Trong phiên xét xử thứ 2 ngày 16/5/2018 vụ án chạy thận nhân tạo làm 8 người chết ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, HĐXX có đặt câu hỏi cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc: Tại bút lục số 1522 về Biên bản bàn giao thiết bị sửa chữa lập vào hồi 18h35 phút ngày 28/5/2017, có phải chữ ký của bị cáo tại phần của người đại diện cho Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn không?
Bị cáo Quốc khẳng định: Ngày 28/5, bị cáo này không ký bất cứ một biên bản nào cả và không biết biên bản bàn giao thiết bị là do ai lập.
Cùng câu hỏi tương tự, HĐXX dành cho bị cáo Trần Văn Sơn, bị cáo Sơn lại khẳng định đúng chữ kí của bị cáo, hai biên bản do bị cáo lập, được lập sau, và có chữ ký của bị cáo Quốc.
Tòa hỏi, mục đích của việc gian dối này là gì? Sơn giải thích, là vì theo quy định trước và sau khi sửa chữa đều phải có biên bản, giữa hai bên là đơn vị sửa chữa và đại diện bệnh viện. Sơn cũng khẳng định, chữ ký đúng là của bị cáo Bùi Mạnh Quốc, chứ không có ai ký thay, nhưng là ký sau ngày 28/5/2017, sau khi sự cố xảy ra mới lập biên bản này, để hoàn thành thủ tục.
Các bị cáo tại phiên tòa. Từ phải sang: Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn, Hoàng Công Lương. Ảnh: Như Hoàn.
Tình tiết về biên bản bàn giao nêu trên lập tức gây "sốc" với dư luận.
Trao đổi với phóng viên về chi tiết này, luật sư Lê Văn Thiệp, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, đánh giá: Bản thân đại diện công ty Trâm Anh (mà ở đây là bị cáo Quốc) đến sửa chữa máy mà không có hợp đồng với công ty Thiên Sơn, bản thân công ty Thiên Sơn cũng không thông báo lại, khoa cũng không biết gì về hợp đồng này.
Vì vậy, chi tiết đó "không có lý do gì mà gây bất lợi cho BS Lương được"!
Thậm chí theo luật sư, nếu như biên bản bàn giao đó thật sự làm sau khi sự cố 8 người tử vong xảy ra, thì cần phải khởi tố vụ án về hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức, quy định tại điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009.
Vì hợp đồng lập sau, tức là từ trước tới nay đều không có điều khoản xét nghiệm, mà sau này lại có một điều khoản về xét nghiệm - mà chính bác sĩ không có hợp đồng đó, thì làm sao bác sĩ người ta biết được trách nhiệm của người ta?
Thứ hai là bác sĩ cũng không được giao để thực hiện, thì làm sao người ta phải làm, không có ai đi làm việc mà người khác không giao cho mình!
Trong trường hợp này, vì đang là tình thế cấp thiết, là đi chữa bệnh chứ không phải đi chơi theo kiểu bác sĩ hôm nay không làm thì về đi du lịch, ngày mai đến làm tiếp được.
"Đây là bệnh nhân chạy thận, nếu xảy ra tử vong thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Ở đây bác sĩ của chúng tôi đã thực hiện đúng và đủ trong quy chế khám chữa bệnh được ban hành kèm theo quyết định 1895 của Bộ y tế năm 1997" - Luật sư Thiệp nói.
Từ đó, ông cho rằng nếu như có hành vi làm giả giấy tờ tài liệu như trên, thì đó là trách nhiệm của những người liên quan, bắt buộc phải khởi tố vụ án, vì hành vi đó là gây nguy hiểm cho xã hội.
Luật sư Thiệp cho biết, theo tinh thần cải cách tư pháp có nguyên tắc suy đoán vô tội. Nhưng trong trường hợp này, ông nhận thấy HĐXX và đại diện Việm kiểm sát đang làm ngược lại, tức là tất cả các câu hỏi đều theo hướng buộc tội bác sĩ Lương.
Trong trường hợp này, phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội, nếu như con người không thay đổi về nhận thức mà lúc nào cũng có tâm thế buộc tội thì việc xét xử hay tranh tụng không có ý nghĩa gì cả.
Về lựa chọn quyền im lặng của bị cáo Hoàng Công Lương, luật sư Lê Văn Thiệp cho biết thêm: "Theo quan điểm của chúng tôi, hôm nay thân chủ im lặng là liên quan đến việc sắp tới chúng tôi sẽ công bố những tài liệu liên quan đến việc mà HĐXX và Viện kiểm sát buộc tội BS Lương là không khách quan".