Các chiến binh Thổ Nhĩ Kỳ bị ‘bắt gặp’ sử dụng vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine

Thanh Bình |

Avia.pro đưa tin, mới đây các chiến binh Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã được trao hàng trăm khẩu tên lửa vác vai Stinger có thể là từ Ukraine.

Tên lửa phòng không vác vai Stinger do Raytheon chế tạo đang được ưa chuộng ở Ukraine. (Ảnh: United States Marine Corps)

Tên lửa phòng không vác vai Stinger do Raytheon chế tạo đang được ưa chuộng ở Ukraine. (Ảnh: United States Marine Corps)

Theo một số nguồn tin, các chiến binh Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã nhận được các hệ thống tên lửa phòng không cơ động Stinger, được cho đưa đến từ lãnh thổ Ukraine.

Việc chuyển giao tên lửa phòng không Stinger được thực hiện bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, trong bối cảnh lực lượng không quân và quân đội Nga hoạt động mạnh nhất trong khu vực, các chuyên gia cho rằng đây là một "hành động khiêu khích rất nghiêm trọng".

Được biết, các hệ thống tên lửa phòng không di động Stinger đã được chuyển giao ngay cả cho các phân đội tương đối nhỏ gồm các chiến binh bắt đầu tiến về Manbij (ngày nay là một trong những thành phố quan trọng ở Syria) mà phía Ankara dự định sẽ nắm quyền kiểm soát.

Trước đó, quân đội Mỹ mới đây cho biết họ đã ký một hợp đồng trị giá 625 triệu USD với Tập đoàn Raytheon Technologies mua tên lửa phòng không Stinger để bổ sung kho dự trữ.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin khác, phía Ukraine có thể chuyển hàng trăm khẩu tên lửa vác vai Stinger của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc chuyển giao các máy bay không người lái tấn công Bayraktar TB2 sắp tới, trong khi hiện tại vẫn chưa rõ vì lý do gì mà các chiến binh Thổ Nhĩ Kỳ được cấp tên lửa Stinger.

Hiện Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine vẫn chưa đưa ra bình luận về vụ việc này.

Kể từ tháng 2 năm nay, Mỹ đã chuyển khoảng 1.400 chiếc Stinger đến Ukraine. Các đồng minh của Mỹ cũng muốn mua Stinger để bổ sung cho lượng thiếu hụt do họ đã viện trợ cho Ukraine trong những tháng gần đây.

Theo các nguồn tin, hợp đồng mới lên tới 1.468 tên lửa Stinger và ước tính thời gian giao hàng có thể mất đến 30 tháng.

Về phía Mỹ, được biết Lầu Năm Góc đã không đặt hàng tên lửa Stinger mới trong khoảng 18 năm qua. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang lo ngại về nguồn dự trữ tên lửa Stinger đang cạn dần.

Hiện tại quân đội Mỹ đã hạn chế sử dụng nguồn dự trữ tên lửa Stinger trong khi chờ phát triển thế hệ tiếp theo của hệ thống phòng không di động.

FIM-92 Stinger là một tên lửa vác vai, có thể phóng từ hệ thống phòng không do một người mang. Tên lửa cũng có thể bắn từ nhiều vị trí khác nhau, bao gồm xe trên mặt đất, máy bay trực thăng và lính không vận.

Tên lửa Stinger dài 1,52 m với đường kính 70 mm. Cánh của tên lửa này dài 100 mm. Tên lửa nặng 10,1 kg. Nếu tính thêm ống phóng và kính ngắm thì tên lửa có trọng lượng 15,2 kg.

Stinger được sử dụng để ứng phó với các mối đe dọa ở cao độ thấp (từ 3.800 m trở xuống) và có thể bắn các mục tiêu ở cự ly 4.800m. Tốc độ tối đa của tên lửa này là Mach 2.54 (750 m/s). Một khi được phóng đi, đầu đạn sẽ tự nổ sau 17 giây nhờ vào đồng hồ hẹn tự nổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại