Hình ảnh ông Lò Văn Muôn (46 tuổi, ngụ xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La ) dùng xe máy chở xác chị Lò Thị P. trên đường vào 12/9 khiến cộng đồng xôn xao.
Khi biết gia đình chị P. không có tiền thuê ôtô, nên phải đưa thi thể về nhà bằng manh chiếu quấn vội rồi vắt ngang xe thì ai cũng rơi nước mắt.
Tuy nhiên, cũng không ít người lo ngại việc đưa tử thi về nhà bằng cách này thì bệnh truyền nhiễm lây lan ra cộng đồng.
Chia sẻ với phóng viên, BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi Đồng 1, TP.HCM có những thông cảm đối với gia đình chị P.. và cũng lo ngại bệnh truyền nhiễm (nếu có) từ tử thi sẽ phát tán trên đường đi.
BS Khanh cũng tin rằng người nhà chị P. hay bất kỳ ai khác cũng không muốn làm như thế đối với người thân của mình. "Có thể họ đã đi đến đường cùng rồi", BS Khanh ngậm ngùi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh.
- BS có ý kiến như thế nào về hình ảnh người nhà bệnh nhân dùng xe máy chở tử thi về?
- Về nguyên tắc, nếu như người bệnh bị tử vong vì những bệnh thông thường, thì việc vận chuyển bằng cách trên chỉ gây nên sự lo sợ cho những người vô tình bắt gặp. Nhưng nếu như tử thi mắc bệnh truyền nhiễm như não mô cầu, lao,... thì rất nguy hiểm với cộng đồng, vì bệnh truyền nhiễm có thể phát tán trên đường đi, gây nguy hiểm cho xã hội.
- Khi một người mắc bệnh truyền nhiễm qua đời thì phải tiến hành các bước xử lý như thế nào?
- Nếu một bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tử vong, bệnh viện phải xử lý tử thi theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Tử thi phải được nhân viên của nhà đại thể bệnh viện vệ sinh, khử trùng,... thực hiện các bước khâm liệm, nhập quan.
- Theo BS, một bệnh nhân đang hấp hối xin về, lúc này bệnh viện có giải quyết không và vận chuyển bằng phương tiện nào?
- Khi một bệnh nhân bị bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao và tâm nguyện muốn về, thì gia đình có quyền xin làm thủ tục. Họ có quyền quyết định phương tiện vận chuyển nếu như người bệnh không mắc bệnh truyền nhiễm, có thể thuê xe của bệnh viện (tốn phí).
Trong trường bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm, bác sĩ phải có trách nhiệm giải thích cho gia đìnhh họ hiểu về sự nguy hiểm của bệnh cũng như sự lây lan trong cộng đồng. BS phải hướng dẫn để người thân phòng tránh và đưa ra những phương pháp an toàn trong khi vận chuyển. Nếu như người nhà vẫn cương quyết làm theo ý mình, bệnh viện có quyền cưỡng chế để điều trị.
- Trong thời gian hành nghề thầy thuốc, có khi nào BS có xung đột với người nhà bệnh nhân trong vấn đề vận chuyển tử thi, người mắc bệnh truyền nhiễm?
- Tất nhiên là có, nhưng phần lớn xung đột là vì tôi muốn giữ bệnh nhân ở lại điều trị.
Nhiều trường hợp tôi thấy bệnh nhân còn có thể điều trị, nhưng người nhà cương quyết đòi đưa về vì sợ họ tử vong ở bệnh viện. Từ đó tạo ra sự xung đột giữa thầy thuốc và người nhà bệnh nhân.
Nếu để lại điều trị, bệnh nhân qua khỏi thì vui rồi, nhưng nếu họ tử vong thì gia đình sẽ không kềm chế được mà chửi bới, thậm chí hành hung BS. Nhiều bệnh viện lo sợ điều này nên thường giải quyết cho bệnh nhân về nếu gia đình có yêu cầu.
Cũng không thể trách họ được, vì theo quan niệm của người Việt Nam, bệnh nhân thường muốn gặp lại tất cả người nhà trước lúc qua đời. Về mặt tâm linh, ai cũng muốn người thân của mình mất tại nhà.
Gia đình chị P. chở tử thi đi quãng đường 70km bằng xe máy.
- BS nghĩ như thế nào nếu như lại xuất hiện việc quấn chiếu chở tử thi về nhà?
- Bệnh nhân tử vong trên đường về thì không nói. Nhưng nếu tại khuôn viên bệnh viện xảy ra việc tương tự thì thực sự bất nhẫn.
Hiện nay, các bệnh viện cũng đã có phòng công tác xã hội, nếu như quá bế tắc, bệnh nhân hoặc người nhà có thể liên hệ trực tiếp tại đây để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Tôi khuyên người nhà bệnh nhân không nên có hành động như trên vì không chỉ ảnh hưởng đến bản thân, mà còn gây hoang mang, phán tán dịch bệnh cho cộng đồng, gây ra hậu quả nghiêm trọng.