Căn bệnh diễn tiến nhanh, nguy hiểm hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi: BS chỉ dấu hiệu nhận biết

Linh Trang |

Lồng ruột cấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên các thống kê cho thấy 80 - 90% các bệnh nhân là trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là các bé trai bụ bẫm.

Lần lượt cấp cứu thành công các bệnh nhi bị lồng ruột cấp

Ngày 21/3/2018, đại diện Khoa Ngoại & Chuyên khoa - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cho biết, cách đây 2 ngày, đơn vị có tiếp nhận 2 bé Lê Diễm M.(9 tháng tuổi), thường trú tại Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh và bé Phạm Phương L.(8 tháng tuổi) thường trú tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Khai thác thông tin từ phía người bệnh, được biết, 2 cháu bé nhập vào viện trong tình trạng quấy khóc từng cơn, nôn trớ nhiều…

Trước hàng loạt biểu hiện bất thường đó, gia đình mới bắt đầu cho các bé nhập viện khám và kiểm tra.

Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng cho thấy vị trí sườn phải có hình ảnh khối lồng ruột, trong có vài hạch nhỏ, kích thước 45x36mm.

Qua hội chẩn chuyên khoa các BS chẩn đoán trẻ bị lồng ruột cấp và chỉ định phương pháp gây tĩnh mạch và tháo lồng bằng bơm khí/nước cho bé. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng hơn 20 phút, các Bác sĩ tiến hành đặt sonde hậu môn, bơm hơi áp lực < 90mmHg qua sonde và tháo lồng thành công cho bé.

Hiện tại sức khỏe của 2 bé đã ổn định, bé được bù thêm dịch, cho kháng sinh, nuôi dưỡng, đặt ống thông dạ dày cho bụng đỡ trướng.

Bác sĩ Nguyễn Kim Hiếu - chuyên khoa Ung bướu - BV Sản Nhi Quảng Ninh cho hay: "Trung bình một tháng BV tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20-30 trường hợp trẻ bị lồng ruột. Bệnh lồng ruột ít xảy ra ở người lớn và thường gặp là ở trẻ em khoảng từ 1 đến 2 tuổi trở xuống nhưng rất khó phát hiện".

Căn bệnh diễn tiến nhanh, nguy hiểm hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi: BS chỉ dấu hiệu nhận biết  - Ảnh 1.

Độ tuổi bị lồng ruột cấp nhiều nhất là từ 5-6 tháng tuổi.

Đối tượng thường mắc bệnh lồng ruột cấp

Lồng ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng các thống kê cho thấy 80-90% các bệnh nhân là trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là các bé trai bụ bẫm.

Trong đó, độ tuổi bị nhiều nhất là từ 5-6 tháng tuổi.

Nguyên nhân gây lồng ruột cấp

Nguyên nhân dẫn đến lồng ruột ở trẻ nhỏ gồm có nguyên nhân thực thể và nguyên nhân tự phát.

Lồng ruột không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng gọi là lồng ruột vô căn hay lồng ruột tự phát. Lồng ruột tự phát chiếm khoảng 75 - 90% số ca lồng ruột.

Nhiều người cho rằng trong lúc vui đùa, người lớn tung hứng trẻ, khiến trẻ bị lồng ruột. Nhưng đây không phải là nguyên nhân chính.

Một số nghiên cứu khác cho rằng, ở trẻ nhỏ có sự mất cân đối về kích thước giữa hồi tràng và van hồi manh tràng nên dễ xảy ra lồng ruột hay viêm hạch mạc treo cũng có liên quan đến cơ chế lồng ruột.

Viêm hạch mạc treo lại có liên quan đến nhiễm siêu vi. Do đó, mùa nhiễm siêu vi đường hô hấp thì lồng ruột lại xảy ra nhiều hơn.

Căn bệnh diễn tiến nhanh, nguy hiểm hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi: BS chỉ dấu hiệu nhận biết  - Ảnh 2.

Tháo lồng bằng thụt Baryt đại tràng là một trong các cách xử lý khi trẻ bị lồng ruột cấp

Dấu hiệu cho thấy trẻ bị lồng ruột cấp

Nếu trẻ có các dấu hiệu như đột ngột đau bụng dữ dội, quấy khóc từng cơn, bỏ bú, có thể kèm theo nôn ói nhiều lần thì đó là dấu hiệu của lồng ruột cấp ở trẻ nhỏ.

Bệnh thường gặp khi trẻ đang ăn uống bình thường bỗng khóc thét, bỏ bú, da tím tái, báo hiệu khúc ruột bắt đầu lồng vào nhau. Sau đó trẻ tạm thời nín khóc, thậm chí bú lại nhưng khi cơn đau tái phát, trẻ lại khóc từng cơn, ưỡn người, không bú được, nôn.

Vài giờ sau, trẻ mệt lả, da xanh nhợt. Khoảng 6-12 tiếng sau, trẻ đi cầu ra máu tươi có lẫn chút nhầy. Nhìn trẻ giảm sút rõ rệt: da tái, môi khô, mạch nhanh, người lạnh, mắt trũng. Nếu cứ trong tình trạng đó 24 giờ không xử trí gì trẻ sẽ bị nôn liên tục, bụng trướng dần lên, da toàn thân lạnh, nhợt nhạt, mạch nhanh, nhỏ, thở gấp nông, dấu hiệu ruột bắt đầu hoại tử.

Ngoài bệnh cảnh trên, đối với những trẻ đang bị sốt, ho, nhiễm siêu vi hay những trẻ đã từng bị lồng ruột thì việc trẻ đột ngột quấy khóc từng cơn cũng là một dấu hiệu nghi ngờ lồng ruột.

Cách xử lý khi trẻ bị lồng ruột cấp

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Có nhiều phương pháp điều trị lồng ruột như tháo lồng bằng bơm hơi đại tràng, tháo lồng bằng thụt Baryt đại tràng, tháo lồng bằng thụt nước muối sinh lý vào đại tràng, phẫu thuật tháo lồng bằng tay, phẫu thuật cắt nối ruột, điều trị bằng phẫu thuật nội soi...".

Trường hợp bệnh nhi được đưa đến bệnh viện quá muộn, tình trạng bệnh nghiêm trọng thì phải phẫu thuật.

Điều trị trường hợp này rất phức tạp, thời gian điều trị lâu dài. Có những trường hợp phát hiện quá muộn, bệnh nhi bị nhiễm độc, nhiễm trùng nên tử vong.

BS Dũng cũng cho biết thêm, lồng ruột là một dạng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ có diễn tiến nhanh với nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý để sớm phát hiện và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Xem thêm:

Dấu hiệu bất thường ở mống mắt cảnh báo cơ thể có vấn đề

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại