Nền văn hóa khác biệt
Catalonia là một khu vực có nền văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử riêng biệt ở Tây Ban Nha (TBN). Được nhắc tới trong sử sách lần đầu tiên vào thế kỉ 12, Catalonia đã tồn tại khoảng hơn 250 năm trước khi chính thức gia nhập TBN vào ngày 11/9/1714.
Từ đó, ngày 11/9 hàng năm được người dân xứ Catalan chọn làm "ngày quốc khánh," nhưng không phải để kỉ niệm chiến thắng, mà nhằm gợi nhớ lại sự thất bại của quân đội Catalan trước 14 tháng công thành Barcelona của vua Philip V thuộc vương triều Bourbon, TBN. Đây cũng là ngày đánh dấu Catalonia không còn là một xứ độc lập, có chủ quyền.
Dưới thời chính phủ của tướng Franciso Franco, trong giai đoạn từ 1939-1975, văn hóa Catalan bị chèn ép nặng nề.
Những biểu tượng đặc trưng của xứ Catalan như "tháp người" bị cấm đoán nghiêm ngặt và cha mẹ buộc phải đặt tên TBN cho con.
Tháp người, hay "Castells", là một biểu tượng của xứ Catalan. Ảnh: Xinhua
Theo Sergi Mainer, giảng viên văn hóa Catalan tại Đại học Edinburgh, sau khi lên làm Quốc trưởng Tây Ban Nha, tướng Franco không cho phép sử dụng tiếng Catalan tại các nơi công cộng.
"Các cuộc đàn áp diễn ra khắp Tây Ban Nha, nhưng ở Catalan là nặng nề hơn cả."
Tuy vậy, ngày hôm nay, tiếng Catalan vẫn được ít nhất hơn 4 triệu người sử dụng, và được dạy ở mọi trường tiểu học tại Catalonia. Từ văn hóa, kinh tế cho tới bóng đá, người Catalan luôn thể hiện nét riêng biệt. Họ nói cả tiếng Catalan và TBN, và nhiều người tự coi mình là người Catalan trước khi nhận là người TBN.
Kinh tế mạnh mẽ
Nền kinh tế Catalonia phát triển mạnh trong những năm thập kỉ 70, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp nặng và du lịch. Khi tướng Franco qua đời vào năm 1975, TBN lập lại nền dân chủ vào năm 1978, cho phép các khu vực tự trị có thêm nhiều quyền hạn, trong đó có Catalonia.
Việc phân quyền này nhằm tránh sự việc tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một tổ chức hoặc một cá nhân nhất định.
Kể từ đó, Catalonia đã nhiều lần đòi hỏi nhiều quyền tự trị hơn từ TBN, mong muốn thay đổi các điều khoản trong bộ luật về Quy chế Tự trị nhưng đều bị Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha khước từ.
Trận công thành ngày 11/9/1714, kết thúc nền độc lập của Catalonia. Ảnh: FemTurisme
Trong những năm gần đây, đường hướng đòi độc lập của Catalan đã bắt đầu trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt từ sau khi nợ công ở TBN đạt mức kỉ lục trong năm 2008.
Trả lời Al Jazeera, ông Lluis Orriols Galve, giáo sư ngành chính trị tại Đại học Madrid, nhận định: "Kể từ thời điểm đó, người dân Catalan đòi hỏi nhiều quyền tự quản hơn và mong muốn được quản lí tiền họ làm ra."
Những người ủng hộ độc lập ở Catalonia cho rằng, khu vực này đem lại cho TBN nhiều tiền hơn khoản nhận lại được từ chính quyền Madrid. Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, một nền kinh tế mạnh cũng là nguyên nhân khiến Catalonia tự tin hơn trong vấn đề độc lập.
Theo các báo cáo kinh tế, hiện tại, dân số Catalonia chiếm 16% tổng số dân TBN trong khi đóng góp tới 19% GDP cho quốc gia này. Nền công nghiệp Catalonia đã liên tục tăng trưởng trong vòng 20 năm qua với ngành hàng hải, giao dịch dệt may.
Tới nay, ngành kinh doanh, dịch vụ và sản phẩm công nghệ cao cũng đem lại nguồn lợi khổng lồ cho Catalonia. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nếu xứ sở này trở thành một quốc gia, nó sẽ là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới.
Quyết liệt đòi ly khai
Những cuộc bỏ phiếu đòi quyền độc lập chưa bao giờ được chính quyền TBN công nhận.
Tháng 9/2014, quốc hội Catalan thông qua kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc độc lập. Artus Mas, lãnh đạo Catalonia thông báo cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 9/11. Phản ứng trước việc này, tòa án TBN phản đối quyết liệt và cho biết sẽ chặn đứng mọi nỗ lực tổ chức trưng cầu.
Tuy nhiên, sau khi lắng nghe đề nghị từ các bên, cuộc bỏ phiếu vẫn được diễn ra, với cùng câu hỏi về quyền độc lập của Catalonia, nhưng không được chính phủ trung ương TBN công nhận, dù hơn 80% người dân Catalan bỏ phiếu thuận.
Trong cuộc trưng cầu mới đây, bạo lực và căng thẳng lại một lần nữa nổ ra giữa TBN và Catalonia khi người dân kiến quyết trụ tại các điểm bầu cử và vấp phải sự kiểm soát nghiêm ngặt của lực lượng cảnh sát TBN.
Hàng nghìn người Catalonia biểu tình đòi quyền độc lập. Nguồn: Euronews
Theo tòa án tối cao TBN, các lá phiếu đòi độc lập đều là phạm pháp vì đã có lệnh yêu cầu ngừng bỏ phiếu. Dù vậy, hàng triệu lá phiếu vẫn được ghi nhận, với mức độ tán thành độc lập lên tới 93%.
Theo Reuters, chính quyền Catalan sẽ dời ngày đơn phương tuyên bố độc lập sang 9/10. Vua TBN Felipe VI đã lên án giới chức trách Catalonia và gọi đây là hành động vô trách nhiệm.
Tuy nhiên, không phải người dân Catalan nào cũng ủng hộ độc lập. Jorge Amado, chủ tịch tổ chức Somos Todos của người Catalan, bày tỏ: "Cuộc trưng cầu dân ý này không hề có ý nghĩa về mặt pháp luật. Khi các lá phiếu không được đảm bảo độ xác thực, tốt hơn hết là không nên bỏ phiếu."