Căn bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ: Chuyên gia chỉ cách phát hiện

Mộc Trà |

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư đứng thứ 3 trong số các loại ung thư thường gặp ở phụ nữ. Chuyên gia cho biết việc tầm soát ung thư rất quan trọng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ung thư cổ tử cung là loại ung thư đứng thứ 3 trong các loại ung thư dễ gặp nhất ở nữ giới. Tỉ lệ phát hiện ung thư ở độ tuổi 20-40 ngày càng nhiều.

Theo các nghiên cứu, hàng năm trên thế giới có gần 300.000 người chết vì ung thư cổ tử cung. Trong số những trường hợp mắc ung thư cổ tử cung, 85% rơi vào các nước đang phát triển. Lý do là vì ở những quốc gia đã có chiến lược, hành động chống lại loại ung thư này, các bậc phụ huynh đã đưa con đi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung từ bé.

Ths.BS Kiều Lệ Biên, Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, cho biết ở Việt Nam, cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung và 11 người có khả năng tử vong vì căn bệnh này.

BS Mỹ Nhi cho biết thêm tại Việt Nam, tỉ lệ tổn thương cổ tử cung do virus HPV ngày càng nhiều do điều kiện kinh tế tài chính chưa cho phép nhiều người có thể thực hiện được việc tiêm vắc xin phòng ngừa.

Thông thường nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung là do việc quan hệ tình dục không an toàn, sinh nhiều con gây tổn thương tử cung, vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, hút thuốc lá…

Các triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể giống với các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục khác nên rất dễ bỏ qua.

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung

- Đau rát vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục

- Chảy máu âm đạo bất thường, nhất là sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh nguyệt, sau mãn kinh hoặc sau khi khám phụ khoa

- Dịch tiết âm đạo bất thường, có thể tiết nhiều hơn, có màu xám đục và có mùi hôi

- Khó chịu khi đi tiểu, tiểu nhiều lần

- Đi tiểu, đi ngoài ra máu (dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung xâm lấn bàng quang, trực tràng)

- Kinh nguyệt thất thường, kéo dài

- Sút cân, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.

Chuyên gia khuyến cáo phụ nữ từ 21 – 29 tuổi nên làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung 3 năm/lần.

Gần như tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung đều do nhiễm virus HPV. Tuy nhiên, phải mất từ 10-20 năm hoặc lâu hơn sau khi nhiễm virus này thì ung thư cổ tử cung mới phát triển. Tiêm vắc xin phòng ngừa nhiễm HPV là cách bảo vệ bạn hữu hiệu nhất trước căn bệnh nguy hiểm này.

Căn bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ: Chuyên gia chỉ cách phát hiện - Ảnh 1.

Nhiều dấu hiệu của ung thư cổ tử cung rất khó phát hiện nếu không tầm soát. Ảnh minh họa

Phòng tránh ung thư cổ tử cung

Các chuyên gia cho biết để phòng tránh ung thư cổ tử cung, trước hết chúng ta cần phòng tránh virus HPV. Sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm HPV. Tuy nhiên, bao cao su không bao phủ toàn bộ da bộ phận sinh dục. Vì vậy, nó không có hiệu quả 100% trong việc bảo vệ bạn khỏi sự lây lan của HPV. Người bị mụn cóc sinh dục không nên quan hệ tình dục cho đến khi mụn cóc được loại bỏ hoàn toàn.

Một số cách khác để giảm nguy cơ nhiễm HPV gồm có:

- Quan hệ tình dục an toàn, tránh việc quan hệ với nhiều bạn tình cùng lúc.

- Phụ nữ nên làm xét nghiệm định kỳ hàng năm để phát hiện sớm những thay đổi bất thường ở cổ tử cung – dấu hiệu tiền ung thư.

- Nam và nữ nên dừng quan hệ tình dục ngay khi biết hoặc nghĩ mình mắc bệnh sùi mào gà, sau đó cần đi khám và điều trị triệt để.

- Tiêm ngừa vắc xin phòng HPV: Vắc xin được chỉ định tiêm cho nữ giới từ 9 – 26 tuổi, bất kể đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Ngoài ra, các bé trai trong độ tuổi dậy thì cũng có thể tiêm loại vắc xin này để phòng ngừa nguy cơ nhiễm HPV dẫn tới ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi, ung thư đường sinh dục nam giới (hậu môn, dương vật,…).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại