Đó là một trong những nội dung được PGS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương TPHCM nêu lên trong buổi giám sát của HĐND TPHCM về đề án y tế thông minh tại bệnh viện, diễn ra sáng nay, 19/10.
Theo đó, Đề án Y tế thông minh được UBND TPHCM phê duyệt vào cuối tháng 7/2021 cho giai đoạn 2021 đến 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đề án hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách thông minh, lấy người bệnh làm trung tâm, tạo thuận lợi cho người dân sử dụng thông tin một cách chính thống trong hoạt động khám chữa bệnh.
PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương trình bày những khó khăn khi phát triển đề án y tế thông minh
Ngành y tế được giao nhiệm vụ phát triển nền tảng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số trong lĩnh vực y tế theo hướng hiện đại, thông minh. Nguồn kinh phí được đầu tư cho dự án trong giai đoạn 2021 đến 2025 là hơn 4.850 tỷ đồng. Hiện Sở Y tế TPHCM đang gấp rút triển khai các hoạt động chuyển đổi số theo mục tiêu của đề án, tuy nhiên thực tế triển khai đang đối mặt với nhiều khó khăn.
PGS Diễm Tuyết cho biết, sau hơn một năm triển khai, Bệnh viện Hùng Vương đã thực hiện các hoạt động nhằm kiện toàn hạ tầng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, dự án phát triển hệ thống an ninh mạng và wifi cho bệnh viện vẫn chưa tiến hành vì còn vướng các thủ tục mua sắm đang ở bước trình Sở Y Tế duyệt chủ trương. Vì vậy việc nâng cấp hệ thống mạng nội bộ, cải thiện hệ thống wifi chưa thể tiến hành.
PGS Diễm Tuyết cũng cho biết, một trong những khó khăn lớn Bệnh viện Hùng Vương đang găp phải là công tác tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin. “Chúng tôi đã thành lập Đơn vị Công nghệ phần mềm, tuyển dụng, đào tạo nhân sự nhằm tự xây dựng, phát triển các chương trình phần mềm phục vụ cho công tác quản lý bệnh viện. Tuy nhiên, trên thực tế việc tuyển dụng nhân sự đang rất khó khăn. Bệnh viện đã liên tục đăng thông tin tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin, tuy nhiên mòn mỏi chờ hết tháng này qua tháng khác vẫn không thể tìm được người. Nguyên nhân chính là mức lương của nhân sự công nghệ thông tin tại bệnh viện quá thấp so với mặt bằng chung ngoài thị trường của lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay”- bàTuyết nói.
Vì vậy, Bệnh viện đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, bởi giữ mức lương theo quy định thì không tuyển được người. Nếu theo mức lương thỏa thuận thì bệnh viện sẽ không có cơ sở để chi trả. “Trong tình thế bắt buộc phải có nhân sự để phát triển công nghệ thông tin cho đề án y tế thông minh nhưng mức lương quá thấp không có người ứng tuyển, chúng tôi chẳng biết phải giải quyết thế nào” – bà Tuyết băn khoăn.
Các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đang chuyển mình sang giai đoạn công nghệ số
Trước những vướng mắc bệnh viện đang gặp phải, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban văn hóa xã hội kiêm Trưởng đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân TPHCM đề nghị Sở Y tế cùng các sở ngành liên quan xem xét phương án phù hợp để tập trung tháo gỡ để đưa đề án phát triển theo đúng lộ trình đã được phê duyệt.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, khó khăn tại Bệnh viện Hùng Vương cũng là khó khăn chung của các bệnh viện trên toàn địa bàn thành phố khi triển khai Đề án Y tế thông minh. Ông cho biết, ngoài vấn đề nhân sự thì hiện nay hạ tầng của công nghệ thông tin đã được đầu tư không đồng bộ nhiều năm qua và đã cũ kỹ, lạc hậu, chưa tương xứng với kế hoạch phát triển.
Ông Dũng cho biết, Sở Y tế đang phối hợp với các sở ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết nguồn lực chuyên nghiệp về công nghệ thông tin trong bệnh viện để gắn kết công nghệ ngay trong bệnh viện và các cơ sở y tế. “Trong khi chờ chính sách đặc thù, để tuyển dụng, giữ chân cán bộ công nghệ thông tin các bệnh viện cần tự cứu mình bằng giải pháp không tách rời đội ngũ công nghệ thông tin trong bệnh viện khỏi đội ngũ khám chữa bệnh mà lồng ghép chức năng, nhiệm vụ vào các hoạt động chung một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Trên thực tế, mọi hoạt động của bệnh viện đều cần sự vận hành của hệ thống công nghệ thông tin”.