ đã lựa chọn các tấn công căn cứ của Syria mà nguồn tin của Hersh mô tả là "phương án khỉ đột".
"Mỹ gầm gừ, đấm ngực để gây nên sự sợ hãi và thể hiện sự quyết tâm nhưng không gây tổn hại đáng kể".