Hai người trẻ, một số phận
Anh Trương, 28 tuổi, người Hàng Châu (Trung Quốc) - một nhà thiết kế giỏi từng là sinh viên xuất sắc của một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu Trung Quốc vừa mới được phát hiện ung thư đại tràng giai đoạn giữa.
Anh đành bỏ lại tất cả tương lai tươi sáng trước mặt để bắt đầu quy trình điều trị bệnh lâu dài và gian khổ.
Một cô gái 18 tuổi khác (xin giấu tên), xinh đẹp, khỏe mạnh, đang là sinh viên đại học năm thứ nhất, phải từ bỏ cuộc sống tươi đẹp sau 5 tháng nhập viện và biết mình bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối.
Bác sĩ chuyên phẫu thuật đại trực tràng Đơn Á Binh, Phó trưởng khoa ngoại Bệnh viện Trung Sơn, Chiết Giang (TQ) cho biết, thông tin người trẻ bị ung thư không còn mới, nhưng ông vẫn muốn thêm một lần nữa nói lại điều này khi chứng kiến những cái chết vô cùng đáng tiếc cứ tiếp tục tái diễn không chịu dừng lại.
(Ảnh minh họa)
Dấu hiệu bệnh đã xuất hiện từ 10 năm trước nhưng bị bỏ qua
Khoảng 10 ngày trước, anh Trương vô tình nhìn thấy máu kèm trong phân khi đại tiện. Một lượng khá lớn đã làm cho bồn cầu bị loang lổ màu đỏ, anh hơi giật mình lo sợ.
Hai ngày sau, anh nghĩ có thể đã bị trĩ "tấn công" nên nhanh chóng đến Bệnh viện Trung Sơn (TQ) để khám hậu môn, đại tràng.
Bác sĩ Đơn Á Binh nhìn anh Trương với vẻ mặt nghi ngại, trông anh còn khá trẻ, khỏe, chưa có biểu hiện ốm yếu hay thần thái xuống dốc. Tuy nhiên khi nội soi đại tràng phát hiện thấy có một khối u khoảng 5cm, kiểm tra bằng sinh thiết đã xác định các khối u đang trong giai đoạn giữa kỳ.
Hỏi lại lịch sử mắc bệnh, bác sĩ Binh cho rằng đây là một ca bệnh vô cùng đáng tiếc vì nguyên nhân gây bệnh đã cảnh báo từ rất lâu rồi.
Anh Trang nhớ lại khoảng 10 năm trước, khi vừa bước chân vào trường đại học, anh bắt đầu có triệu chứng của bệnh tiêu chảy, phân bất thường, không đóng khuôn, hầu như mỗi ngày đại tiện một lần phân lỏng như vậy.
Sau đó anh đi khám, bác sĩ cho rằng anh bị viêm đại tràng và cho thuốc điều trị. Anh có uống thuốc nhưng không liên tục, nhớ thì uống, quên lại thôi. Cảm thấy ngoài tiêu chảy ra, không có vấn đề gì khác nữa nên anh ngừng uống thuốc vì sợ tác dụng phụ, cứ thế thời gian trôi và anh lờ bệnh luôn.
Những năm sau đó, do học hành và công việc bận rộn, anh thức khuya, ăn uống thất thường hơn, ăn thức ăn nhanh thường xuyên và ăn ở ngoài cũng nhiều hơn ở nhà. Cứ như thế kéo dài cho đến khi đi ngoài ra máu nhiều như hiện tại.
Theo bác sĩ Binh, viêm đại tràng mãn tính nếu không điều trị có thể dẫn đến ung thư vì các tế bào viêm mãn tính đó vốn bình thường sẽ dần dần biến thành dị tính, tạo ra tế bào ung thư.
Mặc dù viêm đại tràng có thể dẫn đến ung thư, nhưng đây là một quá trình diễn ra rất chậm, thường mất 5-6 năm.
Anh Trương đã có dấu hiệu cảnh báo từ 10 năm trước, nhưng đã không nội soi đại tràng, thời gian trôi qua quá lâu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Nếu chỉ 5-7 năm trước mà đến bệnh viện để làm nội soi đại tràng, phát hiện bệnh và điều trị thì chắc chắn giờ anh không phải đối mặt với căn bệnh đã ở mức đe dọa tính mạng như thế này, bác sĩ Binh nhấn mạnh.
(Ảnh minh họa)
Mắc ung thư giai đoạn cuối, trái tim buộc phải ngừng đập sau 18 năm
Giống như anh Trương, cô gái 18 tuổi kể trên đang là sinh viên năm thứ nhất cũng buộc phải dừng lại việc học tập để điều trị ung thư giai đoạn cuối.
Cô gái này trước đó cũng có dấu hiệu bị tiêu chảy, nhưng không nghiêm trọng. Cho đến khi tiêu chảy gây giảm cân, đau bụng thì cô mới đi khám.
Bác sĩ Binh kể rằng, khi vào viện, kết quả khám bệnh của cô gái cho thấy, các khối u đã di chuyển vào toàn bộ khoang bụng, khối u trong đường ruột bị tắc nghẽn khiến cô cảm thấy vô cùng đau đớn.
Theo các bác sĩ thì việc phẫu thuật bóc tách để loại bỏ các khối u cho cô gái trở nên không thể thực hiện, khối u đã bị xâm lấn đến các mạch máu lớn, cắt đứt các khối u có nghĩa là gây chảy máu nghiêm trọng. Vì thế không thể tiếp tục điều trị.
Cuối cùng, các bác sĩ chỉ còn giải pháp là làm giảm nhẹ bệnh bằng các phương pháp giảm đau. Khoảng 5 tháng sau đó, cô gái trẻ đã phải bỏ lại tất cả, kể cả trái tim non trẻ mới chỉ đập được hơn 18 năm.
(Ảnh minh họa)
Khi phân có vấn đề bất thường kéo dài hơn 1 tháng là phải chú ý
Bác sĩ Binh lưu ý, ung thư đại tràng chỉ có ba triệu chứng không quá điển hình.
Thứ nhất là việc đại tiện hoặc khuôn phân thay đổi bất thường, bị tiêu chảy hoặc táo bón.
Thứ hai là đi ngoài ra máu hoặc có máu trong phân.
Thứ ba là đau bụng. Đa số người bệnh chỉ có dấu hiệu đầu tiên.
Theo bác sĩ Binh, chỉ cần có 1 trong 3 dấu hiệu trên, mà kéo dài khoảng 1 tháng trở lên, thì bạn nên cẩn thận đi khám để kịp thời điều trị. Nếu trong gia đình có người từng bị bệnh ung thư ruột kết, thì khả năng cao phải đi khám sớm hơn sau khi có triệu chứng.
Bởi nghiên cứu lâm sàng cho thấy, tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư sẽ khiến người trong nhà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường gấp 5 lần. Ông nội và người chú của anh Trương từng bị mắc ung thư đại tràng. Bố của cô gái 18 tuổi cũng từng là bệnh nhân ung thư.
(Ảnh minh họa)
Hơn một nửa số người bệnh bị viêm đại tràng là người trẻ tuổi
Bác sĩ Binh giải thích, công bằng mà nói thì bệnh viêm đại tràng tự phát sinh trong cơ thể do chức năng tự miễn dịch kém, không có nguyên nhân rõ ràng từ yếu tố ngoại cảnh, vì thế hệ miễn dịch của cơ thể là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Theo các thống kê lâm sàng cho thấy, người mắc bệnh về đại trực tràng phổ biến trong lứa tuổi từ 18-30 tuổi, tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc bệnh càng giảm.
Để tránh bệnh ung thư đại trực tràng và đường ruột nói chung, bạn cần thay đổi những thói quen xấu. Luôn quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe bản thân như khám bệnh định kỳ, hạn chế ăn cay, thực phẩm nướng, hút thuốc lá, lạm dụng rượu, căng thẳng tâm lý.
Đây là một trong những yếu tố nguyên nhân nền tảng gây viêm đại tràng, tiền thân của ung thư đại tràng.
Cố gắng duy trì một tâm trạng vui vẻ cũng rất quan trọng. Hầu hết các bệnh nhân viêm đại tràng thường cảm thấy khó chịu, trầm cảm. Đây cũng là lý do khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn.