Xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương: Truy trách nhiệm những cá nhân bị triệu tập

PV |

Trước việc người bị triệu tập khai tại tòa nội dung khác với lời khai tại CQĐT, đại diện Viện Kiểm sát hỏi người bị triệu tập là “có thù oán gì với bác sỹ Hoàng Công Lương hay không?”.

“Đừng hỏi vì sao tôi khủng hoảng!”

Tại phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo Trần Văn Sơn, Bùi Mạnh Quốc, chiều 16/5 đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa tập trung làm rõ lời khai của những cá nhân được triệu tập đến phiên tòa.

Cũng như trong phần xét hỏi vào buổi sáng, ông Hoàng Đình Khiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, kiêm nhiệm Trưởng khoa Hồi sức tích cực – khẳng định việc giao nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo cho bác sỹ Lương tại cuộc họp giao ban cuối năm 2015. 

Việc phân công này không có quyết định nào của bệnh viện, nhưng giao trong buổi họp của khoa cuối năm nên ai cũng biết.

Trong khi đó, trả lời tại cơ quan CSĐT, điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp khai nội dung cuộc họp giao ban cuối năm 2015 có ghi trong sổ giao ban của Khoa Hồi sức tích cực, trong đó có nội dung giao bác sỹ Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. 

Về biên bản bàn giao sau khi sửa chữa thiết bị, cũng được ghi trong sổ giao ban. Những lời khai này gây bất lợi cho bác sỹ Hoàng Công Lương.

Đại diện VKS: “Chị có thù oán gì với bác sỹ lương không? Tại sao khi chưa kiểm chứng mà đã dám khai như thế với cơ quan điều tra?”. Tuy nhiên trước nghi ngờ có sự sửa chữa về nội dung trong sổ giao ban, đại diện VKS hỏi bà Đỗ Thị Điệp “có nhớ nội dung ghi trong sổ giao ban hay không”. Bà Đỗ Thị Điệp trả lời: “Không nhớ”.

- Bà Đỗ Thị Điệp: “Cái này do sơ suất của tôi, tôi thấy có sổ giao ban nên nghĩ là bác sỹ Lương phụ trách. Sau khi hỏi lại mọi người thì mọi người nói với tôi là không có”.

Được biết, trong giai đoạn chờ xét xử, bà Đỗ Thị Điệp đã có đơn đề nghị gửi HĐXX và VKS với nội dung biên bản bàn giao thiết bị sửa chữa ghi là thực hiện vào tối 28/5/2017 và bà Điệp có ký vào biên bản đó. Nhưng thực tế biên bản đó được lập vào ngày 29/5 và được bà Điệp ký vào tối 29/5 (mục đích để hợp thức hóa quy trình và việc này chỉ được thực hiện sau khi sự cố y khoa làm 8 người chết xảy ra).

“Đây là lần đầu tiên tôi ký biên bản bàn giao việc sửa chữa thiết bị”, bà Đỗ Thị Điệp nói.

Trả lời câu hỏi của VKS, ông Đinh Tiến Công, Điều dưỡng Trưởng, Khoa Hồi sức tích cực, khẳng định cá nhân ông cũng “không có thù oán gì với bác sỹ Lương”. Ông Công cho biết Biên bản cuộc họp của khoa cuối năm 2015 và năm 2016 là do chính ông Công ghi.

“Sau khi ghi xong, sổ đó được lưu giữ tại phòng Hành chính của khoa. Quyển sổ này tôi có giao nộp cho cơ quan điều tra. Và xác nhận sổ vẫn y nguyên, không có tẩy xóa, sửa chữa, cuối cuốn sổ đó có chữ ký của tôi sau cuộc họp diễn ra. Kết thúc cuộc họp đó chủ tọa cũng ký luôn”.

Trong nội dung cuộc họp đó có nội dung phân công bác sỹ Lương phụ trách chuyên môn tại đơn nguyên thận nhân tạo, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hằng phụ trách điều dưỡng đơn nguyên thận, bác sỹ Hoàng Công Tình phụ trách đơn nguyên Hồi sức tích cực. Cuộc họp đầu năm 2016 ghi trong sổ là “phân công nhiệm vụ không thay đổi”.

Xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương: Truy trách nhiệm những cá nhân bị triệu tập - Ảnh 1.

Đại diện VKS tại phiên tòa.


VKS sau đó đã hỏi bác sỹ Hoàng Công Tình, chú ruột của bác sỹ Hoàng Công Lương và là người được phân công nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên Hồi sức tích cực. Ông Tình khẳng định cuộc họp khoa cuối năm 2016 do ông chủ trì và ký xác nhận ngay sau buổi họp. Nội dung cuộc họp là đánh giá, phân loại cán bộ viên chức cuối năm.

Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, ông Tình khai nội dung cuộc họp cuối năm 2016 là đánh giá phân loại viên chức, triển khai nhiệm vụ năm 2017, trong đó có kết luận phân công nhiệm vụ như năm 2016.

Tại phiên tòa này, ông Hoàng Công Tình thay đổi lời khai khi khẳng định việc phân công nhiệm vụ phụ trách thuộc về lãnh đạo khoa, bản thân ông không phân công.

“Khi khai báo với CQĐT tôi bị khủng hoảng.” bác sỹ Hoàng Công Tình nói.

VKS hỏi lý do tại sao lại “khủng hoảng”, ông Tình nói: “8 bệnh nhân của tôi chết, ngày nào tôi cũng bị bệnh nhân gọi điện hỏi bao giờ có máy chạy thận. Sự cố này là điều chưa từng có trong y học thế giới. Tôi trụ được đến ngày hôm nay để ở đây khai báo là một cố gắng rất lớn. Đến bây giờ tôi vẫn đang khủng hoàng và đừng bao giờ hỏi tại sao tôi khủng hoảng”.

Ông Hoàng Công Tình cũng khẳng định, trong số 3 bác sỹ tại đơn nguyên thận nhân tạo, tất cả đều được phép ra y lệnh chứ không riêng gì Hoàng Công Lương.

Điều dưỡng cũng phải có trách nhiệm?

Nói về sự cố y khoa xảy ra ngày 29/5/2017, bác sỹ Hoàng Công Tình cho rằng bản thân ông “không chỉ làm làm hết trách nhiệm mà đã làm hết sức mình” trong việc cứu chữa bệnh nhân.

Trong khi đó, Phó Giám đốc bệnh viện Hoàng Đình Khiếu cho biết, khi sự việc xảy ra, ông đã gọi điện cho Khoa thận, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) xin ý kiến và được tư vấn cần chuyển bệnh nhân đến một một đơn vị lọc máu nào khác để xử lý cho bệnh nhân, do thời điểm đó dù chưa xác định được nguyên nhân nhưng các bác sỹ BVĐK tỉnh Hòa Bình đã không dám tiếp tục sử dụng hệ thống lọc nước RO của bệnh viện.

“Vì số lượng bệnh nhân đông nên chúng tôi liên hệ với Bệnh viện đa khoa Thành phố Hòa Bình, họ nói tầm 11h trưa mới có máy chạy thận. Vào thời điểm đó, bệnh viện thành phố có 4 máy chạy thận.”, ông Hoàng Đình Khiếu nói.

“Bác sỹ bệnh viện Bạch Mai nói nếu rửa lại đường ống thì có thể tiếp tục sử dụng máy chạy thận của bệnh viện chúng tôi, nhưng việc rửa lại đường ống rất mất thời gian và không chắc chắn rửa xong nước có tốt không, nên chúng tôi không thực hiện phương án này” (được biết, sau khi rửa đường ống, cần phải 2-3 tiếng sau đó mới có thể cho hoạt động trở lại).

Xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương: Truy trách nhiệm những cá nhân bị triệu tập - Ảnh 2.

HĐXX phiên tòa.


Cũng theo ông Khiếu, khi sự cố xảy ra, hầu hết bệnh nhân đã được cách ly ra khỏi máy chạy thận. Giám đốc bệnh viện chỉ đạo ông Khiếu mời bác sỹ ở tất cả các khoa đến hỗ trợ, trong đó chủ yếu là các bác sỹ khoa Hồi sức cấp cứu.

“Cùng lúc đó, một só bệnh nhân ngừng tim, không biết nguyên nhân do đâu nên tôi đã gọi điện xuống Bệnh viện Bạch Mai xin ý kiến tư vấn. Trách nhiệm của tôi là tôi đã làm hết sức nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, nên tôi nghĩ là tôi đã làm tròn trách nhiệm.”, ông Hoàng Đình Khiếu nói.

Tiếp tục làm rõ vai trò của điều dưỡng Đỗ Thị Điệp, theo lời khai của bà Điệp trước tòa: “Chiều 28/5/2017 khi Sơn (bị cáo Trần Văn Sơn, nhân viên Phòng Vật tư – Thiết bị) gọi cho tôi báo rằng hệ thống nước đã sửa chữa xong, chị vào khóa cửa cho em. Tôi có hỏi là còn gì nữa không em, Sơn nói đã xong hết rồi, sáng mai các chị có thể cho hoạt động bình thường, các kỹ sư vẫn còn ở đây.”

Theo cách hiểu của bà Điệp, việc Sơn nói như vậy là hệ thống đã có thể hoạt động bình thường trở lại. Do đó, đầu giờ sáng 29/5 (ngày xảy ra sự cố), bà Điệp thông báo với mọi người trong khoa về việc này.

Tuy nhiên, đại diện VKS đặt câu hỏi, tại sao trong cuộc gọi Sơn có nói “các kỹ sư vẫn còn ở đây” (theo lời khai của bà Điệp) mà bà Điệp đã “dám” khẳng định là hệ thống lọc RO đã hoạt động bình thường?

Trước câu hỏi này, bà Điệp tỏ ra lúng túng và trả lời một cách quanh co: “Theo tôi hiểu các anh kỹ sư vẫn còn ở đây để đảm bảo các anh đã sửa chữa xong. Tôi không thể giải thích rõ được tại sao anh Sơn nói như thế.”

Bà Điệp cũng khẳng định trong buổi sáng 29/5 khi thông báo việc sửa chữa đã sửa xong, có mặt bác sỹ Lương ở đó. Bà Điệp cũng cho biết tại đơn nguyên thận nhân tạo các bác sỹ có nhiệm vụ như nhay, ai cũng có thể ký vào đề nghị sửa chữa thiết bị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại