Chưa cần hạ màn, châu Âu nếm đủ mùi Premier League khủng khiếp đến thế nào

Đặng Xá |

Mùa giải 2018/19 chứng kiến Premier League chấm dứt sự thống trị của La Liga với 4 suất dự 2 trận chung kết.

1. Trong thời đại Brexit, người Anh cai trị châu Âu. Lần đầu tiên trong lịch sử, 4 CLB của một quốc gia giành cả 4 tấm vé tham dự Champions League và Europa League. Điều đáng nói, 4 đội hiện diện ở hai trận chung kết là Liverpool, Tottenham, Chelsea và Arsenal. Tức không có Manchester City, nhà ĐKVĐ và đang đứng trước cơ hội bảo vệ chức vô địch.

Càng không có Manchester United, đội bóng giàu truyền thống nhất trong kỷ nguyên Premier League và là ngọn cờ đầu của xứ sở sương mù tại đấu trường danh giá nhất châu Âu kể từ khi bóng đá Anh hội nhập trở lại sau thảm họa Heysel.

Điều đó cho thấy tiềm năng của từng đội bóng. Man City hùng mạnh cỡ nào miễn bàn. Bốn đội góp mặt trong 2 trận tranh cúp châu Âu uy vũ ra sao cũng được thể hiện. Riêng Man United, đội bóng có lượng CĐV lớn nhất hành tinh thì càng không thể xem thường.

Chưa cần hạ màn, châu Âu nếm đủ mùi Premier League khủng khiếp đến thế nào - Ảnh 1.

Dẫu Man United thất bại, Premier League vẫn làm bá chủ tuyệt đối châu Âu.

Thực tế trong quá khứ từng xuất hiện 4 đội cùng một quốc gia tham dự chung kết các cúp châu Âu trong một mùa giải. Đó là Tây Ban Nha mùa 1961/62 với Real Madrid, Atletico Madrid, Valencia và Barcelona và Italia mùa 1989/90 với AC Milan, Sampdoria, Juventus và Fiorentina. Tuy nhiên, ở thời điểm đó UEFA còn tổ chức tới 3 giải là C1 (tiền thân của Champions League), C2 (UEFA Cup Winners' Cup, khai tử từ mùa 1999/2000) và C3 (UEFA Cup).

Tức tỷ lệ áp đảo tối đa một quốc gia tạo ra tạo ra trong quá khứ ở các trận chung kết cúp châu Âu là 66,7%. Trong khi đó với thể thức hiện tại với chỉ hai đấu trường, thành tích của người Anh là 100%. Nếu so với sự thống trị của La Liga trong vòng 5 năm qua thì thành công của Premier League có nền tảng vững vàng và đáng ngợi khen hơn nhiều.

Sự thành công của người Anh là quả ngọt được gieo trồng trong nhiều năm chứ không phải hiện tượng nhất thời. Điều đó không khó để nhận ra. Tính cạnh tranh và sự cống hiến đã giúp Premier League, giải đấu số một xứ sở sương mù trở thành giải VĐQG hấp dẫn nhất hành tinh. Từ chất lượng, thương hiệu cho tới sự kịch tính, Premier League đều không có đối thủ.

Chưa cần hạ màn, châu Âu nếm đủ mùi Premier League khủng khiếp đến thế nào - Ảnh 2.

Cụ thể, các sân bóng tại Premier League luôn phải hoạt động với 96,7% công suất. Ngược lại, ở La Liga, công suất hoạt động của các sân bóng chỉ đạt mức 75%. Tại bản xứ đã như vậy, thông qua truyền hình sự chênh lệch lại càng khủng khiếp, đặc biệt tại thị trường châu Âu. Bằng chứng là Premier League ngày càng thu hút nhiều người hâm mộ, đồng nghĩa tiền bản quyền truyền hình cứ thế tăng, tăng một cách phi mã.

Đơn cử mùa giải 2017/18 tổng số tiền bản quyền truyền hình Premier League là 2,8 tỷ euro. Trong khi đó, từ năm 2019 đến 2022, phí bản quyền truyền hình tăng gần như gấp đôi, lên tới 5,04 tỷ euro, một mỏ vàng thực sự cho các nhà đầu tư. Ngược lại, tại Tây Ban Nha tiền bản quyền truyền hình mùa trước chỉ ở mức 1,85 tỷ euro và ba ông lớn Barcelona, Real Madrid và Atletico Madrid đã chia nhau tới 1/4 (Barca 154 triệu euro, Real 148 triệu euro và Atletico 110 triệu euro).

Chưa cần hạ màn, châu Âu nếm đủ mùi Premier League khủng khiếp đến thế nào - Ảnh 3.

Bản quyền truyền hình đem về cho các CLB Premier League doanh thu khổng lồ.

2. Trở lại với Premier League, tiền bạc ê hề như vậy, không giải đấu nào chi nhiều tiền trên thị trường chuyển nhượng như Premier League. Tính riêng mùa giải này, 1,6 tỷ euro đã được các CLB chi ra để chiêu binh mãi mã, tạo ra sân chơi quy tụ những ngôi sao sáng giá nhất của bóng đá thế giới. Từ Eden Hazard, Paul Pogba, Sergio Aguero đến Aubameyang…

Cần biết, tại Tây Ban Nha, số tiền các đội bóng La Liga chi ra ở mùa 2017/18 là 1,018 tỷ euro, kỷ lục của giải đấu và chủ yếu tập trung ở Barcelona và Real Madrid.

Sự phồn vinh của Premier League cũng được thể hiện trên băng ghế chỉ đạo. Cụ thể, giải đấu này quy tụ các vị chiến lược gia của 11 quốc gia khác nhau đến so tài. Bao gồm 5 người Anh, 4 người Tây Ban Nha, 2 người Đức, 2 người Bồ Đào Nha, 1 người Italia, 1 người Na Uy, 1 người Argentina, 1 người Chile, 1 người Đan Mạch, 1 người Ireland và 1 người Bắc Ireland.

Chưa cần hạ màn, châu Âu nếm đủ mùi Premier League khủng khiếp đến thế nào - Ảnh 4.

Trong đó, Pep Guardiola, Mauricio Pochettino, Juergen Klopp hay Maurizio Sarri đều là những nhà cầm quân hàng đầu châu Âu hiện nay. Mỗi người một triết lý, mỗi người một phong cách và khiến Premier League càng trở nên đa dạng và hấp dẫn. Dĩ nhiên, chất lượng giải đấu cũng như trình độ cầu thủ cũng được tăng cao nhờ những nhà cầm quân tài danh như vậy. Và để dễ so sánh, tại La Liga thì có tới 17 HLV bản xứ, còn lại là 2 HLV Argentina và 1 Pháp trên băng ghế chỉ đạo.

Và điểm cuối cùng cần nhấn mạnh là sự phân minh về tiền bạc. West Brom, đội bóng xuống hạng sau mùa 2017/18 đã nhận 108 triệu euro tiền thưởng, thấp nhất Premier League. Trong khi đó, như đã đề cập, Barcelona, nhà vô địch La Liga cũng chỉ nhận 154 triệu euro. Bi đát hơn, những đội bóng nhược tiểu như Girona và Leganes, hai đội kiếm ít tiền nhất La Liga mùa trước chỉ nhận 43,3 triệu euro. Thế nên, đừng bất ngờ bởi sự phát triển không ngừng của Premier League.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại