Ngoài Catalonia, nhiều xứ châu Âu khác cũng muốn ly khai

An Huy |

Việc Catalonia muốn tách khỏi Tây Ban Nha để trở thành một quốc gia độc lập đang thu hút sự chú ý của dư luận thế giới những ngày này. Tuy nhiên, Tây Ban Nha không phải là quốc gia duy nhất ở châu Âu phải đối mặt với phong trào ly khai.

Hãng tin CNBC cho biết, các phong trào ly khai ở châu Âu diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau, từ những thị trấn nhỏ tới những vùng rộng lớn, với động cơ rất đa dạng từ sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa, cho tới nhứng lý do về kinh tế và lịch sử.

Một số phong trào ly khai chỉ nhằm mục đích giành thêm quyền tự trị từ chính phủ trung ương, nhưng cũng có những vùng như Catalonia muốn thứ duy nhất là độc lập.

Những quốc gia như Đức và Italy - nơi các bang có thể có ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử riêng biệt - thường có xu hướng có nhiều phong trào ly khai.

Đặc điểm địa lý cũng đóng một vai trò trong các phong trào ly khai, chẳng hạn như đảo Sicily hay quần đảo Faroe (nằm giữa Na-Uy, Scotland, và Iceland) và những bán đảo (như Cornwall ở phía Tây Nam nước Anh) thường muốn có quyền tự trị lớn hơn hoặc độc lập vì cảm giác bị “chia tách” và xa xôi từ trung tâm quyền lực.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, ông Willem Buiter, chuyên gia kinh tế trưởng của Citi, nói rằng “châu Âu của các xứ đang quay trở lại”. “Quá nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) có vấn đề ly khai, bao gồm Anh, Bỉ, Italy, và đây không phải là vấn đề của riêng nước nào”, ông Buiter nói.

Dưới đây là một số phong trào ly khai lớn hơn và đã kéo dài ở châu Âu được CNBC điểm qua:

Venice và Lombardy

Ngoài Catalonia, nhiều xứ châu Âu khác cũng muốn ly khai - Ảnh 1.

Hai vùng giàu có Venice và Lombardy của Italy đều có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 22/10 nhằm giành thêm quyền tự chủ từ chính phủ trung ương ở Rome. Cả hai vùng này đều có phong trào ly khai mạnh mẽ, chủ yếu xuất phát từ sự bất mãn của người dân cho rằng tiền đóng thuế của họ bị tiêu cho những vùng nghèo hơn ở phía Nam Italy.

Cũng giống như điều mà Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha làm đối với Catalonia, Tòa án Hiến pháp Italy đã chặn cuộc trưng cầu dân ý của Venice và Lombardy.

Cần lưu ý rằng Venice, thành phố nổi tiếng với sự lãng mạn thay vì chủ nghĩa dân tộc, mới chỉ trở thành một phần của Italy vào năm 1866.

Năm 2014, Venice đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không ràng buộc, trong đó 2,1 triệu công dân thành phố, tương đương 89% số cử tri đi bỏ phiếu, chọn độc lập. Nhiều cử tri Venice cho rằng tiền thuế của họ chảy về những vùng nghèo ở phía Nam, thay vì được dùng đầu tư cho Venice.

Flanders và Wallonia

Bỉ là một quốc gia bị chia tách giữa ba cộng đồng, ngôn ngữ và vùng miền khác nhau. Vùng Flanders và cộng đồng Flemish nằm ở phái Bắc của Bỉ, nơi tiếng Hà Lan hoặc tiếng Hà Lan-Bỉ, hay còn gọi là tiếng Flemish, được sử dụng. Trong khi đó, ở vùng Wallonia thuộc phía Nam, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính, còn vùng nói tiếng Đức nằm ở phía Đông của nước này.

Ở mỗi vùng trong ba vùng trên đều có những phong trào ly khai nhằm trở thành quốc gia độc lập. Những nhóm chính trị như Liên minh Flemish mới, một nhóm bảo thủ theo trường phái dân tộc chủ nghĩa đang chiếm thế áp đảo trong Quốc hội Bỉ, ủng hộ vùng Flanders tách dần khỏi Bỉ.

Trang Euronews nói rằng đảng trên gần đây thậm chí đã treo một lá cờ của xứ Catalonia bên ngoài trụ sở để thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào ly khai của xứ Tây Ban Nha này. Tổng bầu cử sẽ diễn ra ở Bỉ vào năm 2019, nên vấn đề độc lập cho vùng Flemish được dự báo sẽ không sớm lắng xuống.

Xứ Basque

Có một vùng của Tây Ban Nha chắc chắn đang theo dõi diễn biến ở Catalonia với mối quan tâm lớn. Đó là xứ Basque, một cộng đồng tự trị nằm ở khu vực bờ biển phía Bắc Tây Ban Nha.

Cũng giống như Catalonia, xứ Basque có ngôn ngữ và văn hóa riêng. Nhưng khác với Catalonia, Basque có một lịch sử với phong trào ly khai bạo lực và nhiều cuộc tấn công khủng bố được thực hiện bởi nhóm ly khai và dân tộc chủ nghĩa Eta. Phong trào vũ trang giành độc lập này kêu gọi ngừng bắn vào năm 2011 và đình chiến vĩnh viễn vào năm 2011.

Tuy vậy, các phong trào ly khai vẫn là một lực lượng đáng chú ý ở Basque. Gần đây, đảng ly khai lớn nhất vùng này là Đảng Dân tộc Basque bày tỏ hy vọng Basque có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập như Catalonia.

Nam Tyrol

Ngoài Catalonia, nhiều xứ châu Âu khác cũng muốn ly khai - Ảnh 2.

Vùng Nam Tyrol nằm ở cực Nam của Italy, còn có tên khác là Alto Adige, nhưng hoàn toàn không có chất Italy. Tiếng Đức là ngôn ngữ chính ở vùng này, và chỉ có khoảng 1/4 trong dân số 510.000 người của vùng nói tiếng Italy.

Dù đã là một tỉnh tự trị từ năm 1972 với mức độ tự quyết cao, Nam Tyrol vẫn có một phong trào ly khai muốn vùng này tách khỏi Italy và hợp nhất với Áo. Nam Tyrol là một phần của đế chế Áo-Hung cũ, nhưng sáp nhập vào Italy sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Scotland

Vào năm 2014, với sự phê chuẩn của Chính phủ Anh, Scotland đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập. Tuy nhiên, những người có chủ trương ly khai đã thua cuộc khi có tới 55% cử tri Scotland chọn tiếp tục là một phần của nước Anh. Mặc dù vậy, Đảng Dân tộc Scotland (SNP), chính đảng muốn Scotland độc lập, vẫn chưa từ bỏ hy vọng sớm hay muộn sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác.

Sau cuộc bỏ phiếu ở Catalonia hôm Chủ nhật tuần trước, thủ lĩnh SNP, bà Nicola Sturgeon, hiện là Thủ hiến Scotland, nói rằng “sức mạnh cảm giác” ở Catalonia “không thể bị phớt lờ”, nhưng nói thêm rằng các nhà ly khai và Chính phủ ở Madrid cần đàm phán.

Gần đây, bà Sturgeon đã tiến gần tới tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập thứ hai ở Scotland, nhưng đảng của bà lại bị mất một số ghế Nghị viện trong cuộc tổng bầu cử năm 2017.

Các nhà phân tích chính trị xem sự mất mát này là một dấu hiệu cho thấy cử tri Scotland không muốn có thêm một cuộc trưng cầu dân ý nữa về độc lập, nhất là vào thời điểm chưa lâu sau cuộc bỏ phiếu vào năm 2014.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại