Catalonia đòi độc lập: Thảm họa ngầm của Tây Ban Nha vì tình trạng "ông chẳng bà chuộc"

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Chính phủ Tây Ban Nha cự tuyệt đối thoại trực tiếp với Catalonia trong khi Catalonia vừa thúc đẩy việc tuyên bố độc lập vừa tỏ thiện chí đối thoại với chính phủ Tây Ban Nha.

Đất nước Tây Ban Nha hiện tại đang ở trong thời khắc định mệnh khi những ngày tháng này sẽ quyết định xứ Catalonia sẽ trở thành nhà nước độc lập mới hay tiếp tục là một phần của nhà nước Tây Ban Nha, khi chuyện ly khai của Catalonia sẽ được giải quyết dứt điểm hay tiếp tục là ung nhọt trên thân thể và tinh thần của Tây Ban Nha.

Với cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập riêng tổ chức ngày 1/10 vừa qua, chính quyền xứ Catalonia đã đi xa hơn từ trước tới nay trên con đường ly khai Tây Ban Nha và trong thực tế không còn có thể lùi.

Với cách thức cản phá bằng mọi giá và sử dụng cả bạo lực của cảnh sát để đối phó với cuộc trưng cầu dân ý này, chính phủ Tây Ban Nha cũng đã đi xa hơn mọi lần đối phó trước đó về mức độ quyết liệt và trên thực tế cũng không còn có thể lùi. Cả hai phía đã đâm lao nên giờ đều phải theo lao.

Đâm lao phải theo lao

Catalonia đòi độc lập: Thảm họa ngầm của Tây Ban Nha vì tình trạng ông chẳng bà chuộc - Ảnh 1.

Người dân xứ Catalonia kiên quyết đòi tách khỏi Tây Ban Nha. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Chính phủ Tây Ban Nha cự tuyệt đối thoại trực tiếp với chính quyền xứ Catalonia trong khi chính quyền xứ này vừa thúc đẩy việc tuyên bố độc lập cho Catalonia - rất có thể trong một vài ngày tới - vừa tỏ thiện chí đối thoại với chính phủ Tây Ban Nha.

Liên minh châu Âu EU đứng ngoài cuộc ngoài với một vài tuyên bố suông. Vua Tây Ban Nha Joan Carlos đã nhập cuộc nhưng đứng hẳn về phía chính phủ Tây Ban Nha, phê phán nặng nề chính quyền xứ Catalonia và không hề có lời nào hối thúc hai bên đối thoại cũng như lên án việc sử dụng bạo lực đối phó dân chúng ở Catalonia, như thế không giúp hoá giải và hoà giải giữa hai bên mà còn làm cho sự phân rẽ giữa đôi phía trở nên sâu sắc và trầm trọng hơn.

Bi kịch hiện tại của đất nước này là đấy và thảm hoạ đối với đất nước này rất có thể cũng sẽ xuất phát từ đó.

Nếu không bên nào chịu nhượng bộ thì tới đây sẽ xảy ra một trong hai kịch bản sau: chính quyền xứ Catalonia tuyên bố độc lập cho Catalonia và thành lập nước Cộng hoà Catalonia - như luật xứ này đã quy định và chính quyền Catalonia đã quả quyết - và phía chính phủ Tây Ban Nha không vận dụng điều 155 trong hiến pháp Tây Ban Nha để cản phá, cụ thể là tước bỏ các quyền tự trị cho Catalonia, bắt giữ giới chức lãnh đạo ở Catalonia và trực tiếp quản lý, kiểm soát Catalonia.

Kịch bản thứ hai là phía chính phủ Tây Ban Nha vận dụng điều 155 kia. Kịch bản nào xảy ra thì cũng đều không có chuyện hoá giải bất đồng, tiến hành hoà giải và hoà hợp dân tộc, đều làm cho khoảng cách giữa xứ này và chính phủ Tây Ban Nha rộng lớn thêm và khó khắc phục hơn.

Trong mọi trường hợp, đất nước Tây Ban Nha và xứ Catalonia đều không còn được như trước đây nữa và lịch sử cả hai nơi này đều có bước chuyển giai đoạn. Hiện tại, mọi sự chú ý ở trong cũng như bên ngoài Tây Ban Nha đều chỉ tập trung vào chuyện xứ Catalonia có tuyên bố độc lập hay không và chính phủ Tây Ban Nha sẽ đối phó như thế nào.

Mọi tác động, hậu quả và hệ luỵ của toàn bộ vụ việc, cho trước mắt cũng như về lâu dài, đều chưa được suy tính kỹ càng và bàn thảo thấu đáo, trong đó đặc biệt là vấn đề mối quan hệ của Catalonia với EU và Nato trong tương lai cũng như tác động của chuyện xứ này ly khai Tây Ban Nha tới trào lưu ly khai ở những nơi khác trong EU và trên khắp châu Âu.

Catalonia đòi độc lập: Thảm họa ngầm của Tây Ban Nha vì tình trạng ông chẳng bà chuộc - Ảnh 2.

Chuyện ly khai như ở xứ Catalonia luôn là chuyện phức tạp về pháp lý quốc gia và quốc tế, luôn nhạy cảm về tâm lý bởi liên quan đến quyền tự quyết của các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo và văn hoá. Tây Ban Nha và Catalonia xô đẩy nhau vào tình cảnh hiện tại xem ra vì ba lý do chính.

Thứ nhất, sự khác biệt giữa Catalonia và Tây Ban Nha về lịch sử, tôn giáo, văn hoá và sắc tộc từ xa xưa đến nay vốn đã quá lớn và rõ ràng mà các thời chính quyền trung ương ở Tây Ban Nha đều không quan tâm đúng mức và xử lý thoả đáng kịp thời.

Vì thế, ý nguyện độc lập của người dân ở xứ này không những không nguôi ngoai mà luôn âm ỉ, không những không suy giảm mà ngày càng thêm tăng khiến cho sự bùng phát thành phong trào đấu tranh giành nền độc lập riêng chỉ là vấn đề thời gian.

Thứ hai, liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi ở Catalonia, chính phủ Tây Ban Nha đã sai lầm nghiêm trọng với đối sách đã được vận dụng.

Đối sách ấy phù hợp với luật pháp hiện hành ở Tây Ban Nha nhưng hoàn toàn lợi bất cập hại và phản tác dụng trên phương diện tranh thủ bộ phận dân chúng ở Catalonia không tán thành ly khai và cô lập phe ly khai cũng như trên phương diện ngăn cản ngay từ đầu cuộc trưng cầu dân ý bằng đối thoại trực tiếp và thương thảo lại với chính quyền Catalonia về quyền tự trị cho xứ này, tức là lẽ ra phải phòng bệnh chứ không để bệnh bùng phát rồi mới vội vã cứu chữa bằng mọi giá.

Thứ ba là hệ luỵ hay cũng có thể nói là khiếm khuyết của luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế ghi nhận và coi trọng quyền tự quyết nhưng đồng thời cũng xác nhận tính bất khả xâm phạm của chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Khắc phục mâu thuẫn này không đơn giản chút nào và càng không thể khắc phục được bằng bạo lực, cưỡng bức và áp đặt.

Cho nên phía trước là tương lai bất định cho cả Tây Ban Nha lẫn Catalonia.

Cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia đang gây lo ngại cho Tây Ban Nha và châu Âu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại