Bloomberg: "Ông Tập Cận Bình muốn gì, Huawei đều làm được"

Tất Đạt |

Năng lực kĩ thuật của Huawei - kết hợp cùng mối quan hệ với các doanh nghiệp lớn và chính phủ Trung Quốc - có thể xây dựng và chế tạo ra "xương sống" của công nghệ tương lai.

Những công nghệ định hình tương lai

Vụ bắt giữ bất ngờ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei - đã đẩy công ty này vào bê bối chính trị lớn nhất trong mảng công nghệ và ngày càng khắc sâu thêm lo ngại về những thiệt hại của hãng.

Nhiều quốc gia đã đưa sản phẩm của Huawei - bao gồm thiết bị chuyển mạch, bộ định tuyến và điện thoại - vào danh sách đen để đề phòng các rủi ro an ninh và nguy cơ bị gián điệp Trung Quốc "nhòm ngó".

Tuy nhiên, trong trụ sở của Huawei ở Thâm Quyến, một nhóm các kĩ sư bí mật dường như không quá quan tâm tới các mối lo ngại nói trên. Những người này đang nghiên cứu các công nghệ tiên tiến nhất: từ trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây tới chip máy tính với sự ưu tiên của chính phủ Trung Quốc và mang tầm ảnh hưởng đặc biệt lớn tới tương lai của Huawei.

Khi cuộc chiến tranh thương mại kéo dài, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường đẩy mạnh nền công nghiệp và thúc giục lĩnh vực này bớt phụ thuộc vào các thiết bị bán dẫn và phần mềm đời mới của Mỹ.

Vụ bắt giữ bà Mạnh dường như không thể cản bước được hoạt động của Huawei. Trái lại, vụ việc sẽ đẩy nhanh tốc độ và dẫn tới kết quả cuối cùng là Mỹ và Trung Quốc sẽ không còn phải cung cấp chip điện tử cho nhau nữa.

Bloomberg: Ông Tập Cận Bình muốn gì, Huawei đều làm được - Ảnh 1.

Bà Mạnh Vãn Chu rời nhà trong sự kiểm soát của nhân viên an ninh. Ảnh: Ben Nelms/Bloomberg

Gus Richard, một nhà phân tích tại Northland Capital Markets, viết trong một báo cáo gần đây: "Huawei là biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Trung Quốc".

Mặc dù bà Mạnh đã được bảo lãnh tại ngoại bởi tòa án Canada, bà vẫn phải ở lại khu vực Vancouver trước nguy cơ bị yêu cầu dẫn độ sang Mỹ để xét xử các cáo trạng gian lận và vi phạm cấm vận của Mỹ đối với Iran.

Công ty Huawei đang đầu tư nguồn lực khổng lồ vào công nghệ thế hệ tiếp theo, tìm cách lặp lại thành công mà hãng đã gặt hái được ở những lĩnh vực khác. Trong suốt thập kỉ qua, hãng công nghệ này đã thầm lặng từng bước trở thành "gã khổng lồ" trong lĩnh vực thiết bị mạng và viễn thông. Hiện nay, Huawei chỉ xếp sau công ty Cisco Systems tại San Jose, California.

Khi gia nhập thị trường điện thoại thông minh, Huawei đã khiến giới quan sát sửng sốt vì "hạ gục" Apple về thị phần trong đầu năm nay. Vào tháng 9, công ty Trung Quốc chiếm tới 15% sản phẩm công nghệ được giao dịch trên thế giới, chỉ sau Samsung Electronics - theo số liệu từ Công ty Dữ liệu Quốc tế (IDC). Hai năm trước đây, Huawei chỉ có 9% thị phần.

Năng lực kĩ thuật của Huawei - kết hợp cùng mối quan hệ của hãng với các doanh nghiệp blue-chip và chính phủ - có thể xây dựng và chế tạo ra "xương sống" của công nghệ tương lai.

Những tham vọng này của Huawei đồng bộ với mục tiêu của chính phủ Trung Quốc. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trở thành cường quốc đi đầu trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn - Huawei đang chứng tỏ là tập đoàn này có thể làm được.

Ông Tập muốn Trung Quốc có dấu ấn lớn trên thị trường - Huawei đã thể hiện được điều đó. Ông Tập muốn Trung Quốc đi từ sản xuất đơn giản tới ngành công nghiệp sinh lợi và đem lại lợi ích cho đất nước - Huawei đã không khiến Bắc Kinh thất vọng.

Sản phẩm kĩ thuật của Huawei

Bloomberg: Ông Tập Cận Bình muốn gì, Huawei đều làm được - Ảnh 2.

Tòa nhà của Huawei tại Thẩm Quyến. Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg

Một căn phòng rộng lớn tại khuôn viên của Huawei ở Thâm Quyến chứa đầy các mô hình kỹ thuật số về cách các ngân hàng, cửa hàng bán lẻ và các con đường trong thành phố hoạt động với năng lực công nghệ của Huawei.

Công nghệ được tạo ra bên trong một phòng thí nghiệm nghiên cứu có tên gọi là "Nhà Trắng". Rất ít du khách tới đây thăm quan.

Tuy nhiên, phòng mô phỏng - hay còn được gọi là "phòng triển lãm công nghiệp" - đã cho thấy một tương lai "kì diệu", nơi các công ty và chính phủ các quốc gia sử dụng AI và điện toán đám mây của Huawei để xử lí dữ liệu, thúc đẩy doanh số bán hàng và khiến thành phố trở nên sống động, "nghe và nhìn được mọi thứ".

Nhóm doanh nghiệp kinh doanh của Huawei bán ra các sản phẩm và dịch vụ cho thiết bị kết nối mạng và thành phố thông minh. Trong năm nay, nhóm này dự tính có doanh thu 10 tỉ - tương đương với 1/10 doanh thu của tổng công ty.

Qiu Heng, giám đốc tiếp thị của hãng, dự tính doanh thu của công ty sẽ gấp đôi sau mỗi hai năm. Nói cách khác, nhóm doanh nghiệp này sẽ thu về 100 tỉ USD vào năm 2025 - trùng thời điểm chính phủ Trung Quốc đặt ra mục tiêu tự lập về các sản phẩm kĩ thuật.

Trong hai năm vừa qua, những công ty Internet lớn nhất thế giới đã sản xuất thiết bị bán dẫn để cải thiện dịch vụ điện toán đám mây và các ứng dụng AI - ví dụ như nhận dạng hình ảnh và hỗ trợ giọng nói. HiSilicon - công ty con của Huawei - đã bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất chip điện tử từ năm 2004.

Công ty này đã đầu tư vào nghiên cứu sản xuất chip công nghệ cao để xử lí những thuật toán phức tạp. Nhà nghiên cứu doanh nghiệp Alliance Bernstein ước tính rằng HiSilicon đang trên đà thu về 7,6 tỉ USD trong năm nay, gần như gấp đôi so với năm 2015.

Trong khi Huawei đang đi đầu với các nghiên cứu của hãng, có dấu hiệu cho thấy vụ bắt giữ bà Mạnh đã làm ảnh hưởng tới hoạt động của công ty. Một nhà cung cấp robot công nghiệp Nhật Bản cho biết Huawei đã ngừng đơn mua hàng sau vụ bắt giữ.

Huawei còn nhiều thị trường ngoài Mỹ

Về mặt phần mềm, Huawei đang bị các đối thủ bỏ lại phía sau. Trong lĩnh vực AI, ví dụ như "deep learning" và hệ thống quan sát cho máy tính, Huawei đang "tìm cách bắt kịp" những hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ.

Oren Etzioni, người đứng đầu Viện Trí tuệ nhân tạo Allen, cho biết: "Huawei có dữ liệu và hỗ trợ của chính phủ, nhưng gặp bất lợi đáng kể khi nói đến AI". Tuy nhiên, nếu có bất kì công ty nào có thể xóa nhòa khoảng cách đó nhanh chóng, thì đó chỉ có thể là Huawei.

Các hãng nghiên cứu máy tính tại Zurich hiện đang tìm hiểu về chip cho điện thoại Android và đánh giá chip của HiSilicon đang đi đầu. Ngoài ra, Huawei mới đây đã cho ra đời một bộ công cụ phần mềm AI và hồi tháng 10 đã xuất xưởng một chip chuyên dụng mới có tên Ascend.

Bloomberg: Ông Tập Cận Bình muốn gì, Huawei đều làm được - Ảnh 3.

Chip Ascend 310 được Huawei ra mắt vào tháng 11/2018. Ảnh: AP Photo

"Không con chip nào có khả năng xử lí giống con chip này," ông Qiu nói.

Rất ít nhà sản xuất chip có thể tiếp cận các khách hàng sẵn lòng đầu tư một khoản lớn vào AI. Trong trường hợp của Huawei, khách hàng đó là chính phủ Trung Quốc. Công ty này hiện đang thực hiện tham vọng của Bắc Kinh trong việc đưa mọi ngõ ngách, cơ sở hạ tầng và camera đường phố vào một hệ thống điện tử.

Mục tiêu của Huawei là trở thành "đầu não" của thành phố thông minh trong tương lai. Cảnh sát tại Thâm Quyến đã bắt đầu sử dụng chip của Huawei trong hệ thống camera đường phố.

Theo ông Qiu, một bộ chip đơn lẻ của Huawei có thể xử lí dữ liệu hình ảnh từ tối đa 16 camera - gấp 4 lần năng lực máy tính hiện tại.

Trong một thông báo, phát ngôn viên của Huawei cho biết công ty này đã hoạt động tại hơn 170 quốc gia và chỉ trích những động thái từ phía chính phủ Mỹ.

"Nếu hành vi của chính phủ vượt quá giới hạn pháp lí thông thường, thì những hành động đó cần bị ngăn cản," phát ngôn viên nói.

Một chuyên gia cho rằng Huawei nên tập trung mở rộng thị trường tại những quốc gia Mỹ La Tinh và châu Phi, đặc biệt sau khi bà Mạnh bị bắt tại Canada. "Nếu họ tuân thủ luật chơi, Huawei sẽ có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Trừ khi chính phủ Mỹ có thể thuyết phục đồng minh không mua hàng của Huawei nữa," vị chuyên gia kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại