Cảnh báo ca đột tử có xu hướng tăng

THUỲ DƯƠNG |

Các ca đột tử ghi nhận tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM có xu hướng tăng lên. Trước đây, những trường hợp bị đột tử thường tử vong tại nhà nên ít được thống kê.

Cảnh báo ca đột tử có xu hướng tăng - Ảnh 1.

PGS Kim Quế đang khám cho bệnh nhân bị đột quỵ - Ảnh: Q.LÂN

"Những người dễ có nguy cơ bị đột tử là những người bị bệnh về tim mạch, cao huyết áp, có rối loạn về chuyển hóa bị mỡ máu, bị tiểu đường, người thừa cân, người bị áp lực về tâm lý nhiều...." - PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, cho biết như vậy.

Ca đột tử có xu hướng tăng

BS Đỗ Kim Quế lý giải đột tử là chết đột ngột. Trước đây những trường hợp chết không rõ nguyên nhân được gọi là đột tử, dân gian hay gọi là "trúng gió" mà chết. Hiện nay, phần lớn những người đột tử đều liên quan đến đột quỵ. Trong đột quỵ có đột quỵ não và đột qụy tim.

Đột quỵ khác với đột tử. Đột quỵ là ngã gục, còn đột tử là chết ngay. Những trường hợp đột tử chỉ mổ thi thể mới tìm được nguyên nhân, nếu không mổ thi thể có thể dựa vào các triệu chứng lâm sàng của người bị đột tử mà nghĩ nhiều đến nguyên nhân gây ra đột tử. Ví dụ thử máu thấy men tim tăng thì có thể nguyên nhân gây đột tử là do nhồi máu cơ tim.

Các ca đột tử ghi nhận tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM có xu hướng tăng lên. Trước đây, những trường hợp bị đột tử thường không được đưa đến bệnh viện, vì nghĩ không cứu được nữa.

Còn ngày nay do thông tin y khoa nhiều hơn, người nhà bệnh nhân biết bệnh viện vẫn có thể cứu sống một số trường hợp dù đã ‘’ngưng tim, ngưng thở’’. Do vậy, số bệnh nhân bị đột tử được đưa đến bệnh viện điều trị nhiều hơn ngày trước.

Trước đây, những người bị đột quỵ não thường uống An cung ngư hoàng hoàn để thông mạch. Tuy nhiên, theo PGS Kim Quế, đột quỵ có nhiều dạng như vỡ mạch máu, nghẹt mạch máu não... Với hai dạng này thì phải dùng thuốc khác nhau.

Do vậy, không thể uống thuốc theo mách bảo hoặc kinh nghiệm, mà phải theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá đột quỵ do nguyên nhân gì, từ đó sẽ có chỉ định thuốc cho bệnh nhân.

Xử trí tại nhà thế nào?

Trường hợp gia đình có người nhà không may bị đột quỵ, gục xuống thì người nhà cố gắng liên hệ với 115 càng sớm càng tốt để nhân viên y tế tới kịp thời.

Trong giai đoạn khẩn cấp này, người nhà cần ngửa cổ người bệnh giúp cho người bệnh thở được, không để người bệnh bị cắn vào lưỡi, xoay đầu người bệnh sang một bên để không bị sặc vào trong phổi.

Cho người bệnh ở chỗ thoáng mát trong khi xử lý ban đầu, không nên cho người bệnh uống thuốc, uống nước chanh... có thể có hại cho người bệnh.

Với những người có bệnh nền như bệnh cao huyết áp, nên kiểm tra huyết áp, nếu huyết áp tăng cao quá cần cho uống thuốc để hạ huyết áp.

Những người có bệnh tiểu đường mà bị đột quỵ, khi lấy máy thử đường để thử máu thấy đường huyết hạ thấp quá thì cần cho người bệnh ăn, uống, ngậm kẹo để đường huyết tăng trở lại...

"Tất cả các loại thuốc đều là con dao hai lưỡi. Nếu dùng thuốc đúng sẽ cứu sống được người bệnh, còn không sẽ làm người bệnh chết nhanh hơn. Cho nên phải hiểu bệnh của mình mới dùng thuốc đúng được, chứ không được theo những chỉ dẫn trên mạng.

Ngay cả cùng một bệnh như nhồi máu cơ tim cũng không thể dùng thuốc giống nhau vì còn tùy thuộc vào cơ địa của người bệnh, người bệnh có bệnh nền hay không..." - PGS Kim Quế nhấn mạnh.

Những dấu hiệu báo trước có thể bị đột quỵ

Theo PGS Kim Quế, trong đột quỵ thông thường có hai dạng, nặng nhất đó là đột quỵ tim và đột quỵ não.

Đột quỵ tim sẽ có những dấu hiệu báo trước như đau thắt ngực, không thở được. Do vậy, thỉnh thoảng khi thấy ngực nhói đau, thở nặng, thiếu hơi thở cần đi khám bác sĩ tim mạch để xem có bệnh lý về mạch vành không, để điều trị.

Còn những cơn nhồi máu cơ tim thường xuất hiện khi gắng sức, hoặc khi nhận những tin buồn quá hay vui quá người bệnh có thể bị đau nhói ngực, thắt ngực, muốn ngất xỉu, da xanh... Người bệnh cần phải tìm cách đến ngay bệnh viện, không nên uống thuốc, chữa bằng các mẹo ở nhà vì có thể mất cơ hội được cứu sống.

Đa phần các trường hợp đột quỵ não là bị nghẽn các mạch máu nuôi não. Thường người bệnh sẽ có các dấu hiệu như bị mất ý thức, không nhận thức được, mắt bị tối sầm như bị mù mắt thoáng qua, hoặc tự nhiên bị yếu, tê một bên người như đang cầm cây bút mà cây bút bị rớt xuống mà không kiểm soát được, méo miệng, không nói rõ được.

Đây là những biểu hiện thiếu máu não. Người bệnh cần đến ngay bác sĩ tim mạch, bác sĩ thần kinh để xem có bị tổn thương mạch máu hay không.

Những trường hợp bị đột quỵ não, nhồi máu cơ tim đều có thể phòng ngừa được nếu được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và được điều trị kịp thời.

Do vậy, cần phải lưu ý đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để xem có mắc bệnh gì hay không? Nếu mắc bệnh sẽ điều trị kịp thời để tránh nguy cơ bị đột quỵ, đột tử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại