Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy vừa nói rằng chính phủ nước này chính thức đề nghị Catalonia làm rõ khu vực này đã tuyên bố độc lập hay chưa sau khi Thủ hiến Catalonia là ông Carles Puigdemont có bài phát biểu đầu tiên vào ngày 10/10 – đúng 9 ngày sau cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi Tây Ban Nha vào ngày 1/10.
Trong bài phát biểu của Thủ hiến Puigdemont, ông nói rằng hàng triệu người Catalonia tin rằng khu vực này nên trở thành một nhà nước độc lập và đề nghị nhà chức trách khu vực tuyên bố chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, ông Puigdemont cũng nói rằng khu vực sẽ hoãn tuyên bố độc lập để tiếp tục đàm phán với Madrid.
Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy, sau một buổi họp nội các khẩn cấp vào ngày 10/10, đã tuyên bố rằng Madrid sẽ làm mọi điều có thể để ngăn cản Catalonia tách khỏi đất nước.
Thủ tướng Rajoy cũng yêu cầu việc tuyên bố độc lập cần được làm rõ trước khi các bước thực hiện điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha được thực hiện. Điều luật này cho phép chính phủ trung ương can thiệp vào công việc của các vùng tự trị giống như Catalonia.
Tuy nhiên, ông Rajoy không nói cụ thể Madrid có giành quyền kiểm soát trực tiếp Catalonia hay không.
"Câu trả lời từ Thủ hiến vùng Catalonia sẽ quyết định tương lai của các sự kiện, trong một vài ngày tới", Thủ tướng Tây Ban Nha nói.
Thực tế, không có một yêu cầu cụ thể nào về việc thực thi điều luật 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha.
Trong khi đó, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis đã kêu gọi các bên chấm dứt tranh cãi về cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia, đồng thời tôn trọng hiên pháp Tây Ban Nha.
Trước đó, các quan chức EU đã nói rằng những căng thẳng bắt nguồn từ cuộc trưng cầu dân ý trên là công việc nội bộ của Tây Ban Nha.
Cuộc trưng cầu dân ý đã bị bao phủ bơi những sự bê bối khi chính phủ trung ương ở Madrid cử lực lượng vệ binh quốc gia tới Catalonia để ngăn chặn người dân bỏ phiếu và đã xảy ra xô xát với các cử tri.
Kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy hơn 90% người đi bầu (tương đương 2,28 triệu người) đã ủng hộ việc tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Madrid không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý này.