Ảnh minh hoạ.
Có thực phẩm nóng – mát hay không?
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khái niệm thực phẩm nóng – lạnh xuất phát từ quan niệm dân gian được đúc kết lại. Các thực phẩm được cho là có tính nhiệt, tạo cảm giác nóng khi ăn có thể kể tới như mít, dứa, thịt đỏ, gạo nếp… Ngoài ra, cũng còn có một số loại gia vị được cho là có tính nhiệt như ớt, gừng, tỏi…
Theo y học cổ truyền nguyên nhân gây nóng trong là do chức năng của phủ tạng yếu, không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa; gan và thận suy yếu nên các chức năng giải độc hoạt động không hiệu quả. Các chất độc tích tụ lại trong cơ thể là môi trường thuận lợi để phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa và nóng trong người.
"Theo y học hiện đại, tất cả các thực phẩm khi ăn vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành năng lượng để sử dụng cho cơ thể. Đối với những thực phẩm nhiều đường, khi ăn, đường sẽ nhanh chóng được chuyển hóa thành năng lượng,từ đó sinh ra nhiệt, làm cho người ăn cảm thấy nóng bức.
Còn đối với các thực phẩm được cho là mát, chẳng hạn như rau, là thực phẩm ít năng lượng, quá trình chuyển hoá dài nên có cảm giác mát mẻ", PGS Thịnh nói.
Theo chuyên gia, thực phẩm gây nóng hay mát là do chế độ ăn uống không cân bằng. Ăn quá nhiều bất cứ thực phẩm gì đều không tốt cho sức khoẻ. Ví dụ như ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều năng lượng sẽ sinh ra nhiệt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trên da và gây nổi mụn.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) phân tích, theo y học cổ truyền thực phẩm có tính âm dương. Tuy nhiên, theo khoa học hiện đại thì không có thực phẩm ăn vào gây nóng. Không có chuyện ăn hoa quả gây nổi mụn do nóng. Nổi mụn do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có thể có người nhạy cảm với chất nào đó trong hoa quả thì gây nên một số vấn đề như nổi mụn.
"Do vậy, không quy tội cho việc ăn hoa quả, thực phẩm sẽ bị nóng. Hiện, một số người cũng có quan niệm rất sai lầm như ăn thịt, cá sẽ gây nóng. Điều này là không đúng, không có cơ sở khoa học. Thịt, cá là các thực phẩm thông thường, được sử dụng thường xuyên trong mỗi gia đình và được khuyến nghị sử dụng", TS Hưng nói.
Hoa quả dù ăn nhiều cũng không tốt cho sức khoẻ, ảnh minh hoạ
Cũng theo TS Hưng hiện nay, có rất nhiều thông tin phản khoa học được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Do vậy, mọi người cần chắt lọc thông tin, các thông tin cũng cần phải được kiểm chứng bởi những người có chuyên môn trên các phương tiện truyền thông chính thống.
Theo chuyên gia dinh dưỡng một chế độ ăn cân đối dinh dưỡng sẽ không gây ra tình trạng "nóng". Ngay cả hoa quả là thực phẩm tốt, cung cấp nước, vitamin và chất xơ cho cơ thể nhưng mọi người cũng chỉ nên ăn theo đúng khuyến cáo về mặt dinh dưỡng. Ví dụ người trưởng thành nên ăn 200 - 300g quả chín mỗi ngày. Nếu chúng ta ăn nhiều hơn lượng này thì sẽ không tốt vì trong hoa quả có nhiều đường đơn, ăn quá nhiều sẽ gây thừa cân, béo phì và rối loạn chuyển hóa.
Ăn không cân đối gây "nóng"
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết theo y học hiện đại có rất nhiều nguyên nhân gây nóng trong, bao gồm:
- Do chế độ ăn uống không hợp lý như chế độ ăn quá nhiều một loại thực phẩm, các loại thực phẩm có tính nóng, tính dương, quá nhiều đạm, tinh bột, dầu mỡ, không ăn trái cây.
- Sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
- Sử dụng một số loại thuốc, thực phẩm chức năng như thuốc tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống dị ứng, kháng sinh…
- Mắc một số bệnh lý: nhiễm trùng, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp, mất ngủ thường xuyên.
Theo các chuyên gia, nói thực phẩm gây nóng là chưa thực sự chính xác. Vì nguyên nhân phần lớn gây nóng là do chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý. Để có sức khoẻ tốt, mọi người nên ăn đa dạng các loại thực phẩm. Đảm bảo ăn đủ các loại thực phẩm chứa những nhóm chất như bột đường (carbohydrate), đạm (protein), béo (lipid), vitamin và khoáng chất. Tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi và uống nhiều nước.