Hình minh họa.
Báo Nga: Tên lửa siêu thanh mới của Triều Tiên được "copy" từ... Trung Quốc?
Ít ngày trước, trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (25/4) tại thủ đô Bình Nhưỡng, các thành tựu mới nhất của ngành công nghiệp quốc phòng nước này đã một lần nữa được "phô diễn".
Điểm nhấn của cuộc duyệt binh có lẽ vẫn là các đội hình tên lửa, bao gồm tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn (tương tự tên lửa lớp ATACMS của Mỹ), xe phóng cơ động mang tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwaseong-17...
Tuy nhiên đáng chú ý hơn cả là tên lửa siêu thanh Hwaseong-8 (Hỏa tinh-8).
Tên lửa siêu thanh Hwaseong-8 trong cuộc duyệt binh hôm 25/4.
Căn cứ vào hình ảnh về Hwaseong-8 trong cuộc duyệt binh, các nhà phân tích của trang tin quân sự Nga Topcor.ru đưa ra nhận xét:
"Tên lửa siêu thanh được Triều Tiên trình diễn thực chất là một bản sao của tổ hợp chiến thuật siêu thanh DF-17 (Đông Phương-17) của Trung Quốc - thứ được Bắc Kinh chính thức giới thiệu vào năm 2019.
Tất cả những điều này cho thấy Bình Nhưỡng đang làm tốt công tác tình báo, nghiêm túc và có năng lực trong việc tái tạo các dữ liệu thu được vào trong các sản phẩm cụ thể.
Chúng tôi xin nhắc lại rằng kể từ đầu năm 2022, Triều Tiên đã tiến hành gần chục vụ thử tên lửa, gây ra những lo ngại cụ thể ở Nhật Bản và Hàn Quốc".
Tính tới trước thời điểm Quân đội Nhân dân Triều Tiên giới thiệu Hwaseong-8, chỉ có quân đội hai quốc gia trên thế giới là Nga và Trung Quốc được cho là đã đưa vào trang bị các tên lửa siêu thanh.
Tên lửa siêu thanh DF-17 được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trình diễn vào năm 2019.
Hwasong-8 và DF-17 giống và khác gì?
Theo trang tin Missile Threat, tên lửa của hệ thống DF-17 dài khoảng 11 mét và nặng khoảng 15 tấn và được cho là sử dụng động cơ đẩy từ tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) DF-16B và trang bị đầu đạn lướt siêu thanh (HGV) - theo Missile Threat.
Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có thể đạt tốc độ từ Mach 5 đến Mach 10 (từ 1,72 đến 3,43 km/giây) trong giai đoạn lướt. Tình báo Mỹ cho rằng DF-17 sở hữu tầm bắn từ 1.800 đến 2.500 km.
Mặc dù thông số kỹ thuật chính xác của Hwasong-8 vẫn chưa được tiết lộ, nhưng về mặt lý thuyết, tên lửa có thể bay nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, sử dụng đầu đạn HGV rất cơ động khi bay nên gần như không thể bị bắn hạ gần như hoàn toàn giống với DF-17.
Một vụ thử DF-17 của PLA.
Điểm khác biệt có thể dễ dàng nhận thấy giữa Hwasong-8 và DF-17 là bệ phóng tên lửa di động (TEL).
Các tổ hợp Hwasong-8 trong cuộc duyệt binh hôm 25/4 sử dụng TEL được cho là MAZ -543/MAZ-7310 "Uragan" do Nga sản xuất còn DF-17 trong cuộc duyệt binh năm 2019 sử dụng TEL WS2500.
Tuy nhiên khác biệt này không có nhiều ý nghĩa khi WS2500 lại là biến thể hạng nặng của WS2400 - thứ được người Trung Quốc sản xuất nhờ đảo ngược công nghệ của "Uragan".
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành 9 vụ thử hệ thống DF-17 tính từ năm 2014 cho tới năm 2017 trước khi công khai trang bị vào năm 2019.
Theo tuyên bố của Bình Nhưỡng, Hwasong-8 đã được thử nghiệm 3 lần, lần đầu tiên vào tháng 9/2021 và 2 lần tiếp theo vào tháng 1/2022 trước khi chính thức đưa vào trang bị.
Mặc dù khó có thể xác thực được nhận định của các nhà phân tích Nga của Topcor.ru về việc Triều Tiên sao chép tên lửa siêu thanh của Trung Quốc, nhưng từ những dữ liệu ít ỏi về Hwasong-8 và DF-17, có thể tạm kết luận rằng chúng "tuy 1 mà 2, tuy 2 mà 1".
Vụ thử tên lửa Hwasong-8 vào năm 2019 của Triều Tiên.