Cái kết đau lòng của cậu bé 6 tuổi bị dơi cào xước tay

Minh Vân |

Bất kì một sự chủ quan nào của cha mẹ cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường cho con cái.

Cậu bé Ryker Roque, 6 tuổi, đã qua đời vào Chủ nhật tại bệnh viện ở Orlando, Florida, Mỹ vì bị nhiễm bệnh dại từ một con dơi.

Trước đó, cha cậu, Henry, đã tìm thấy con dơi trong vườn và bỏ vào một cái xô. Khi Ryker chạm vào nó, cậu đã bị xước tay và từ đó nhiễm bệnh rồi tử vong chỉ sau một tuần.

Cậu bé đã có thể sống sót nếu được chủng ngừa ngay sau khi bị nhiễm bệnh. Nhưng khi thấy cậu bé khóc vì sợ tiêm, cha mẹ của Ryker chỉ làm sạch vết thương mà không đưa con trai đến bệnh viện.

Cái kết đau lòng của cậu bé 6 tuổi bị dơi cào xước tay - Ảnh 1.

Vì sự chủ quan của bố mẹ, cậu bé Ryker Roque đã qua đời sau khi bị dơi cào.

Một tuần sau, những ngón tay của cậu bắt đầu tê liệt, chân không thể đi lại được, đau đầu và bắt đầu bị ảo giác. Lúc này, bố mẹ cậu mới quyết định đưa con trai đi khám.

Ryker được đưa đến bệnh viện, các kết quả xét nghiệm xác định cậu bị nhiễm bệnh dại.

Vắc-xin được tiêm sớm sau khi nhiễm trùng, trước khi các triệu chứng xuất hiện hầu như đều có hiệu quả. Nhưng vì virus đã chạy lên não, cơ hội duy nhất để dành được sự sống cho Ryker là một cuộc điều trị thử nghiệm có tên là Thực nghiệm Milwaukee.

Theo người tạo ra đề án, Tiến sĩ Rodney Willoughby, ngoài hai đứa trẻ ở Mỹ, phương thức này cũng đã cứu sống 18 người trên thế giới.

Để tiến hành điều trị, bệnh nhân được gây mê trong lúc dùng thuốc kháng virus. Việc gây mê giúp các hoạt động của não bị ức chế, làm hạn chế tối thiểu tổn thương não trong quá trình hệ thống miễn dịch của người bệnh hấp thu thuốc để diệt bệnh.

Cái kết đau lòng của cậu bé 6 tuổi bị dơi cào xước tay - Ảnh 2.

Loài rơi có thể truyền bệnh dại. Vắc-xin có thể tiêu diệt virus dại nếu chưa xuất hiện các triệu chứng trên cơ thể người bệnh.

Người đầu tiên được chữa trị là Jeanna Giese, 15 tuổi, sau khi cũng mắc bệnh dại từ một con dơi và đã được chữa khỏi vào năm 2004.

Nhưng đối với trường hợp của Ryker thì đã quá muộn, bệnh dại gần như chắc chắn gây tử vong khi các triệu chứng thần kinh đã phát triển.

Bệnh dại là một loại virus lây lan qua vết cắn hoặc cào của một con vật bị nhiễm bệnh. Đến khi các triệu chứng xuất hiện ở người thì thường đã quá muộn để cứu bệnh nhân, bởi lúc này virus đã đi vào hệ thần kinh trung ương và lan truyền đến não.

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh dại được báo cáo lên CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) đều liên quan tới các loài động vật hoang dã như gấu trúc, chồn, dơi và cáo.

Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, nhức đầu và cơ thể yếu dần.

Khi bệnh tiến triển đến não, bệnh nhân sẽ bị ảo giác, tăng nước bọt, nhầm lẫn, tê liệt và thường tử vong trong vài ngày.

Theo CDC, bệnh dại giết chết khoảng 60.000 người mỗi năm trên toàn thế giới, chủ yếu là trẻ em ở châu Phi và châu Á.

THỰC NGHIỆM MILWAUKEE CHỮA BỆNH DẠI NHƯ THẾ NÀO?

Thực nghiệm Milwaukee (MP) là một phương pháp cứu sống bệnh nhân bị bệnh dại khi đã bắt đầu triệu chứng do không được tiêm chủng kịp thời.

Phương pháp điều trị là gây mê bệnh nhân, đồng thời áp dụng một loại thuốc chống virus và các thuốc để giảm hoạt động của não bao gồm ketamine, benzodiazepine và amantadine.

Phương pháp này được phát triển bởi Rodney Willoughby vào năm 2004, khi được áp dụng thành công cho ca của Jeanna Giese từ Wisconsin.

Một tháng sau khi bị một con dơi cắn, Giese đã bị sốt, nhìn một thành hai và nói lắp.

Đã quá muộn để điều trị theo cách thông thường vì vậy bác sĩ đã thử nghiệm quy trình này. Một tháng sau, Giese đã hết virus với tổn thương não tối thiểu và không bị cách ly.

Phương thức này chỉ thành công với 2 ca ở Hoa Kỳ, khiến các nhà nghiên cứu tin rằng hiệu quả của nó phụ thuộc vào dạng virus.

Theo Daily Mail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại