Bỗng dưng "đơ" cổ, làm sao?

Anh Thư |

Cảm giác thức dậy bỗng dưng vùng vai, cổ đau nhức, khó xoay trở, hay dân gian thường gọi là bị "đơ" cổ ai cũng gặp không ít lần trong đời.

Những mùa có thời tiết thất thường, đêm lúc trở lạnh, lúc nóng nực, nguy cơ gặp phải triệu chứng đơ cổ khó chịu càng nhiều hơn.

Với đa số mọi người, tuy rất phiền toái nhưng "đơ" cổ thường tự khỏi trong ít ngày và được xem là một vấn đề nhỏ, do tư thế nằm mà ra.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, triệu chứng này còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý từ nhẹ đến nặng.

Ví dụ như trường hợp của chị Ng.B.V. (30 tuổi), một nhân viên văn phòng, mỗi năm đến hơn chục bận chị thức dậy với cái cổ đau, cứng đơ.

Phiền toái này đã được giải quyết sau khi chị đi điều trị thoái hóa cột sống cổ và thay đổi lối vận động. "Bác sĩ nói đáng lẽ tôi đi phải đi khám lâu rồi, ai đời cứ vài tuần là lại đau cổ một đợt mà cứ ráng chịu đựng" – chị cười.

TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP HCM lý giải: triệu chứng "đơ" cổ sau khi thức dậy thường do bạn hoạt động quá mức ngày hôm trước, do căng thẳng, có việc ngồi lâu (ví dụ như ngồi làm việc bên máy tính nhiều giờ liền).

Cảm giác đau, khó cử động là do hiện tượng chèn ép thần kinh ngoại vi. Cơn đau này thường giảm dần trong vòng 3-5 ngày rồi hết hẳn.

Tuy nhiên, nếu triệu chứng này lặp lại quá thường xuyên, thì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý.

Thường gặp nhất là thoái hóa cột sống cổ, một căn bệnh có chiều hướng "trẻ hóa" thời gian gần đây. Ngoài ra, người bị đái tháo đường, mỡ máu, đang dùng một số thuốc đặc trị cũng có thể gặp phải tình trạng này.

Vì vậy, bạn cần đến gặp BS chuyên khoa nếu hiện tượng "đơ" cổ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, hoặc cơn đau không giảm bớt sau vài ngày mà có chiều hướng tăng nặng.

Để phòng ngừa triệu chứng phiền toái này, TS-BS Tiến Lý khuyên mọi người nên xem lại chế độ sinh hoạt, vận động nếu như bị "đơ" cổ hoài.

Người chưa bị cũng nên phòng ngừa. Người phải lao động nặng, hoạt động quá mức dễ bị, nhưng nhóm nhân viên văn phòng ngồi làm việc thụ động một chỗ cũng có nguy cơ không kém, có khi còn nhiều hơn.

Việc phòng ngừa khá đơn giản: hãy vận động nhiều hơn, và nếu phải ngồi một chỗ làm việc thì nên thay đổi tư thế, đứng lên đi lại một chút… mỗi 30 phút.

Đây cũng là cách hữu hiệu để ngăn chặn thoái hóa cột sống cổ. Không chỉ giới văn phòng mà đối tượng học sinh-sinh viên cũng phải lưu ý điều này.

Như đã nói ở trên, thoái hóa cột sống cổ thời nay không còn là "bệnh người già" nữa. "Tôi từng chữa cho nhiều bệnh nhân dưới 20 tuổi" – ông cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại