BS BV Chợ Rẫy kể chuyện chạy đua với thời gian vận chuyển tạng xuyên Việt

Linh Trang |

Vận chuyển quả tim với khoảng cách 1.800 km bằng đường hàng không, các BS liên tục bơm dung dịch bảo quản, đã có lúc lo lắng đến nghẹt thở.

Đi máy bay để chạy đua với thời gian

Ngày 19/3, trong cuộc gặp gỡ báo chí để công bố thành công 2 ca ghép tạng xuyên Việt được tiến hành (vào ngày 26/2), các y bác sĩ BV Chợ Rẫy đều rất phấn khởi khi sức khỏe người nhận tim và thận (được vận chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM để ghép) đang dần hồi phục và ổn định.

BS CK 2 Phạm Thanh Việt – Trưởng phòng kế hoạch Tổng hợp – BV Chợ Rẫy nói: "Tại BV Chợ Rẫy đối với chuyển tạng xuyên Việt đây là ca thứ 2, thế nhưng với đơn vị này chuyển tạng ghép tim là ca đầu tiên.

Việc bảo đảm được thời gian giới hạn trong việc ghép tạng đòi hỏi sự kỹ lưỡng, nhịp nhàng ở mức tối đa giữa cả nơi lấy và nơi nhận.

Nếu giả sử thời gian tiến hành vận chuyển đến tiến hành ghép không may bị kéo dài thì việc trao đi quả tim cho người nhận nó sẽ ngay lập tức vô nghĩa".

BS BV Chợ Rẫy kể chuyện chạy đua với thời gian vận chuyển tạng xuyên Việt  - Ảnh 1.

Nhờ có sự nỗ lực hết mình của lực lượng cán bộ ngành hàng không mà thùng tạng được về đến BV kịp thời

Sau hơn nửa tháng ca ghép thành công, BS Việt mới có thời gian để ngồi nhớ lại quá trình gay cấn kể từ lúc đón nhận phần thân thể của người cho trao cho người nhận đến những giây phút vận chuyển gấp gáp từ BV đến sân bay rồi từ sân bay về BV.

"Tôi không biết các nước trên thế giới có được chuyển tạng như Việt Nam hay không, có chăng các nước trên thế giới họ chuyển tạng bằng chuyên cơ, thường là chuyển trực thăng.

Và tôi cũng không biết có nước nào chuyển tạng mấy ngàn km như Việt Nam không, mình chuyển tạng vừa không có chuyên cơ, khoảng cách địa lý lại dài. Nhưng sau tất cả mình đã thành công". Vị Trưởng phòng kế hoạch Tổng hợp không giấu được cảm xúc.

Ghép tạng thành công là cứu được một mạng người, giá trị nhân văn rất lớn. Khi đó áp lực dồn hết lên vai tất cả cán bộ y bác sĩ của bệnh viện hai miền.

Thế nhưng, với riêng người đứng đầu phòng kế hoạch Tổng hợp – BV Chợ Rẫy còn nghẹt thở hơn nữa. Bởi BS được giao trọng trách "làm sao để trái tim vận chuyển từ sân bay về đến BV nhanh nhất, không được chậm trễ".

Bởi có một chân lý tất cả đều hiểu, với những ca ghép tạng thời gian di chuyển và thực hiện dao kéo càng nhanh thì tỷ lệ thành công càng cao, sự sống của người bệnh được kéo dài, đồng nghĩa với việc thực hiện càng chậm thì nguy cơ thất bại lại càng lớn.

Để rút ngắn thời gian, vị BS đã linh hoạt tìm cách liên hệ với các đội ngũ cán bộ ở sân bay. Để chuyến bay vận chuyển quả tim được xuống sân bay đầu tiên. Và phải được trực tiếp đem về BV ngay chứ không thể chậm trễ ở lại làm thủ tục như các chuyến bay khác.

Rất may mắn là, chuyến bay được cất cánh đúng giờ, không bị trễ chuyến. Sau khi lên máy bay, ê kíp vận chuyển thùng chứa quả tim nhận được sự ưu tiên và ủng hộ từ phía tiếp viên hãng bay. Được sắp xếp chỗ để đặt thùng chứa tạng. Trong suốt quá trình bay, nhân viên y tế không ngừng bơm dung dịch bảo vệ tạng.

Bs Việt cho hay: "Nhờ sự giúp đỡ của đội ngũ cán bộ hàng không, tôi đã làm tốt được việc này, các kế hoạch chuyển tạng từ sân bay về BV hoàn toàn như mong muốn, rất tuyệt vời! Cảm xúc tôi lúc đó khó mà nói nên lời, thùng đựng tim được đưa xuống băng ca để chuyển lên phòng mổ ngay".

2 xe đặc chủng của lực lượng CSGT hộ tống quả tim từ sân bay về BV

Chỉ có 6 giờ để đưa quả tim khỏi ngực người hiến ở Hà Nội về Sài Gòn ghép cho bệnh nhân, đây là lúc cần đến sự vào cuộc từ phía lực lượng công an.

Tiến sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng Khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim - BV Chợ Rẫy cho biết: "Thời gian quả tim từ lúc đưa ra cơ thể người hiến đến khi ghép vào người nhận phải đảm bảo trong vòng 6 giờ. Nếu trên đường di chuyển quả tim gặp kẹt xe, ca ghép tạng rất dễ thất bại".

BS BV Chợ Rẫy kể chuyện chạy đua với thời gian vận chuyển tạng xuyên Việt  - Ảnh 2.

Trong những tình huống khẩn cấp, sự vào cuộc của lượng lượng công an là cần thiết và đúng thời điểm

Để kịp trao trái tim người phía Bắc vào lồng ngực người phía Nam vượt khoảng cách hơn 1.700 km, hàng trăm y bác sĩ hai miền Nam Bắc đã "căng sức" vào cuộc chạy đua, phối hợp tính toán từng giờ từng phút.

Trưa 26/2, quả tim vừa đưa ra khỏi lồng ngực người hiến tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã được kíp bác sĩ Chợ Rẫy túc trực mang ra sân bay Nội Bài.

16h khi vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, hai chiếc xe cứu thương của Bệnh viện Chợ Rẫy đã được đặc cách vào tận cửa thang máy bay đợi sẵn.

Điều đáng nói ở đây, chính là sự xuất hiện của hai chiếc xe đặc chủng của cảnh sát giao thông TP.HCM hỗ trợ dẫn đường, giúp rút ngắn khoảng thời gian từ sân bay về bệnh viện chỉ khoảng 15 phút ngay trong giờ cao điểm đường sá đông đúc.

BS CK 2 Phạm Thanh Việt chia sẻ: "Nói gì thì nói, nếu không có sự đóng góp của lực lượng CSGT thì khó mà có thành công, tôi có thể khẳng định rằng, đến giờ phút này thì khâu nào cũng đã rất thành công: Khâu bác sĩ thành công, khâu vận chuyển thành công.

Qua đó tôi thấy rằng, sự chung tay góp sức không phải chỉ riêng ngành y tế, của các BV phía bắc phía nam. Mà các ngành khác cũng đều làm rất tốt".

Phó giáo sư Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá, lấy đa tạng ghép ở cùng một bệnh viện đã phức tạp. Với khoảng cách xa xôi như vậy, vấn đề tổ chức phối hợp càng khó khăn gấp bội.

Nếu chậm trễ chừng 1-2 giờ, các bác sĩ không chỉ phụ tấm lòng người hiến mà còn bỏ qua cơ hội cứu sống người nhận.

Sự hỗ trợ của các cơ quan ngoài ngành y tế như lực lượng công an, hàng không... đã giúp các thầy thuốc kết nối sự sống một cách kịp thời trọn vẹn.

Xem thêm:

Những hình ảnh về hành trình chuyển tạng xuyên Việt từ Bắc vào Nam


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại